Ngày 23-6, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi). Cho ý kiến đối với Luật Đầu tư, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thái Bình, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đề nghị bỏ thủ tục đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả dự án đầu tư trừ những dự án sử dụng nguồn lực từ nhà nước, đất đai, tài nguyên hoặc có ảnh hưởng đáng kể tới các nguồn lực khan hiếm khác của xã hội.
Ủng hộ, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng Luật Doanh nghiệp (DN) đã nói những ngành nghề bị cấm, có điều kiện rồi nên việc Luật Đầu tư lại có lĩnh vực đầu tư bị cấm, lĩnh vực đầu tư có điều kiện, có giấy phép này, giấy phép kia sẽ gây trùng lắp, chia cắt không cần thiết. Cũng theo ông Nghĩa, việc hạn chế đầu tư ra nước ngoài đang cản trở hiệu quả kinh doanh của các DN.
Ở góc độ khác, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng quy định về ưu đãi đầu tư trong dự luật cần làm rõ ưu đãi đối với sản xuất sản phẩm được nội địa hóa 100%. “Hiện Việt Nam chưa thực sự có một sản phẩm công nghiệp hay sản phẩm có công nghệ cao để xuất khẩu nâng cao thương hiệu Việt Nam. Từ quy định ưu đãi đối với sản xuất sản phẩm nội địa hóa 100% trong luật, Chính phủ sẽ quy định chi tiết ưu đãi đối với sản xuất sản phẩm nội địa hóa 100% để tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu và nhóm ngành nào cần có chính sách ưu đãi trước” - ĐB Cảnh kiến nghị.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề xuất hướng ra cho ngành công nghiệp phụ trợ giúp DN Việt Nam không bị thất bại trên chính sân nhà thì nhà nước cần có chính sách để giúp DN chuyển từ hệ thống cung cấp bị động sang hệ thống cung cấp chính thức. ĐB này ví von: “DN Việt Nam trong ngành công nghiệp phụ trợ hiện nay cũng như người thuộc hộ nghèo. Họ không cần con cá để sống tạm, cũng không phải cần cần câu để đủ sống mà cần phát triển và làm giàu nên cái họ cần nhất là câu cá để bán cho ai. Vì thế, chính sách ưu đãi cho sản xuất sản phẩm nội địa hóa 100% là rất cần thiết”.
Thảo luận về dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng công tác thi hành án dân sự vừa qua gặp bế tắc vì quyết định thi hành án đã không còn mang tính chất thực thi công lý nữa mà trở thành một quyết định hành chính để cho hai bên đương sự tự thỏa thuận. “Có người chết rồi vẫn chưa được thi hành án do sự trì trệ” - ĐB Nghĩa nói và đề xuất quyết định thi hành án là quyết định tư pháp, bắt buộc phải thi hành. Việc cản trở thi hành án là tội hình sự dù bản án đó là bản án dân sự.
Cùng ngày, QH đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và Luật Hải quan sửa đổi, bổ sung.
“Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn theo Nghị quyết 35 vẫn được thực hiện tại kỳ họp QH thứ 8 diễn ra vào tháng 10” - Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết.
Bình luận (0)