Các nhà đầu tư rất muốn đẩy mạnh kết nối, hợp tác với doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đặc biệt là DN lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ (CNHT) để nâng sức cạnh tranh.
Doanh nghiệp ngoại tăng đầu tư
Dẫn con số đầu tư của Nhật tại Việt Nam đã tăng từ 2,15 tỉ USD năm 2016 lên 9 tỉ USD năm 2017 và 70% DN Nhật cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM, đánh giá Việt Nam đang là điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư từ Nhật Bản.
Theo ông Suttisak Wilanan, Phó Giám đốc Công ty Reed Tradex (Thái Lan), với hàng chục hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, Việt Nam đang sở hữu lợi thế lớn. Bên cạnh những ưu đãi thuế quan, cải cách trong nước đã mở ra nhiều cơ hội cho đầu tư nước ngoài; nhiều DN, tập đoàn lớn như Samsung, LG, Intel, Canon... đang hoạt động tại Việt Nam.
Khảo sát của các hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam như JETRO (Nhật Bản), EuroCham Việt Nam (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam), AmCham Vietnam (Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam)… cũng cho thấy DN các nước này lạc quan về môi trường kinh doanh, mong muốn tiếp tục ổn định, mở rộng đầu tư làm ăn tại Việt Nam.
Nhân viên Công ty TNHH SX TM In Minh Mẫn - một công ty đang liên kết tốt với các nhà sản xuất đầu cuối tại Việt Nam - trong giờ làm việc
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư ngoại rất muốn tăng cường liên kết với DN trong nước để gia tăng giá trị, trên cơ sở DN cung ứng nội địa phải không ngừng cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tăng hiệu quả kết nối
Theo ông Takimoto Koji, tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam hiện còn thấp so với các nước trong khu vực, mới chỉ đạt 33,2% (năm 2017), phần nào gây khó khăn, làm giảm khả năng cạnh tranh của các DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam. Vì vậy, DN Nhật rất muốn đẩy mạnh kết nối, hợp tác với DN Việt Nam, nhất là các DN lĩnh vực sản xuất CNHT.
Trong mối liên kết này, không chỉ Nhật mà các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, châu Âu đều xác định tiêu chí chất lượng là quan trọng nhất để lựa chọn đối tác mua hàng; tiếp theo đó là giá cả, sự chuyên nghiệp, độ tin cậy… Riêng về chất lượng, Việt Nam cần xác lập các tiêu chuẩn công nghiệp, tiêu chuẩn an toàn và không ngừng cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, hạ giá thành… Đáp ứng được những yêu cầu này sẽ là cơ sở vững chắc để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí Điện TP HCM, lo ngại DN nội khó chen chân vào chuỗi cung ứng do năng lực quản trị còn hạn chế dẫn đến khó cạnh tranh. Hiểu rõ những hạn chế này, TP HCM đang tích cực hỗ trợ DN CNHT nâng cao chất lượng quản trị, sản xuất cũng như kết nối với các đơn vị mua hàng. Giám đốc Sở Công Thương TP HCM Phạm Thành Kiên cho biết sở đang tăng cường làm việc với các chuyên gia, hội ngành nghề và DN trên địa bàn xây dựng danh mục sản phẩm chủ lực, từ đó có chính sách hỗ trợ phát triển, kết nối tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Để hỗ trợ DN CNHT nâng cao năng lực quản trị, cải tiến sản xuất, Trung tâm Phát triển CNHT TP HCM đang tích cực kết nối các DN tham gia những chương trình đào tạo, bao gồm chương trình Phát triển DN bền vững (SCORE), đào tạo DN phát triển toàn diện của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) theo phương pháp 5S-kaizen, tư vấn cải tiến DN do các chuyên gia của Samsung thực hiện... Mới đây nhất, Trung tâm Phát triển CNHT TP HCM phối hợp với các đơn vị tuyển chọn học viên tham gia khóa đào tạo chuyên gia tư vấn do Samsung Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức.
Bình luận (0)