Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, tại khu vực thành thị, nhiều mặt hàng dành cho người tiêu dùng trên 50 tuổi (người lớn tuổi - PV) tăng trưởng rất tốt, đạt mức 2 con số và cao hơn so với mức tăng trưởng trung bình của toàn ngành hàng tiêu dùng nhanh. Dù thị trường hấp dẫn như vậy nhưng đến nay, rất ít doanh nghiệp (DN) chú ý đến nhóm khách hàng này.
Tại các thành thị, mặt hàng cháo ăn liền đã tăng trưởng đến 25%
Theo ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op, người lớn tuổi chuộng những sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Co.opmart hiện có sữa, yến (nguyên liệu hoặc chế biến sẵn) và các loại thực phẩm chức năng, bột dinh dưỡng, cháo dinh dưỡng. Trong đó, tiêu thụ tốt nhất là các loại sữa ngoại nhập và nước yến dạng quà tặng.
Tại các siêu thị của chủ đầu tư nước ngoài, sản phẩm cho người lớn tuổi đa dạng hơn nhưng bố trí đan xen với các sản phẩm khác, chứ chưa có khu vực trưng bày riêng. Ông Lê Hữu Tình, Giám đốc marketing Emart Việt Nam, cho biết thực phẩm chức năng, sữa, sâm, đường ăn kiêng, ngũ cốc dinh dưỡng và tã... đang bán khá tốt. Chiếm số lượng lớn trong đó là hàng nhập khẩu, tùy mặt hàng sẽ có ghi nhãn "dành cho người lớn tuổi" hay không. "Ngách này ít được quan tâm ngoài thị trường nên sản phẩm càng đặc thù càng dễ bán" - ông Tình nhận xét.
Từng ghi sản phẩm "dành cho khách hàng 50+" khi lần đầu giới thiệu 3 loại cháo bổ dưỡng ra thị trường năm 2004 rồi phải thay đổi bao bì, bỏ hẳn dòng chữ đó, Công ty CP Sài Gòn Food hiểu rõ chưa đến lúc "đóng dấu" phân khúc khách hàng lớn tuổi lên sản phẩm. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, cho biết tại thời điểm mới tung hàng, các hệ thống bán lẻ đã tư vấn nên bỏ nhãn "50+" vì ghi như vậy sẽ khó bán.
"Các siêu thị đã nói đúng vì rất nhiều người mua cháo này cho con ăn. Nhiều người cho rằng sản phẩm dành riêng cho người lớn tuổi sẽ có thành phần riêng, người dưới 50 tuổi sẽ không mua và càng không dám mua cho trẻ em ăn. Thậm chí, sẽ có người ngại mua vì sợ nếu dùng thì mình cũng... có tuổi" - bà Lâm cho biết. Theo bà, Công ty CP Sài Gòn Food đang nghiên cứu một số sản phẩm dành cho người lớn tuổi nhưng ngay trong nội bộ công ty vẫn chưa có sự đồng thuận.
Công ty CP Sài Gòn Food là một trong rất nhiều DN đang đưa khách hàng có tuổi vào tầm ngắm nhưng chủ yếu là theo dõi diễn biến thị trường. Theo các DN, lượng khách hàng lớn tuổi đang gia tăng nhanh chóng, có nhu cầu tiêu dùng riêng và có điều kiện kinh tế. Thế nhưng, nhu cầu này chưa rõ ràng nên DN chưa xem là đối tượng khách hàng riêng biệt. Hiện DN tập trung vào đối tượng khách hàng chính là trẻ em, người tiêu dùng trẻ thế hệ millennials (sinh năm 1980-1998) và hế hệ Z (sinh sau năm 2000).
"Hy vọng sắp tới dung lượng thị trường lớn hơn, tâm lý người tiêu dùng thoải mái hơn, nhà sản xuất quan tâm hơn và mạnh dạn thể hiện sự quan tâm đó vào sản phẩm" - bà Lâm bày tỏ.
Bình luận (0)