Dự thảo đề ra các yêu cầu chung đối với chợ kinh doanh thực phẩm như: chợ được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố, bảo đảm thời gian sử dụng tối thiểu là 5 năm; không bị ngập nước, đọng nước; không ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm từ các khu vực ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại, các nguồn gây ô nhiễm khác. Đồng thời, chợ phải được phân thành từng khu riêng biệt nhằm tránh lây nhiễm chéo giữa các khu kinh doanh thực phẩm và mặt hàng khác nhau, được ngăn cách bởi đường đi có chiều rộng tối thiểu là 2,4 m…
Nhiều yêu cầu
Về yêu cầu kết cấu, sàn khu vực buôn bán thực phẩm phẳng, có bề mặt cứng, chịu tải trọng, mài mòn; thoát nước tốt, không gây trơn trượt; không đọng nước và dễ làm vệ sinh.…
Đặc biệt, dự thảo yêu cầu sản phẩm kinh doanh tại chợ phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm truy xuất được nguồn gốc; có sổ sách ghi chép, hợp đồng, hóa đơn, chứng từ lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm để sản xuất và thực phẩm kinh doanh tại cơ sở.
Đáng lưu ý, dự thảo cũng yêu cầu không bày bán gia súc, gia cầm sống chưa giết mổ tại chợ; không giết mổ gia súc, gia cầm tại chợ. Các quầy hàng phải có biển hiệu ghi rõ tên mặt hàng kinh doanh; họ và tên, địa chỉ, điện thoại liên hệ của cơ sở kinh doanh thực phẩm...
Chỉ khuyến khích, không cấm
Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), bản dự thảo nêu trên là tiêu chuẩn khuyến khích áp dụng chứ không phải quy chuẩn quốc gia. Như vậy, quy định đưa ra không cấm đoán việc bán thịt, gà sống và không cấm giết mổ gia súc, gia cầm tại chợ.
Thực tế đã có một số tỉnh, TP yêu cầu bỏ luôn nội dung về bày bán gia súc, gia cầm sống chưa giết mổ tại chợ; không giết mổ gia súc, gia cầm tại chợ để hình thành những khu giết mổ tập trung nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng tới cạnh tranh với sản phẩm của siêu thị. “Mục đích là khi có khuôn mẫu rồi thì định hướng cho các tỉnh, TP đầu tư để đạt được những yêu cầu đưa hàng có nguồn gốc xuất xứ vào chợ giống như siêu thị, cạnh tranh với siêu thị về giá bởi đầu tư hạ tầng, vật chất đơn giản hơn siêu thị rất nhiều” - đại diện Vụ Thị trường trong nước nói.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước cũng cho biết tiêu chuẩn này được xây dựng trên cơ sở áp dụng thử mô hình chợ an toàn các tỉnh, TP. Theo đó, tiêu chí nào khó quá thì có thể bỏ nhưng tối thiểu là phải giữ nguyên những quy định về truy xuất nguồn hàng, yêu cầu về con người, hạ tầng chợ.
Đánh giá về những quy định này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội (nay là Sở Công Thương Hà Nội - PV), cho rằng bản dự thảo thể hiện “ý đồ” rất tốt, đáng hoan nghênh và nên tạo điều kiện để thí điểm. Tuy nhiên, cần lưu ý cách làm bởi TP Hà Nội đã từng đề xuất việc này cách đây 10 năm nhưng không làm được.
“Nguyên nhân thất bại là vì thói quen của người tiêu dùng vẫn ăn thịt tươi. Nếu bỏ hình thức giết mổ hoặc bán gia cầm sống tại chợ thì phải có cách nào thay thế vừa bảo đảm yêu cầu về thực phẩm cho người dân vừa bảo đảm mục tiêu về an toàn vệ sinh. Không thể cắt đứt đoạn rồi cấm đoán toàn bộ bởi nếu làm không khéo thì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất” - ông Phú nói.
Về cách làm cụ thể, theo ông Phú, cần có chính sách đồng bộ cho các lò giết mổ, đồng bộ với chuỗi bảo quản, bán hàng… Trước hết, làm thí điểm, rút kinh nghiệm rồi nhân rộng chứ không nên làm gấp vì có thể dẫn đến thất bại. “Hệ thống cơ chế chính sách đi theo phải tạo điều kiện vừa và đủ nhằm hỗ trợ không chỉ cho người tiêu dùng mà còn cho cả người bán hàng, người chăn nuôi, tránh làm xáo trộn sản xuất, tiêu dùng” - ông Phú lưu ý.
Bình luận (0)