Bàn luận xung quanh việc Trung tâm Thương mại (TTTM) Parkson Hà Nội đóng cửa đột ngột ngay trong ngày đầu năm mới, giới kinh doanh cho rằng đây là việc làm bình thường của nhà kinh doanh chuyên nghiệp: cắt lỗ ngay khi cần thiết. Tuy nhiên, quyết định này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu Parkson tại Việt Nam, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng tồn tại của những trung tâm Parkson khác và khó mời gọi khách hàng/đối tác vào thuê gian hàng kinh doanh.
Ế ẩm
Ngày 5-1, ghi nhận tại Parkson nằm trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP HCM, các gian hàng ở 3 tầng lầu của trung tâm này giăng điện sáng trưng, chỉ lác đác vài nhân viên bán hàng, người mua đếm trên đầu ngón tay.
Tại gian hàng chuyên bán giày dép của một nhãn hiệu nổi tiếng, 3 nhân viên đang ngồi tán gẫu thấy có khách liền đứng dậy chào mời. Theo các nhân viên này, tình hình buôn bán ế ẩm đã diễn ra từ lâu nhưng chưa năm nào trầm trọng như năm nay trong khi thời điểm cuối năm thường đông khách mua sắm nhất. Hầu hết nhân viên bán hàng đều là sinh viên đi làm thêm, khắc khoải với đồng lương chỉ 2,1 triệu đồng/tháng.
Tại Parkson Flemington (quận 11), chị M., một tiểu thương, cho biết do tình hình kinh tế khó khăn nên năm nay người mua thưa vắng hẳn. Thực tế này khiến nhiều tiểu thương bị lỗ do phải trả lương nhân viên và tiền thuê mặt bằng mỗi tháng. Theo chị M., giá thuê mặt bằng tại Parkson mỗi nơi mỗi khác, song tựu trung đều cao hơn các trung tâm khác do tiểu thương phải thuê mặt bằng quá rộng.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Kim Dung, Trưởng Phòng Tiếp thị Công ty TNHH Parkson Việt Nam, cho rằng hiện việc kinh doanh của hệ thống Parkson tại TP HCM vẫn bình thường, các tiểu thương buôn bán có lãi. Song bà Dung từ chối đưa ra con số thống kê cụ thể và hẹn sẽ trả lời báo chí trong thời gian sớm nhất.
Không chỉ Parkson, tình hình mua bán ế ẩm cũng xảy ra tại nhiều TTTM lớn khác ở TP HCM.
Phải chịu lỗ 3-5 năm
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, các TTTM mở ra quá nhanh, quá nhiều, cạnh tranh với nhau và quá lạc quan về tiêu dùng của người dân Việt Nam nên dẫn đến lỗ lã, đóng cửa.
Còn chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng tình trạng kinh doanh ế ẩm, thua lỗ đến mức phải đóng cửa TTTM là do sức cầu nội địa Việt Nam giai đoạn 2013 - 2014 kém, giới trung lưu Việt Nam bị thu hẹp, cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, theo nhận định của các tổ chức kinh tế thế giới, Việt Nam với dân số đông vẫn là thị trường hấp dẫn.
Vì vậy, loại hình trung tâm bán lẻ hàng hiệu, TTTM phức hợp… ế ẩm nhưng vẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. “Với những nhà đầu tư đã có mặt tại Việt Nam lâu năm như Parkson, khi cần họ có thể đóng cửa bớt để cắt lỗ. Còn những nhà đầu tư mới vào thị trường, cần tạo dựng thương hiệu và mở rộng hệ thống thì việc chịu lỗ trong 3-5 năm là bình thường. Kinh tế Việt Nam 2015 chưa khởi sắc nhưng đã vượt qua giai đoạn khó khăn, hy vọng 3 năm tới, sức mua sẽ tốt” - TS Đinh Thế Hiển phân tích.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng bất kỳ nhà đầu tư nào cũng có bài toán chiến lược, lộ trình đầu tư và tính toán kỹ các yếu tố về sức mua, cơ cấu vốn, khả năng chịu lỗ… Tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam rất lớn, đầu tư giai đoạn này là phù hợp nhưng tùy chiến lược, tiềm lực riêng của mỗi nhà bán lẻ cũng như khả năng trường vốn. Doanh nghiệp, nhà bán lẻ nội địa cũng có thể tham gia nếu có chiến lược tốt, huy động được nguồn vốn và sẵn sàng cho cuộc chơi lớn.
Không lỗ mới lạ!
Theo các chuyên gia kinh tế, rất ít nhà bán lẻ ngoại nào đang hoạt động tại Việt Nam có lãi. Metro Cash & Carry Việt Nam sau 12 năm hoạt động, báo lỗ 11/12 năm và đã âm thầm rút lui. Nguyên nhân thua lỗ kéo dài được đại diện Metro đưa ra do tập trung mở rộng đầu tư, trong đó có các khoản chi phí khá lớn đầu tư trang thiết bị, tiền thuê đất, đền bù, giải tỏa mặt bằng, quản lý...
Hệ thống Parkson sau vài năm đầu thành công rực rỡ cũng đã suy giảm lợi nhuận trầm trọng trong 3 năm gần đây. Lotte Mart thì đang ra sức bành trướng mặc dù chưa có lãi. Hiện tăng trưởng của kênh bán lẻ hiện đại chững lại, các nhà kinh doanh bán lẻ từ cao cấp đến bình dân đang dồn lực đẩy mạnh hoạt động khuyến mãi, giảm giá... nên ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận.
Bình luận (0)