Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, đến ngày 15-4, 400.000 tấn gạo trong hạn ngạch xuất khẩu tháng 4-2020 vẫn đang ở trạng thái sản lượng đăng ký, chưa thực xuất. Toàn bộ số gạo đã đăng ký đủ nhưng chưa hoàn tất thủ tục để thông quan và xuất khẩu.
Bất thường
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong 40 doanh nghiệp (DN) đã mở tờ khai xuất khẩu gạo, có những DN đã hủy hợp đồng cấp gạo dự trữ quốc gia dù đã trúng thầu trước đó. Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn nhưng đã từ chối ký hợp đồng với Tổng cục Dự trữ Nhà nước. Trong khi đó, DN này đã mở 5 tờ khai xuất khẩu gạo với hơn 13.000 tấn. Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc cũng trúng thầu 4.500 tấn cấp gạo dự trữ nhưng cũng không ký hợp đồng, mà đăng ký xuất khẩu gần 7.200 tấn gạo. Theo ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), cơ quan hải quan cũng phát hiện sự bất thường này.
Dù vậy, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết hiện chưa có chế tài buộc DN phải ký hợp đồng đối với lượng gạo đã trúng thầu khi đấu thầu lượng gạo dự trữ quốc gia thì mới được xuất khẩu. Chính vì vậy, Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Công Thương xem xét lại quy định quản lý xuất khẩu gạo, theo hướng phân bổ hạn ngạch tổng lượng hằng tháng, có thể đấu giá hạn ngạch. Đồng thời, đấu giá trên nguyên tắc DN tham gia đấu giá đáp ứng điều kiện xuất khẩu theo quy định tại Nghị định 107 của Chính phủ.
Việc điều hành xuất khẩu gạo đang gây bức xúc cho nhiều doanh nghiệp. Ảnh: NGỌC TRINH
Theo ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, 178.000 tấn gạo trúng thầu nhưng mới chỉ ký được hợp đồng 7.700 tấn gạo. Số lượng gạo các nhà thầu từ chối ký hợp đồng lên đến 170.300 tấn. Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Bích Hòa - Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Minh Khai, một trong những DN từ chối ký nhiều hợp đồng cấp gạo dự trữ - cho biết nguyên nhân là do giá gạo tăng cao so với thời điểm đấu thầu. Theo bà Hòa, DN này đấu thầu buổi sáng thì buổi tối có thông tin về công bố đại dịch Covid-19 trên toàn cầu nên giá gạo tăng cả trong nước và xuất khẩu nên không thể mua được hàng để cung cấp theo các gói thầu đã trúng.
Phía Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng nhận định do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu dự trữ và mua tạm trữ lương thực của các DN, người dân trong nước tăng cao. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu gạo những tháng đầu năm diễn ra sôi động, giá gạo liên tục tăng kể từ thời điểm các nhà thầu tham dự thầu so với thời điểm có thông báo kết quả trúng thầu. Tổng cục đã giao nhiệm vụ cho các cục dự trữ nhà nước khu vực xử lý các nhà thầu đã trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng theo đúng quy định của Luật Đấu thầu. Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ báo cáo Bộ Tài chính về tình trạng DN từ chối ký hợp đồng để có hướng xử lý theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp bị động
Ngày 15-4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có báo cáo nhanh gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình mở tờ khai đăng ký xuất khẩu gạo của các thương nhân. Báo cáo nêu rõ việc đăng ký tờ khai hải quan có nhiều bất cập, bất ngờ được triển khai lúc 0 giờ chủ nhật (12-4) mà không có thông tin chính thức nào trước đó từ các bên có trách nhiệm liên quan về thời gian mở hệ thống, cũng như không có một nhân sự nào của ngành hải quan tiếp nhận hay trực hệ thống ngay thời điểm nhạy cảm này, thương nhân xuất khẩu gạo hoàn toàn bị động.
Ngoài việc nhiều thương nhân không nhận được thông tin chính thức từ phía cơ quan có trách nhiệm về thời gian mở hệ thống đăng ký tờ khai, họ còn gặp nhiều vấn đề bất cập khác mà chưa giải thích được. Cụ thể, các tờ khai đăng ký hải quan kể từ thời điểm 0 giờ ngày 11-4, đã có số tờ khai và đã phân vào luồng đỏ; tuy nhiên đến ngày 13-4, sau khi tái kiểm tra trên hệ thống hải quan cập nhật, lại thấy ngày đăng ký của các tờ khai này "tự động" bị lùi về thời điểm 10-4.
Theo VFA, hàng hóa sẵn sàng với số lượng lớn tại bãi chờ xuất của các cảng đã khá lâu, nên mỗi ngày, thương nhân phải chịu nhiều loại chi phí như lưu bãi, lưu container, vận chuyển container hàng hóa từ kho lên cảng… Bên cạnh đó, việc xuất khẩu bị đình trệ nhưng các chi phí sản xuất, quản lý, tiền lương... vẫn phát sinh và thậm chí, mỗi ngày trôi qua chất lượng gạo bị ảnh hưởng. "Do đó, nếu các lô hàng trên không được thông quan và xuất khẩu, các thương nhân sẽ bị thiệt hại nặng nề lên đến hàng tỉ đồng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh"... - VFA nhấn mạnh.
Không xuất được, thiệt hại nặng nề
Ngày 15-4, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết sở đã có báo cáo về tình hình hoạt động xuất khẩu gạo của các DN trên địa bàn TP Cần Thơ trong bối cảnh dịch Covid-19 gửi Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.
Theo báo cáo, ngày 10-4, Bộ Công Thương ban hành quyết định công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4-2020 là 400.000 tấn, có hiệu lực từ 0 giờ ngày 11-4. Tuy nhiên, khi Tổng cục Hải quan mở cửa hệ thống khai báo trở lại cho ngành xuất khẩu gạo thì đến sáng 12-4, Tổng cục Hải quan thông báo số lượng gạo khai báo đã lấp đầy 400.000 tấn. Do đó, các DN trên địa bàn TP Cần Thơ vẫn chưa thực hiện mở tờ khai hải quan để thực hiện thông quan xuất khẩu, hàng hóa hiện nằm chờ xuất khẩu tại các cảng. Lượng hàng hóa lưu tại kho của 41 DN xuất khẩu gạo trên địa bàn TP đến ngày 14-4 phục vụ kinh doanh ước đạt 85.952 tấn lúa và 359.411 tấn gạo, hợp đồng ký kết phải giao ước khoảng 216.776 tấn. Ước tính riêng chi phí lưu bãi, lưu container, tiền phạt, tiền đóng container… thất thoát từ 260 triệu đến 350 triệu đồng/ngày đối với mỗi DN, tùy vào số lượng hàng tại cảng.
Sở Công Thương TP Cần Thơ đề xuất Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết hàng hóa đang nằm trên các cảng của DN xuất khẩu gạo. Ưu tiên 1 là thực hiện mở tờ khai và thông quan đối với lượng gạo xuất khẩu đang kẹt ngoài cảng cho 10 DN với số lượng 25.965 tấn (từ ngày 23 đến 30-3). Ưu tiên 2 là thực hiện mở tờ khai và thông quan đối với lượng gạo xuất khẩu phải giao tháng 4 cho 14 DN với số lượng 50.000 tấn (từ ngày 1 đến 10-4). Từ ngày 10-4 trở về sau, thực hiện thông quan theo quy định của Chính phủ.
Đề nghị thông tin chi tiết về việc thực hiện tờ khai hải quan
Ngày 15-4, sau khi nhận được phản ánh của thương nhân về các bất cập trong việc mở tờ khai xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã có Văn bản hỏa tốc số 2683 gửi Bộ Tài chính trao đổi về việc thực hiện hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4-2020.
Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính công khai danh sách các thương nhân đã đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4-2020 đến thời điểm hiện nay để các thương nhân có thể nắm rõ hơn về quy trình triển khai nghiệp vụ hải quan và có thông tin chi tiết hơn về việc thực hiện tờ khai hải quan xuất khẩu. Theo Bộ Công Thương, hoạt động này sẽ có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh bộ đang xây dựng phương án điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5-2020, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ cũng đã chuyển các ý kiến về khó khăn, vướng mắc của thương nhân để Bộ Tài chính xử lý theo thẩm quyền.
M.Chiến
Trúng ăn, lỗ chạy!
Theo giới kinh doanh, yêu cầu của gạo dự trữ quốc gia năm 2020 là gạo tẻ thường (gạo IR50404), 15% tấm, gạo được xay xát từ lúa thu hoạch vụ đông xuân tại Nam Bộ năm 2020. Vào đầu năm 2019, loại gạo này rất rẻ, giá thị trường chỉ khoảng 7.500-8.000 đồng/kg nên năm 2020, các DN đã đấu thầu trúng hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia với mức chào giá 8.850 đồng/kg (dựa theo thông báo mời thầu của một cục dự trữ, trừ chi phí vận chuyển đến kho còn khoảng 8.500 đồng/kg) là khá hấp dẫn. Thế nhưng, đó là mức giá vào thời điểm tháng 2-2020, trước khi dịch Covid-19 lan rộng. Sau thời điểm này, giá thị trường gạo tẻ thường tăng mạnh, đến nay lên khoảng 10.500 đồng/kg. Dù giá loại gạo này tăng cao nhưng vẫn là loại gạo rẻ nhất thị trường. Do đó, nếu thực hiện hợp đồng sẽ lỗ 2.000 đồng/kg, một gói thầu 800 tấn sẽ lỗ 1,6 tỉ đồng nên DN bỏ cọc vài trăm triệu đồng (1,5% giá trị gói thầu) là điều dễ hiểu.
V.Ngọc
Bình luận (0)