Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết giá xăng dầu đã tăng lên mức cao nhất trong 1 năm qua, gây sức ép tăng giá nhiều hàng hóa thiết yếu và dịch vụ. Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành công thương là bảo đảm cung cầu thị trường, bình ổn giá trong các tháng cuối năm 2023.
* Phóng viên: Lũy kế từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã tăng rất cao so với năm 2022. Biến động giá xăng dầu, tỉ giá… ảnh hưởng thế nào đến giá cả thị trường, thưa ông?
- Ông NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG: Thời gian qua, thị trường giá xăng dầu thế giới liên tục có những diễn biến phức tạp, các biến động tăng - giảm đan xen trong biên độ lớn do chịu sự chi phối bởi những yếu tố về địa chính trị, dự báo suy thoái kinh tế toàn cầu… Từ đầu năm 2023 đến nay, liên bộ Công Thương - Tài chính đã 27 lần điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó có 16 lần tăng giá.
Lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, xăng E5 RON A92 đã tăng 4.222 đồng/lít (tăng 21,14%), xăng A95 tăng 5.041 đồng/lít (tăng 24,34%), dầu diesel 0.05S tăng 1.993 đồng/lít (tăng 9,23%), dầu hỏa tăng 1.980 đồng/lít (tăng 9,07%), dầu ma-dút tăng 4.984 đồng/kg (tăng 38,75%).
Ông NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG
Giá xăng dầu, tỉ giá, giá cả nguyên vật liệu cơ bản… biến động phức tạp tạo áp lực rất lớn đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu những tháng cuối năm và giáp Tết Nguyên đán.
Trước đó, giá xăng dầu tăng vào tháng 3 và 4, tăng lương cơ bản từ tháng 7-2023 cùng với giá cả đầu vào của nhiều ngành sản xuất tăng cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả hàng hóa và sức mua của thị trường.
* Xu hướng tăng giá của mặt hàng xăng dầu tác động thế nào đến giá cả bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và hành vi tiêu dùng của người dân TP HCM?
- Có thể thấy bán lẻ là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2023. Tổng kết 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP HCM ước đạt 871.198 tỉ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 9-2023 đạt 106.049 tỉ đồng, tăng 2,8% so với tháng 8 và tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đến nay, những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã tác động tới bức tranh chung của thị trường bán lẻ cả nước. Thương mại điện tử, nhất là các chuỗi siêu thị lớn, đang phát triển ngày càng mạnh, hàng hóa đa dạng và giá cả ngày càng tốt nên được các nhãn hàng tin tưởng phối hợp thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi. Theo khảo sát của Nielsen, 72% người được khảo sát cho biết họ mua sắm thường xuyên hơn ở những cửa hàng có nhiều khuyến mãi hoặc mua online để nhận nhiều ưu đãi.
Các siêu thị vẫn đang nỗ lực kìm giá các mặt hàng thiết yếu Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Để kích cầu tiêu dùng, cũng là bình ổn thị trường, góp phần ngăn chặn xu hướng tăng giá, giúp người dân vơi bớt phần nào nỗi lo về tài chính, chi tiêu, TP HCM đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy bán lẻ, tiêu dùng trong nước.
Cụ thể, ngay từ những tháng đầu năm 2023, TP HCM đã triển khai hàng loạt hoạt động bình ổn giá để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động bán lẻ, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Cụ thể: Triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; các chương trình hợp tác giữa TP HCM và các tỉnh, thành phố để đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả chương trình bình ổn thị trường không chỉ tại TP HCM mà còn lan tỏa đến các địa phương khác.
* Như ông vừa nói, người tiêu dùng đang ưu tiên mua sắm ở những nơi có khuyến mãi. TP HCM có tính đến phương án sử dụng công cụ khuyến mãi để kích cầu, giữ giá?
- Các doanh nghiệp (DN) tại TP HCM đang sử dụng rất tốt công cụ này. Đợt 1 của chương trình khuyến mãi tập trung - Mùa mua sắm "Shopping Season" kéo dài trong 3 tháng (từ ngày 15-6 đến 15-9) đã phát huy tác dụng kích cầu tiêu dùng, tạo động lực thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nước.
Thời gian qua, các hoạt động khuyến mãi được tổ chức thường xuyên, liên tục cũng giúp tăng cường kết nối DN với người tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Riêng với chương trình khuyến mãi tập trung, đến thời điểm hiện tại, đã có sự tham gia của hơn 3.000 DN với khoảng 7.000 chương trình (không tính các chương trình khuyến mãi thông thường, được thực hiện thường xuyên). Số lượng DN tham gia tăng 7,5% và số lượng chương trình tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khoảng 30% chương trình có hạn mức khuyến mãi vượt 50%, nhất là các nhóm hàng tiêu dùng, thực phẩm, thời trang, mỹ phẩm, văn phòng phẩm… Thông qua các hoạt động hưởng ứng chương trình, doanh thu của nhiều DN đã cải thiện đáng kể.
* Dự báo từ nay đến cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người dân gia tăng. Trong khi đó, khả năng giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng có thể khó tránh khỏi. TP HCM sẽ kiểm soát vấn đề này ra sao?
- Với kinh nghiệm trong xử lý các tình huống giá cả tăng đột biến qua nhiều năm triển khai chương trình bình ổn thị trường, các sở, ngành của TP HCM đã có bước chuẩn bị rất kỹ các phương án để can thiệp khi cần thiết.
Đối với hàng hóa thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp, TP HCM thiết kế trong chương trình bình ổn thị trường và có sự quan tâm chuẩn bị từ kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa đến phân phối, bảo đảm không bị đứt hàng hoặc thiếu cục bộ; có phương án can thiệp kịp thời để không phát sinh điểm nóng đứt hàng, tăng giá nào.
Để tạo niềm tin thị trường cho người tiêu dùng lẫn DN, lãnh đạo TP HCM đã chỉ đạo và Sở Công Thương tập trung tối đa cho chương trình khuyến mãi tập trung lần 2-2023 vào cuối năm. Trong đó, công tác thông tin tuyên truyền sẽ được tăng cường để DN thấy được hiệu quả của chương trình lần 1 và yên tâm tham gia lần 2.
Sở Công Thương cũng tận dụng tối đa các cơ hội như Black Friday, các dịp lễ Giáng sinh, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán để phát động chương trình khuyến mãi, công bố sớm với đầy đủ thông tin để DN tham gia...
Tất cả những giải pháp nói trên nhằm giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh thông suốt. Khi DN có niềm tin, có kế hoạch cụ thể thì sẽ sản xuất, dự trữ, cung ứng hàng hóa đầy đủ. Khi có sự chuẩn bị tốt, DN tính toán giá bán ổn định, hợp lý thì sẽ không lo giá cả tăng đột biến. Đặc biệt, khi nhiều DN tham gia thì không DN nào dám lũng đoạn thị trường, đẩy giá lên.
Giá nhiều mặt hàng rục rịch tăng
10 ngày sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng gần đây nhất (ngày 21-9), giá nhiều loại rau xanh, thịt, cá... tại các chợ truyền thống ở TP HCM đã tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg. Tại các siêu thị, giá cả hàng hóa chưa có biến động, nhiều đơn vị vẫn đang đẩy mạnh khuyến mãi để thu hút khách. Tuy nhiên, các siêu thị cho biết việc điều chỉnh tăng giá hàng hóa trong thời gian tới là khó tránh khỏi.
"Hiện nay, nhà phân phối vẫn nỗ lực phối hợp với nhà cung cấp để kìm giữ giá. Thế nhưng, với xu hướng giá nguyên phụ liệu, xăng dầu, logistics... tiếp tục gia tăng, nếu không tăng giá hàng hóa, DN sẽ không cầm cự nổi" - ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), lo ngại.
Theo ông Đức, từ hơn 2 tháng nay, Saigon Co.op đã nhận được đề nghị tăng giá từ hơn 100 nhà cung cấp. Trong đó, một số DN sản xuất, cung cấp hàng tiêu dùng, thực phẩm, nước uống... từ đầu năm đến nay chưa tăng giá, nay cũng thông báo sẽ tính toán lại giá bán vì tất cả chi phí đầu vào đã tăng ít nhất 15%-20%.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM, cho rằng tăng giá bán trong bối cảnh tiêu dùng còn thấp, cả nền kinh tế đang nỗ lực kích cầu là chuyện chẳng đặng đừng. "Xăng dầu tăng đẩy chi phí vận chuyển tăng, tác động dây chuyền làm tất cả chi phí khác tăng theo" - ông Hiến nhận xét.
Dự báo giá xăng sẽ giảm
Hôm nay, 2-10, liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước.
Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, tính đến hết ngày 29-9, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore giảm mạnh.
Đại diện một DN xăng dầu ở Hà Nội nhận định với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới tuần qua, giá xăng bán lẻ trong nước dự báo được điều chỉnh giảm, ở mức 800 - 1.200 đồng/lít, tùy mặt hàng.
Tuy nhiên, mức giảm này còn phụ thuộc quyết định trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu của cơ quan điều hành giá.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã trải qua 27 lần điều chỉnh, trong đó có 16 lần tăng, 7 lần giảm và 4 lần giữ nguyên.
M.Chiến
Bình luận (0)