Doanh nghiệp nội kiến nghị giảm thuế nhập khẩu linh kiện để giảm giá thành xe, cạnh tranh công bằng với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15-6, cả nước đã nhập gần 46.800 ô tô các loại, trị giá hơn 950 triệu USD. Trong đó, xe con đạt gần 25.000 chiếc, chiếm trên 50%. Tiếp đến là xe tải, với 17.500 chiếc, trị giá gần 347 triệu USD. Xe trên 9 chỗ ngồi có 327 chiếc, trị giá 9,3 triệu USD.
Giảm giá mạnh
Về giá xe trước thuế nhập khẩu và thuế nội địa, trung bình xe con nhập về Việt Nam có giá hơn 375 triệu đồng/chiếc, xe khách trên 600 triệu đồng/xe và xe tải hơn 450 triệu đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, giá xe nhập về Việt Nam chưa bao gồm các loại thuế phí đã giảm giá khá mạnh, từ 20 triệu đến gần 50 triệu đồng/xe tùy loại.
Tính chung, lượng xe nhập khẩu đã tăng hơn 2.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước, giá trị ước đạt gần 1 tỉ USD. Nhập khẩu linh phụ kiện ô tô tiếp tục tăng với kim ngạch đạt khoảng 1,5 tỉ USD. Tính tổng thể, từ đầu năm tới nay, Việt Nam đã chi hơn 2,4 tỉ USD nhập ô tô, linh kiện ô tô. Trung bình, mỗi ngày phải chi hơn 300 tỉ đồng cho ngành công nghiệp ô tô và thị trường xe trong nước.
Theo Tổng cục Hải quan, nhập siêu của nền kinh tế tăng 400 triệu USD trong nửa đầu tháng 6. Bên cạnh việc khiến giá xe hơi trong nước giảm nhanh, nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc, linh kiện xe cũng góp phần lớn gia tăng nhập siêu cả nước trong thời gian vừa qua.
Về nhập khẩu linh kiện, Việt Nam chia hai đối tượng, nhập động cơ nguyên chiếc và nhập thân vỏ, phần ngoại biên xe. Trong đó, phần giá trị lớn nhất là động cơ xe, Việt Nam vẫn phụ thuộc vào các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Bên cạnh đó, lượng lớn linh kiện phụ tùng khung xe, hệ thống điện... được nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc tăng lượng nhập ô tô nguyên chiếc và linh kiện xe hơi từ ASEAN trong bối cảnh thuế nhập khẩu từ các nước trên vào Việt Nam bị cắt giảm rất mạnh không chỉ làm gia tăng giá trị nhập siêu giữa Việt Nam với các nước mà còn khiến lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh của Việt Nam với các nước ngày càng giảm sút, tăng nguy cơ lệ thuộc nền sản xuất của Việt Nam vào các nước trên.
Xin miễn thuế
Theo mục tiêu đề ra về tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước phải đạt 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%. Trong đó, Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa…Trong khi đó, các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65-70%, Thái Lan đạt tới 80%.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2017 mới đây, ông Sumito Ishii, Tổng giám đốc công ty TNHH General Motors Việt Nam - Trưởng Nhóm công tác Công nghiệp Ô tô - Xe máy cho biết: Các nhà sản xuất trong nước phải chịu thêm chi phí đóng gói, logistics và thuế nhập khẩu. Điều này làm cho chi phí sản xuất xe trong nước cao hơn xe lắp ráp tại Thái Lan hoặc Indonesia. Khoảng cách về chi phí sản xuất có thể lên tới 10-20%, sau khi loại bỏ thuế quan trong khối ASEAN vào năm 2018, làm giảm khả năng cạnh tranh của xe lắp ráp trong nước so với xe ô tô nhập nguyên chiếc từ ASEAN.
Ông Phạm Văn Tài, Phó Tổng giám đốc Cty CP ô tô Trường Hải (Thaco), kiến nghị Chính phủ sớm giảm thuế nhập khẩu linh kiện CKD về 0% (hiện 15-20%) đối với linh kiện chưa sản xuất được trong nước. Đồng thời, áp dụng thuế nhập khẩu ở mức cam kết đối với linh kiện đã sản xuất được để hỗ trợ sản xuất trong nước, giúp tạo việc làm, ổn định cho hơn 120.000 lao động trực tiếp trong ngành ô tô.
Bên cạnh đó, theo ông Tài, cần miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho tỷ lệ % linh kiện phụ tùng được nội địa hóa góp phần giảm giá xe ô tô xuất xưởng tại Việt Nam. Chính phủ cũng cần có các biện pháp chống gian lận thương mại, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong việc xác định tỷ lệ nội địa hóa 40% đối với xe nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho các doanh nghiệp.
Trước những kiến nghị của nhóm công tác, doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nói: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường đối thoại giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Chúng tôi sẵn sàng bàn bạc các giải pháp trong bối cảnh thuế nhập khẩu về 0%, đặc biệt lưu ý chống gian lận thương mại để bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng”.
Bình luận (0)