Có chuyến công tác tác kết hợp du lịch Hàn Quốc trong những ngày cuối tháng 10 vừa qua, chị Nhật Minh (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) không khỏi bất ngờ khi khách du lịch Việt nhộn nhịp khắp các điểm đến ở nước này. "Khi tới tham quan Nhà Xanh (Phủ Tổng thống) và cung Cảnh Phúc ở thủ đô Seoul, tôi gặp rất nhiều đoàn khách Việt đi theo tour trọn gói của các công ty du lịch" - chị Minh cho biết.
Du khách quốc tế tăng mạnh
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, trong 8 tháng đầu năm 2022, hơn 80.000 lượt khách Việt đã tới xứ sở kim chi, cho thấy sự phục hồi ấn tượng của du lịch nước ngoài (outbound).
Tại Việt Nam, trong khi du lịch nội địa phục hồi sớm từ đầu năm và tăng trưởng bứt phá trong mùa hè thì outbound bắt đầu khởi sắc vài tháng qua. Những điểm đến nước ngoài ưa thích của khách Việt là Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Campuchia, châu Âu, Mỹ, Úc... và dự kiến cả Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) khi các thị trường này đón khách trở lại.
Về đón khách quốc tế, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 10-2022, Việt Nam ghi nhận hơn 484.400 lượt khách nước ngoài, tăng 12,1% so với tháng trước và gấp 45,9 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 10 tháng năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 2,35 triệu lượt, gấp 18,8 lần so với cùng kỳ năm trước, dù vẫn giảm 83,7% so với năm 2019 khi dịch COVID-19 chưa xuất hiện.
Đoàn khách du lịch Việt Nam tại sân bay Incheon - Hàn Quốc Ảnh: LAM GIANG
Du lịch hồi phục kéo theo doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt 467.100 tỉ đồng, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước; tăng mạnh nhất là TP Cần Thơ, TP HCM, Đồng Nai, TP Đà Nẵng, TP Hà Nội, TP Quảng Ninh. Doanh thu du lịch, lữ hành 10 tháng qua ước đạt 19.700 tỉ đồng, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm trước; tốc độ tăng mạnh tập trung ở các TP Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Nội, Hải Phòng và TP HCM.
Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng ghi nhận tín hiệu tích cực. Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) thể hiện lợi nhuận sau hợp nhất đạt hơn 6,99 tỉ đồng. Kết quả này cho thấy doanh nghiệp có thể cân bằng hoạt động của 2 mảng kinh doanh cốt lõi là du lịch và hàng không để đem về lợi nhuận. Trong đó, riêng du lịch trong 9 tháng đầu năm đạt doanh thu 2.700 tỉ đồng.
Đáng chú ý, hoạt động outbound của Vietravel tăng mạnh trong những tháng gần đây. Nổi bật là trong tháng 9 vừa qua, doanh thu mảng outbound đóng góp 50% doanh thu của Vietravel. Một số thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) chỉ mới tuyên bố mở cửa du lịch nhưng đã tác động tích cực đến thị trường.
"Nhật Bản, Hàn Quốc... là thị trường truyền thống, chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của chúng tôi. Với thông tin các thị trường này sẽ hoàn toàn mở cửa cho khách quốc tế trong quý IV/2022, chắc chắn chúng tôi sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch đặt ra trong năm nay" - ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, tự tin.
Tập đoàn Vingroup cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 8.739 tỉ đồng. Mảng dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi, giải trí... được kỳ vọng tiếp tục phục hồi mạnh mẽ khi 9 tháng đầu năm 2022, Vinpearl đã bán thành công 717.000 đêm phòng, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chuẩn bị đón khách dịp Tết
Sau một mùa hè sôi động bởi nhu cầu đi lại tăng đột biến, các hãng hàng không thời điểm này đang cấp tập chuẩn bị kế hoạch tăng chuyến phục vụ khách dịp Tết Nguyên đán. Theo Cục Hàng không Việt Nam, các hãng đã xây dựng kế hoạch khai thác 25.613 chuyến bay Tết; dự kiến tăng thêm 8.079 chuyến, tương đương tăng 32%. Đường bay tăng chuyến nhiều nhất là giữa TP HCM đi Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Hới, Vinh, Thanh Hóa, Chu Lai, Hải Phòng, Quy Nhơn, Huế và ngược lại.
Tháng 10 vừa qua, các hãng hàng không trong nước vận chuyển khoảng 40 triệu lượt hành khách. Dự báo cả năm nay, hành khách qua các cảng hàng không đạt 100 triệu lượt. Tuy vẫn chưa hồi phục về mức 120 triệu lượt hồi năm 2019 nhưng hàng không nội địa đã tăng trưởng cao và được đánh giá là một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất sau dịch.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2022 của Hãng Hàng không Vietjet cho thấy tính đến ngày 30-9, hãng khai thác 84 đường bay với 87.700 chuyến và 15,4 triệu khách, tăng lần lượt 150% và 225% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển trong quý III/2022 của Vietjet đạt 11.500 tấn. Hãng này ghi nhận doanh thu 10.256 tỉ đồng (riêng lẻ) và 11.600 tỉ đồng (hợp nhất) trong quý III, tăng lần lượt 652% và 337% so với cùng kỳ. Về lợi nhuận sau thuế, Vietjet ghi nhận lỗ từ vận chuyển hàng không là 767 tỉ đồng (riêng lẻ) và lợi nhuận 43 tỉ đồng (hợp nhất).
Vietjet đã mở rộng hoạt động đa ngành bên cạnh vận chuyển hàng không để thích ứng với giai đoạn phát triển mới. Lợi nhuận hợp nhất 43 tỉ đồng có được nhờ hoạt động thương mại tài chính máy bay từ các đơn đặt hàng sẵn có với Airbus và Boeing trong bối cảnh thị trường máy bay quốc tế gặp khó khăn. Ngoài ra, công ty có được nguồn doanh thu đến từ việc đầu tư các dự án kinh doanh và dịch vụ khác.
Hoạt động của "tân binh" Vietravel Airlines cũng có những tín hiệu tích cực trước khi bước vào đợt kinh doanh cuối năm. Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách dịp cao điểm Tết Nguyên đán, hãng đã chính thức mở bán 70.000 chỗ. Tính đến hết ngày 30-10, tỉ lệ lấp đầy các chuyến bay Tết của hãng đạt 87%. Vietravel Airlines cũng chuẩn bị khai trương đường bay quốc tế đầu tiên giữa Hà Nội - Bangkok (Thái Lan) vào đầu tháng 12-2022 với tần suất 1 chuyến/ngày và đường bay TP HCM - Bangkok vào tháng 1-2023.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-11
(Còn tiếp)
Bình luận (0)