xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kinh tế Việt Nam ứng phó dịch bệnh corona

TS - LS Bùi Quang Tín (Trường Đại học Ngân hàng TP HCM)

Nhà nước và doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, thay đổi phương thức sản xuất, hỗ trợ chi phí... là các giải pháp trước mắt và dài hơi khi nền kinh tế bị ảnh hưởng từ dịch bệnh

Kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động nhất định từ dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (nCoV) gây ra. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp (DN) cùng Chính phủ nỗ lực tối đa thì nền kinh tế sẽ vượt qua được khó khăn này.

Ảnh hưởng đến tăng trưởng

Theo số liệu thống kê, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 41 tỉ USD và nhập khẩu từ quốc gia này 75 tỉ USD, tính ra xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc chiếm 22,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Điều này cho thấy hàng hóa xuất nhập giữa 2 quốc gia là rất lớn, trong đó nước ta xuất sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản, còn nhập khẩu phần lớn nguyên liệu sản xuất.

Do nCoV bùng phát nên từ ngày 31-1 đến 8-2, Việt Nam và Trung Quốc tạm dừng hàng hóa qua lại ở các cửa khẩu biên giới, khiến một số nông sản của nước ta chưa xuất khẩu được, có dấu hiệu tồn kho, nhất là dưa hấu và thanh long (hiện hàng chục tấn thanh long đã được thông quan ở cửa khẩu Lạng Sơn).

Kinh tế Việt Nam ứng phó dịch bệnh corona - Ảnh 1.

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam lập tức bị ảnh hưởng khi dịch nCoV bùng phát ở Trung Quốc Ảnh: VĂN DUẨN

Chính phủ Trung Quốc ước tính nếu đến cuối quý I/2020 dịch bệnh được khống chế, tăng trưởng kinh tế quý I của nước này chỉ đạt 2%, thấp hơn nhiều so với dự báo 6%. Qua đó, kéo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2020 giảm từ hơn 6% xuống còn 4%.

Cách đây vài ngày, Việt Nam cũng đưa ra dự báo năm 2020 kinh tế tăng trưởng 6,27% nếu nCoV chấm dứt trong quý I/2020, còn trường hợp dịch bệnh kết thúc vào cuối quý II/2020, kinh tế nước ta chỉ còn tăng trưởng 6,07%.

Như thế, có thể dự báo tổng nguồn thu nước ta sẽ sụt giảm, nhất là thu từ việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Biểu hiện rõ nhất là khi nCoV lan rộng, chỉ trong đầu tháng 2, các mặt hàng như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, khoai lang… vốn là thế mạnh của nước ta xuất sang Trung Quốc được báo động dư thừa, trong khi các mặt hàng này gần như không xuất khẩu đến các quốc gia khác.

Ngoài ra, nếu kinh tế Trung Quốc suy giảm như dự báo, giá nguyên liệu sản xuất của quốc gia này sẽ đắt đỏ. Trong khi Việt Nam vẫn nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc hoặc mua của các quốc gia khác sẽ có giá cao, làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa. Từ đó gây áp lực lên tỉ giá, lãi suất, ảnh hưởng không tốt đến lạm phát, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam từ 6,5%-6,8%.

Việc xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn cũng ảnh hưởng đến nguồn thu ngoại tệ. Thế nhưng, tỉ giá VNĐ/USD chịu tác động không lớn từ yếu tố này. Bởi dự trữ ngoại hối nước ta hiện lên tới trên 80 tỉ USD, nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối, đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài có thể không giảm, đủ sức để bù đắp cho nguồn thu USD bị thiếu hụt, bảo đảm cân đối cung cầu USD.

Mặt khác, tuy USD trên thị trường quốc tế tăng giá trong những ngày gần đây, đồng nghĩa đồng tiền của nhiều quốc gia khác mất giá, trong đó có VNĐ nhưng do thanh khoản USD tại Việt Nam ổn định nên tỉ giá hối đoái sẽ không có biến động lớn.

Cần giải pháp dài hơi

Với bối cảnh trên, tại phiên họp hôm 5-2, Chính phủ đã định hướng từ tháng 2 đến tháng 5-2020, các bộ ngành sẽ hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới theo hướng tăng cường xúc tiến thương mại với các quốc gia ở châu Âu và Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... nhằm giảm mức độ phụ thuộc vào xuất nhập khẩu với Trung Quốc. Dự kiến trong thời gian tới, phái đoàn của Bộ Công Thương sẽ cùng DN tiến hành đàm phán với nhiều quốc gia về xuất nhập khẩu.

Thế nhưng, việc phát triển thêm thị trường để xuất nhập hàng hóa trong năm 2020 là không dễ bởi các thị trường này rất khó tính. Vì thế, đây là lúc để DN tái cơ cấu hoạt động, tiếp tục tìm hiểu thị trường mới, xây dựng nguồn nhân lực, trang bị công nghệ, thiết lập quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng được tiêu chuẩn nhập khẩu của nhiều quốc gia.

Trong bối cảnh chưa mở rộng được thị trường, nông sản trong nước dồn ứ, chỉ còn biện pháp tình thế là kêu gọi người dân tiêu thụ sản phẩm, ngân hàng giảm lãi suất trong ngắn hạn cho DN bị thiệt hại vì dịch bệnh, khuyến khích xuất khẩu chính ngạch… Trước mắt, nhà nước có thể ban hành lộ trình, tiêu chí chọn lọc các DN bị thiệt hại do dịch bệnh, thông qua các ngân hàng thương mại để đưa ra gói cho vay dài hạn giá rẻ. Thậm chí, nhà nước có thể sàng lọc từng DN để công bố số tiền hỗ trợ nhất định.

Còn về dài lâu, nhà nước tăng cường các giải pháp gắn liền với thực tế. Đó là hỗ trợ chi phí đàm phán xúc tiến thương mại, tư vấn đầu tư công nghệ, vay vốn ngân hàng… cho các DN tìm kiếm được thị trường mới, tập trung chế biến sản phẩm sau thu hoạch, xuất khẩu chính ngạch, nhất là DN xuất nông sản sang Trung Quốc nhằm hạn chế dần tình trạng thị trường quốc gia này "say nắng" là nông sản Việt Nam "lâm bệnh".

Về việc cho vay "giá mềm", nhà nước cần có giải pháp sát với thực tế nhằm giúp DN tiếp cận nguồn vốn này. Hiện nay, ngành ngân hàng đã có chính sáchh cho vay DN thuộc các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, xuất khẩu…) với lãi suất khá thấp (khoảng 5%-6%/năm). Tuy nhiên, không phải DN nào cũng được hưởng lãi suất này. Nguyên nhân chính là do bên vay không đáp ứng được các điều kiện cho vay mà ngân hàng đưa ra, đồng thời cán bộ ngân hàng cũng không đủ năng lực tư vấn, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của bên vay. Như thế, DN phải cần đến tư vấn để có đủ điều kiện tiếp cận vốn giá rẻ. Theo đó, nhà nước có thể liên kết với các đơn vị trong và ngoài nước hỗ trợ DN về chi phí tư vấn. 

Tìm kiếm thị trường mới

Ngày 7-2, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết cục đã có báo cáo đánh giá tác động của dịch bệnh đến tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam. Theo đó, Bộ Công Thương đã tính toán các kịch bản, nếu dịch sớm được kiểm soát dưới 3 tháng thì trong quý I/2020, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể giảm khoảng 400-600 triệu USD; còn kéo dài từ 3-6 tháng mới kiểm soát được, xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ giảm từ 600-800 triệu USD. Theo ông Chinh, cục cũng đã xây dựng kịch bản để bù đắp sự sụt giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch.

Đối với các mặt hàng nông sản mà thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc như thanh long, dưa hấu..., cục sẽ thúc đẩy tìm kiếm thị trường mới, khuyến cáo doanh nghiệp, người dân có hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp. Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tham gia đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường nội địa và tìm kiếm các thị trường mới thay thế. Tuy nhiên, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho rằng vấn đề truy xuất nguồn gốc hàng hóa, an toàn thực phẩm đang đặt ra những thách thức trong việc tìm kiếm thị trường thay thế. "Nếu như hàng nông sản của chúng ta bảo đảm các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thì việc tìm kiếm thị trường thay thế trong tình hình dịch bệnh sẽ thuận lợi hơn nhiều. Đây cũng là dịp để chúng ta tái cơ cấu lại" - ông Đông cho hay.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh sẽ sớm triển khai, hoàn thiện đề án phương thức kinh doanh nông sản. Một số vấn đề sẽ phải xem xét lại trong bối cảnh dịch bệnh như triển khai đơn đặt hàng qua thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và cải tiến phương thức giao nhận hàng. Bên cạnh đó, vụ đã làm việc với các đơn vị sản xuất, kinh doanh xăng dầu về kế hoạch sản xuất phù hợp với tình hình dịch bệnh, khi nhu cầu tiêu thụ có thể bị biến động nhưng vẫn phải bảo đảm đủ xăng, dầu cho thị trường.

Về xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, chủ động ứng phó với tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc bị giảm sút, đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết tham tán thương mại tại các nước sẽ rà soát thị trường ở nước đó, xem nhu cầu cần sản phẩm nào sẽ báo cáo lại Bộ Công Thương. Từ cơ sở này, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung vào thị trường đó. "Tôi lấy dẫn chứng như ở Hàn Quốc, từ trước đến nay, chúng ta tập trung để xuất khẩu thanh long vào thị trường này nhưng tham tán của chúng ta ở đó nói rằng quả bưởi cũng rất được ưa chuộng. Loại quả này bảo quản được trong thời gian lâu hơn nhưng lại chưa được ưu tiên" - đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho hay.

Minh Chiến


Kinh tế thế giới hứng chịu tổn thất lớn

Công ty phân tích dữ liệu IHS Markit (Anh) dự báo sự bùng phát của nCoV sẽ gây hậu quả tồi tệ hơn đối với nền kinh tế toàn cầu so với dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) vào năm 2003.

Trong khi 2 ổ dịch xuất phát từ Trung Quốc cách nhau gần 2 thập kỷ thì cũng trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc đã thăng hạng từ nền kinh tế thứ 6 lên nền kinh tế lớn thứ 2 trên toàn cầu, chỉ sau Mỹ, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 14.550 tỉ USD. Theo đài CNBC, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính chỉ riêng Trung Quốc đã đóng góp 39% tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2019. IHS Markit cho biết Trung Quốc chiếm 4,2% GDP toàn cầu vào năm 2003 nhưng hiện tỉ lệ này đã lên đến 16,3%. Vì vậy, bất kỳ sự giảm sút nào của nền kinh tế Trung Quốc cũng tạo ra những cơn sóng lớn trên toàn cầu.

Theo báo cáo của IHS Markit, nếu các biện pháp hạn chế hiện tại ở Trung Quốc duy trì đến cuối tháng 2 và được dỡ bỏ dần vào tháng 3, tác động kinh tế sẽ tập trung vào nửa đầu năm 2020, làm giảm GDP thực tế trên toàn cầu khoảng 0,8% trong quý I và 0,5% trong quý II. Chưa hết, bất kỳ sự không chắc chắn nào đối với kinh tế Trung Quốc cũng tác động lên giá dầu toàn cầu bởi nước này chiếm 1/2 tăng trưởng nhu cầu về dầu của thế giới trong năm 2019. Ông Andy Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associates (Mỹ), nhận định rằng giá dầu có thể giảm thêm 5 USD/thùng do ảnh hưởng của sự bùng phát nCoV. Chuyên gia này cho biết nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc đã giảm đáng kể, khoảng 20%, tương đương khoảng 3 triệu thùng/ngày. Ông Lipow cảnh báo sự sụt giảm nhu cầu này sẽ gây áp lực hơn nữa cho thị trường dầu mỏ.

Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), số người thuộc tầng lớp trung lưu của Trung Quốc gia tăng kể từ năm 2003 đã góp phần rất lớn vào việc đưa du khách Trung Quốc trở thành những người chi tiêu hàng đầu cho du lịch quốc tế. 150 triệu chuyến đi nước ngoài của người dân Trung Quốc trong năm 2018 trị giá hơn 277 tỉ USD. Do đó, sự lây lan của nCoV khiến phần lớn dân số đại lục bị hạn chế đi lại, làm giảm đáng kể doanh thu về du lịch trên toàn cầu. Chỉ tính riêng Trung Quốc, nước này đã là thị trường hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới với dân số 1,3 tỉ người. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều thương hiệu nước ngoài tại đây đã phải đóng cửa.

Xuân Mai

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo