Qua hơn 2 tuần Ngân hàng (NH) Nhà nước giảm lãi suất điều hành 0,25 điểm %, đưa lãi suất cho vay tối đa đối với doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, vừa và nhỏ, công nghệ cao từ 7%/năm xuống 6,5%/năm, lãi suất tiền gửi tại các NH thương mại bắt đầu đi xuống.
Ngân hàng giảm chi phí đầu vào
Ngày 26-7, NH TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) vẫn giữ lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng là 5,4%/năm nhưng có xu hướng giảm. VietBank đang áp dụng một chương trình tiền gửi kèm theo khuyến mãi khá lạ. Theo đó, cá nhân gửi 300 triệu đồng, kỳ hạn 1 tháng, lãi suất chỉ 3%/năm nhưng lại được VietBank tặng 1 vali du lịch.
Khi khách hàng thắc mắc việc giảm lãi suất, nhân viên VietBank giải thích: "Với lãi suất của kỳ hạn 1 tháng cộng với giá trị quà tặng, tính ra lãi suất thực tế khoảng 5,3%/năm. Do thấy khách hành thích gửi tiền có tặng quà nên NH thiết kế chương trình này, vừa đáp ứng lợi ích cho người gửi vừa giảm được chi phí huy động vốn".
Eximbank đã giảm lãi suất tiền gửi của nhiều kỳ hạn Ảnh: TẤN THẠNH
Trong khi đó, từ ngày 25-7, NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã giảm lãi suất tiền gửi từ 0,1-0,2 điểm %. Theo đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng từ 4,7%/năm xuống 4,6%/năm, kỳ hạn 2 tháng từ 4,9%/năm xuống 4,8%/năm, kỳ hạn 3 tháng từ 5,1%/năm xuống 5%/năm; riêng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng giảm từ 5,8%/năm xuống 5,6%/năm.
Trước đó, NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng điều chỉnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng xuống còn 4,8%/năm, kỳ hạn 2 tháng 4,9%/năm, kỳ hạn 3 tháng 5,1%. Một số NH khác cho biết đang nghe ngóng diễn biến của thị trường và có thể điều chỉnh lãi suất tiền gửi bất cứ lúc nào.
Ông Lê Văn Quyết, Tổng Giám đốc Eximbank, thừa nhận do NH vừa giảm lãi suất cho vay nhưng vốn huy động khá nhiều, trong khi đầu ra không mấy "thông thoáng" nên phải hạ lãi suất tiết kiệm để giảm chi phí đầu vào nhằm bảo đảm hiệu quả kinh doanh.
Theo NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, đến hết tháng 6-2017, lũy kế huy động vốn trên địa bàn đạt 1.800.760 tỉ đồng, trong khi cho vay chỉ đạt 1.630.000 tỉ đồng, chứng tỏ thanh khoản của các NH ở TP HCM hết sức dồi dào.
Mặt khác, lãi suất điều hành của NH Nhà nước cũng bắt đầu phát huy tác dụng. Với việc giảm 0,25 điểm %, lãi suất tái chiết khấu (lãi suất áp dụng khi NH thương mại thế chấp trái phiếu Chính phủ để vay vốn từ NH Nhà nước) từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên NH và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NH Nhà nước đối với các NH thương mại từ 7,5% xuống 7,25%/năm đã giúp nhiều NH thương mại giảm chi phí hoạt động và áp lực huy động vốn từ dân cư, tổ chức. Từ đó, lãi suất tiền gửi bắt đầu đi xuống, phù hợp với lãi suất cho vay mới của NH Nhà nước.
Nhu cầu vốn của doanh nghiệp không cao
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc NH TMCP Á Châu (ACB), nhìn nhận lãi suất liên NH đang đi xuống. Vì thế, ACB tập trung huy động vốn từ NH bạn, tiền gửi dân cư kỳ hạn ngắn với lãi suất khoảng 4,9%/năm để giảm bình quân giá vốn đầu vào nhằm bảo đảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý bởi ACB dự báo nhu cầu vốn của DN trong 3 tháng tới là không cao.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá thị trường lãi suất đang biến động theo cung cầu. Hiện nay, nhu cầu vốn để mở rộng sản xuất, nâng cao thiết bị công nghệ… của DN có giới hạn, đầu ra của các NH thương mại còn hạn chế. Mấy ngày qua, lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ cũng giảm nhẹ. Trong khi đó, số tiền gửi tại các NH thương mại khá nhiều, lãi suất liên NH lại giảm nên các NH thương mại bắt đầu giảm lãi suất tiền gửi là điều dễ hiểu.
Lãi suất giảm là đáng mừng nhưng chuyên gia tài chính - NH Nguyễn Trí Hiếu nhận xét tín hiệu này chưa lan tỏa toàn hệ thống bởi chỉ có các NH thừa vốn mới có điều kiện giảm lãi suất tiền gửi.
Có cơ sở giảm thêm
Về xu hướng lãi suất trong thời gian tới, ông Lê Văn Quyết cho rằng rất khó dự đoán bởi quý IV hằng năm, nhu cầu vốn của nền kinh tế thường tăng lên, tỉ giá VNĐ/USD có thể biến động, tác động nhất định đến lãi suất VNĐ.
Thế nhưng, TS Bùi Quang Tín (Trường ĐH NH TP HCM) dự đoán lãi suất tiền gửi có cơ sở để giảm thêm vì hệ thống NH đang tích cực hỗ trợ các DN trong 5 lĩnh vực ưu tiên bằng cách giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay, tức là có NH chỉ cho vay với lãi suất 4%-6,5%/năm đối với các DN hoạt động hiệu quả. Mặt khác, chi phí của NH rất khó giảm nhanh và Nghị quyết về xử lý nợ xấu của Quốc hội cũng chậm lan tỏa. Vì thế, để bảo đảm lợi nhuận, buộc các NH phải giảm chi phí huy động tiền gửi. Ngoài ra, lạm phát năm 2017 dự kiến khó vượt mức 4% cũng tạo thêm điều kiện để lãi suất huy động giảm.
Bình luận (0)