Xác định giải ngân đầu tư công là một trong các biện pháp tài khóa ưu tiên để ứng phó với dịch Covid-19, Chỉ thị 11 của Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 ngay trong tháng 3; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và 2020; sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng…
Cánh cửa sáng cho kinh tế
Không phải không có lý do khi từ Chính phủ đến các bộ, ngành và giới chuyên gia đều cho rằng giải ngân vốn đầu tư công có thể coi là "quả đấm thép" vực dậy nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn này. Khi cầu chi tiêu từ khu vực doanh nghiệp (DN) và người dân giảm mạnh, nhà nước cần đóng vai trò là đối tượng chi tiêu chính.
Ước giải ngân vốn đầu tư năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 31-3 là hơn 61.591 tỉ đồng, tương đương gần 30 tỉ USD, đạt hơn 13% kế hoạch được giao năm nay. Mức giải ngân này cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước nhưng vẫn còn thấp so với kỳ vọng. Do vậy, trong báo cáo mới đây về tình hình giải ngân vốn đầu tư công và kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Bộ Tài chính một lần nữa điểm tên các dự án lớn, có tính chất lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng và cả nước như dự án cao tốc Bắc Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành…
Dự án Cải thiện môi trường nước TP lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tuy cho rằng giá trị đầu tư của đầu tư công chỉ chiếm 25% tổng đầu tư toàn xã hội nhưng không phủ nhận giải ngân vốn đầu tư công rất quan trọng bởi khi các công trình hạ tầng thiết yếu được hoàn thành sẽ có tác động lan tỏa mạnh với phát triển kinh tế, cụ thể là hoạt động kinh doanh và dịch vụ ăn theo.
Tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy khi vốn đầu tư công giải ngân thêm được 1% sẽ góp phần giúp GDP tăng thêm 0,06 điểm phần trăm. Giải ngân vốn đầu tư công có thể coi là giải pháp trong tầm tay và có tác động trực tiếp trong bối cảnh Chính phủ đang phải căng mình thực hiện mục tiêu kép vừa khống chế dịch bệnh vừa duy trì đà tăng trưởng.
Tiêu tiền cách nào?
Ủng hộ tính cần thiết của thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhưng câu hỏi đặt ra là làm sao tiêu được khoản tiền không nhỏ này khi hàng loạt vướng mắc vẫn tồn tại nhiều năm qua?
Đã 3 năm nay, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), luôn bày tỏ lo ngại về việc "có tiền mà không tiêu được" khi đề cập đến đầu tư công. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Cung nêu thực tế dù chính sách và quy định pháp luật đã rất thuận lợi để kích thích giải ngân đầu tư công nhưng thực tế hoạt động này vẫn rất trì trệ. "Làm sao đưa nguồn vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và số vốn được chuyển nguồn tiếp tục giải ngân của kế hoạch năm 2019 vào nền kinh tế một cách nhanh nhất? Nếu thái độ và cách thức làm việc của cơ quan chức năng chưa thay đổi thì chưa làm được. Phải cùng nhau xem xét và có cơ chế giải quyết nhanh thì mới làm được, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội giảm tốc độ suy giảm của nền kinh tế" - ông Cung nêu quan điểm.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nhắc lại việc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam không được giao dự toán ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo trì dù vẫn phải thúc 20 công ty CP tiếp tục thực hiện dịch vụ công ích. Câu chuyện cho thấy vướng mắc ở khâu phối kết hợp của các cơ quan nhà nước đã khiến việc giao nguồn tiền từ ngân sách không được trơn tru. "Rõ ràng có tiền mà không giải ngân được vì chưa giao đủ thẩm quyền, chức trách cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, khiến họ không có tiền giao cho DN. Từ đó có thể thấy những vướng mắc trong giải ngân còn nhiều và nếu không giải quyết được thì sẽ rơi vào tình trạng duy ý chí" - ông Lực nói.
TS Lực góp ý để "tiêu được tiền", các rào cản về quy trình, thủ tục liên quan đến đầu tư công nếu không cần thiết thì nên cắt bỏ. Đồng thời, nhiều chủ đầu tư bị tác động xấu từ dịch bệnh, cần thêm sự hỗ trợ từ phía nhà nước để họ đảm trách được nhiệm vụ sử dụng vốn công hiệu quả.
TS Đinh Tuấn Minh, thành viên Hội đồng Sáng lập Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, cũng đặt vấn đề giải ngân và sử dụng vốn hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh là không dễ dàng. "Nguồn cung từ nhập khẩu bị ách tắc có thể khiến DN rơi vào tình trạng được giải ngân nhưng không có thiết bị để triển khai, dễ dẫn đến rủi ro đọng vốn, treo dự án. Ngoài ra, các bộ, ngành cần sớm tháo gỡ các điểm nghẽn vĩ mô, trong khi thực tế đang ưu tiên nguồn lực cho khống chế dịch bệnh" - ông phân tích.
PGS-TS Phạm Thế Anh, ĐH Kinh tế quốc dân, lưu ý để tránh lãng phí, đầu tư công phải đúng mục đích và chỉ nên giới hạn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục và đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội.
"Vũ khí" quốc hữu hóa để chống dịch Covid-19
Chính phủ một số nước châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 đang xem xét lựa chọn quốc hữu hóa các công ty bị ảnh hưởng.
Chẳng hạn, chính phủ Ý đã nỗ lực ngăn hãng hàng không Alitalia sụp đổ bằng cách cung cấp khoản giải cứu trị giá 600 triệu euro. Đây là một phần kế hoạch tái quốc hữu hóa Alitalia của Rome sau khi không thể tìm được người mua hãng hàng không đang khó khăn trong nhiều năm qua.
Trong khi đó, theo Reuters, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire vào tháng rồi cho biết chính phủ nước này sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp cần thiết để hỗ trợ DN chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19, trong đó có bơm vốn, mua cổ phần hoặc thậm chí là quốc hữu hóa, nếu cần. Quan chức này cũng công bố gói hỗ trợ 45 tỉ euro cho các DN và người lao động chịu tác động của dịch Covid-19. Ngoài ra, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo chính phủ sẽ bảo đảm các khoản cho vay trị giá 300 tỉ euro để giúp các DN vượt qua cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19.
Đến ngày 3-4, trả lời phỏng vấn đài France 24, ông Le Maire nhắc lại Paris đang xem xét bước đi quốc hữu hóa trong khoảng thời gian nhất định đối với các công ty chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Theo ông, chính phủ không có ý định tham gia quản lý công ty thương mại nhưng có trách nhiệm bảo vệ các tài sản chiến lược.
Ngay cả chính phủ Đức cũng tính đến chuyện quốc hữu hóa những công ty đang lao đao vì dịch Covid-19 khi xem xét các biện pháp cứu trợ kinh tế. Trước mắt, Berlin đã thông qua khoản tiền 100 tỉ euro dùng để cho vay trực tiếp hoặc mua cổ phần các công ty đang gặp khó khăn. Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Đức có bước đi như thế. Trong cuộc khủng hoảng tài chính hơn 10 năm trước, Berlin đã mua 15% cổ phần Ngân hàng Commerzbank để giúp ngăn ngân hàng này sụp đổ.
Hoàng Phương
Bình luận (0)