Không chỉ Alibaba, hàng trăm doanh nghiệp (DN) Việt cũng tham gia giới thiệu sản phẩm trên nền tảng Amazon, eBay… và bán hàng thông qua hình thức B2B (DN mua của DN).
Hàng trăm ngàn doanh nghiệp tham gia
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc thị trường Việt Nam của Alibaba, từ chối tiết lộ tổng số DN xuất khẩu thành công trên Alibaba nhưng cũng nhấn mạnh hiện có tới 200.000 DN đã đăng ký mở tài khoản bán hàng trên nền tảng này. "Triển vọng của hình thức xuất khẩu qua thương mại điện tử (TMĐT) là rất rõ ràng bởi vấn đề cốt lõi là phải tìm được khách hàng tiềm năng và TMĐT có thể hỗ trợ DN điều này, đặc biệt với DN vừa và nhỏ" - giám đốc thị trường Việt Nam của Alibaba nhìn nhận.
Theo phân tích của ông Trần Xuân Thủy, DN vừa và nhỏ không có văn phòng đại diện tại các quốc gia, lục địa; hoạt động xuất khẩu hầu như phụ thuộc vào môi giới, triển lãm hoặc hỗ trợ từ tham tán thương mại. Do đó, rất khó tìm được khách hàng tiềm năng, bị phụ thuộc và luôn sợ mất khách.
Còn thông qua TMĐT, DN có cơ hội mở rộng thị trường, đánh giá được nhu cầu của khách và đưa ra sản phẩm phù hợp. "Nếu tham gia hội chợ ở nước ngoài theo lối xuất khẩu truyền thống, DN sẽ tốn 200-300 triệu đồng cho việc đi lại, ăn ở, thuê gian hàng. Trong khi đó, chi phí tìm bạn hàng xuất khẩu trên nền tảng trực tuyến chỉ khoảng 1/5-1/3 số đó" - ông Thủy phân tích.
Nông sản Việt Nam được rao bán trên trang thương mại điện tử
Thực tế, đã có không ít DN xuất khẩu trực tuyến thành công qua TMĐT. Công ty CP Xuất nhập khẩu rau quả 1 (Vegetexco 1) sau 1 tháng rưỡi tích cực tìm bạn hàng qua trang TMĐT Alibaba, đã bán được lô hàng dưa leo ngâm giấm cho khách hàng đến từ Estonia - đất nước vùng Baltic. Hiện hằng ngày, Vegetexco 1 đều nhận được email đề nghị cung cấp thông tin về sản phẩm từ các khách hàng tiềm năng.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Giám đốc Công ty CP Sản xuất Đông Dương - một DN chuyên xuất khẩu sản phẩm gia vị, tinh bột sắn quy mô nhỏ, chia sẻ bà từng lặn lội vào Nam ra Bắc để khảo sát thị trường, mở các kênh bán hàng truyền thống nhưng không hiệu quả. Chỉ đến khi tận dụng TMĐT để tìm kiếm bạn hàng, bà mới bất ngờ với hiệu quả mà nó mang lại. Kể từ khi công ty này nâng cấp tài khoản lên hạng thành viên Gold Supplier (hạng cao nhất với nhiều ưu đãi), trung bình mỗi tháng, nhận được 200 cuộc trao đổi thông tin về sản phẩm qua email.
Chậm khai thác hình thức mới
Tuy nhiên, theo thống kê gần đây của Bộ Công Thương, tỉ lệ đơn hàng xuất khẩu trực tuyến chỉ chiếm 1% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Nguyên nhân, theo các chuyên gia, bởi DN bị mô hình xuất khẩu truyền thống ăn sâu vào suy nghĩ nên không mấy tin tưởng vào hình thức "lên mạng tìm bạn hàng", không có nhân sự để chuyển sang mô hình xuất khẩu qua TMĐT hoặc nhân sự thiếu kỹ năng giao tiếp trên TMĐT. Ngay cả DN ý thức được lợi ích của xuất khẩu trực tuyến thì khi đầu tư cũng hời hợt, thể hiện qua nội dung đăng tải trên gian hàng online chưa hấp dẫn; mô tả sản phẩm thiếu chuyên nghiệp; hình ảnh không bắt mắt; không cập nhật thông tin liên tục. Ngoài ra, DN cũng chưa tận dụng được lợi ích từ việc các trang TMĐT hàng đầu thế giới thường có hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu thị trường để điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.
Tuy nhiên, không ít DN lại cho rằng để tận dụng được nền tảng TMĐT nhằm thúc đẩy xuất khẩu không phải là việc dễ dàng. Một cán bộ phụ trách xuất nhập khẩu của Công ty CP Cacao Việt Nam cho biết đã đăng ký tài khoản trên trang Alibaba 5 năm nay, mỗi năm mất phí 33 triệu đồng để duy trì tài khoản nhưng chưa hề tìm được bạn hàng bởi sản phẩm chưa thực sự nổi bật để có thể cạnh tranh với hàng ngàn DN quốc tế. Còn với nền tảng Amazon, DN này nhìn nhận có quá nhiều loại phí phải trả nếu có đơn hàng, khiến lợi nhuận bị ăn mòn gần hết.
"Có hàng chục loại phí như vận chuyển đến kho khách hàng, bảo hiểm vận chuyển quốc tế, mua mã vạch, mở tài khoản, lưu kho, chi phí marketing… Chỉ tính riêng chi phí vận chuyển một container hàng đã là 1.000 USD, trong khi các mặt hàng của chúng tôi như bột ca cao nguyên chất, bột sô-cô-la, sô-cô-la thanh, thực phẩm bổ sung… đều là hàng có trọng lượng lớn nên chi phí quá cao. Các cơ quan thuế, hải quan trong nước lại chưa có hỗ trợ để khuyến khích DN xuất khẩu theo hình thức trực tuyến" - DN này phản ánh và thừa nhận vẫn phải cân nhắc lựa chọn hình thức xuất khẩu theo lối truyền thống hay qua sàn TMĐT.
Dẫu vậy, Giám đốc thị trường Việt Nam của Alibaba Trần Xuân Thủy vẫn tỏ ra lạc quan khi đánh giá trong 5 năm tới, tỉ trọng tăng trưởng xuất khẩu qua nền tảng trực tuyến sẽ đạt 50%-100% bởi dư địa còn rất lớn. Ông cho rằng gần đây, sự thay đổi nhận thức của DN về TMĐT đã tương đối lớn; nhiều DN tích cực hợp tác cùng các DN TMĐT để được hỗ trợ đào tạo, xúc tiến giao thương, logistics, thanh toán... Nhưng độ rủi ro trong giao thương qua mạng cũng lớn, đòi hỏi trách nhiệm cao từ phía cơ quan quản lý.
Bình luận (0)