Cách đây 1 tuần, vụ hóa chất tự cháy tại Công ty TNHH Tân Hùng Thái (KCN Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM) khiến 15 cảnh sát PCCC bị thương khi làm nhiệm vụ càng dấy lên lo ngại về công tác quản lý mặt hàng hóa chất vốn còn nhiều bất ổn như hiện nay.
Vi phạm tràn lan
Thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP HCM cho biết đơn vị này vừa kết thúc đợt tổng kiểm tra đối với mặt hàng hóa chất. Đây là đợt rà soát đại trà nên có báo trước cho cơ sở, doanh nghiệp (DN) 3 ngày, chỉ có những cơ sở có dấu hiệu vi phạm mới thực hiện kiểm tra đột xuất. Dù có chuẩn bị trước nhưng tỉ lệ vi phạm bị phát hiện lên đến hơn 49%. Cụ thể, kiểm tra 461 DN, có 233 đơn vị thực hiện đầy đủ các quy định về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh; còn lại 228 đơn vị có vi phạm.
Các vi phạm phổ biến là về nhãn hàng hóa (nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc, hàng nhập khẩu không có nhãn phụ tiếng Việt, không có nhãn hàng hóa), kinh doanh hóa chất công nghiệp thuộc danh mục hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; kinh doanh hóa chất phụ gia thực phẩm không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, không niêm yết giá,... Ngoài ra, nhiều đơn vị còn phát hiện không xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất.
Đối với Công ty TNHH Tân Hùng Thái, đại diện Đội QLTT Bình Chánh cho biết đã đến kiểm tra DN này trước thời điểm bị cháy khoảng 1 tháng và DN có đầy đủ hồ sơ pháp lý, không phát hiện vi phạm nào, lô hóa chất phát cháy chưa có trong kho mà sau này mới nhập về và bị cháy trong quá trình nhập hàng. Trên địa bàn huyện Bình Chánh đã kiểm tra 16 điểm, phát hiện nhiều vi phạm với tổng số tiền phạt khoảng 100 triệu đồng.
Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP HCM, cho biết thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước còn “loay hoay” với mặt hàng hóa chất. Sau kiểm tra, chi cục sẽ có báo cáo toàn diện về việc kinh doanh hóa chất cũng như những vướng mắc trong quản lý lên UBND TP và Sở Công Thương để có chỉ đạo biện pháp quản lý phù hợp.
Khó ứng phó nếu có sự cố
Tại TP HCM, hoạt động kinh doanh hóa chất diễn ra sôi động nhất ở khu vực chợ Kim Biên và các con đường lân cận thuộc địa bàn phường 13, 14 (quận 5) như: Phan Văn Khỏe, Hải Thượng Lãn Ông, Vạn Tượng, Phùng Hưng, Gò Công... Tại nhiều cơ sở, hóa chất được bày bán và tồn chứa chung, phần lớn có thực hiện sang chiết, đóng gói hóa chất tại chỗ để bán nhỏ lẻ. Tuy tiện lợi cho người mua kẻ bán nhưng nếu xảy ra tình huống cháy nổ hoặc sự cố môi trường thì rất khó ứng phó, tiềm ẩn nhiều phức tạp vì chen lẫn trong khu dân cư đông đúc.
Đặc biệt, các quầy sạp kinh doanh hóa chất thuộc chợ Kim Biên có diện tích siêu nhỏ, chưa tới 2,5 m2 nên phần lớn hóa chất được trưng bày tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời không đúng quy định trong bảo quản.
Theo giới chuyên môn, những quầy sạp này khó hoặc không thể đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và con người theo quy định như kho chứa, phương tiện vận tải chuyên dùng, người kinh doanh có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành hóa chất. Tuy nhiên, thực tế các hộ kinh doanh này vẫn tồn tại và là đầu mối cho mọi nhu cầu về sử dụng hóa chất hiện nay từ hợp pháp đến phi pháp.
Trong hầu hết những vụ kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm phát hiện có hóa chất không nhãn mác dùng để tẩy trắng, tạo màu hay bảo quản, chủ cơ sở đều khai mua ở chợ Kim Biên. Tuy nhiên, nếu người lạ lớ ngớ đến hỏi mua những chất này đều bị nhân viên bán hàng cảnh giác vì họ biết rõ các chất này bị cấm bán.
Lúng túng trong xử lý
Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, khi phát hiện các vụ giết mổ gia cầm lậu có sử dụng hóa chất nhuộm màu không rõ nguồn gốc đều có xử lý phạt tiền và tiêu hủy tang vật vi phạm. Tuy nhiên, nhìn chung, khung xử phạt cũng như các quy định về hành vi vi phạm trong việc sử dụng phụ gia và phẩm màu vẫn còn bỏ ngỏ gây khó khăn trong quản lý.
Bình luận (0)