Nằm trong khuôn khổ chương trình kết nối doanh nghiệp Nhật Bản - Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam tổ chức, các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đã có buổi gặp gỡ, trao đổi nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chương trình có sự tham gia của 20 doanh nghiệp Nhật Bản và 80 doanh nghiệp Việt Nam. Hầu hết doanh nghiệp tham gia chương trình đều là vừa và nhỏ.
Tại buổi hội thảo, các doanh nghiệp của hai nước được chia thành các nhóm nhỏ để trực tiếp trao đổi và giới thiệu hàng hóa. Các mặt hàng như hoa quả sấy khô, rau củ sấy, mì gói,... được các doanh nghiệp Nhật Bản mang sang Việt Nam để giới thiệu và tìm đối tác.
Đánh giá về buổi gặp gỡ này, ông Hiroshi Chishima, Phó trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam cho biết: "Trước khi có buổi gặp gỡ trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam, đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đã đi thực địa tại tỉnh Lâm Đồng và khu nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh Vĩnh Phúc. Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá nông nghiệp ở Việt Nam đang có sự phát triển, tuy nhiên chủ yếu vẫn là phương thức kinh doanh ở quy mô nhỏ và hộ gia đình".
"Trong thời gian tới, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tìm ra các cơ hội hợp tác về lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam theo các hình thức chuyển giao công nghệ hoặc cung cấp về máy móc, thiết bị, hạt giống nhằm cải thiện phương thức canh tác nông nghiệp và nâng cao chất lượng sản phẩm", ông Hiroshi Chishima cho biết.
Trao đổi với phóng viên BizLIVE, ông Nguyễn Danh Nhân, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp miền Trung, cho biết: "Một số đối tác Nhật Bản đang cung cấp những sản phẩm mà chúng tôi rất quan tâm như tỏi đen hay rau, củ sấy khô. Các doanh nghiệp này có công nghệ sấy rất hiện đại và ấn tượng. Nếu áp dụng vào việc chế biến miến, hay rau củ sấy trong sản phẩm mì ăn liền sẽ đem lại chất lượng cao. Vì vậy, chắc chắn chúng tôi sẽ hợp tác với 1 vài doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian tới".
Tuy nhiên, việc đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam trong đó có Nhật Bản vẫn gặp nhiều khó khăn trong các vấn đề về đất đai hay thủ tục hành chính. Ông Hiroshi Chishima cho biết: "Số lượng doanh nghiệp hay các dự án của Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa nhiều".
Thực tế cho thấy việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam không hề đơn giản bởi các vấn đề về đất đai như giải phóng mặt bằng, xin cấp đất. Vì vậy, nếu muốn số lượng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam tăng lên thì cần giải quyết các vấn đề về đất và đẩy nhanh thời gian thực hiện các thủ tục hành chính".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Danh Nhân cũng cho rằng trong sản xuất nông nghiệp, đất đai là một yếu tố then chốt và nếu không có diện tích đất đủ lớn thì doanh nghiệp không thể mở rộng quy mô và tìm kiếm các đối tác lớn hơn. Đây là một trong những hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam trong thời điểm hiện tại.
"Ngoài ra, Nhật Bản là một thị trường nông nghiệp tiên tiến vì vậy, họ có quy chuẩn rất gắt gao về chất lượng, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu muốn xuất khẩu nông sản sang thị trường Nhật Bản thì cần trải qua nhiều lớp kiểm định rất chặt chẽ, ngay từ Việt Nam chứ không phải sang Nhật mới kiểm định", ông Nhân chia sẻ.
"Nếu muốn hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản, chúng ta cần cải thiện các điều kiện sản xuất và chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng những quy chuẩn mà đối tác Nhật Bản đưa ra", ông Nhân cho biết.
Bình luận (0)