Chưa bao giờ việc ăn uống trở thành nỗi bận tâm của nhiều người như bây giờ. Tin tức về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm dồn dập xuất hiện như heo chứa dư lượng chất cấm salbutamol, cá nhiễm kim loại nặng, trái cây và rau củ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, măng ngâm tẩm hóa chất... Trong khi cơ quan chức năng chưa kiểm soát thực phẩm một cách hiệu quả, người tiêu dùng phải tự tìm nguồn thực phẩm “sạch” cho mình.
Nhộn nhịp chợ online
Quá ám ảnh bởi thực phẩm không an toàn, chị Lan Anh (quận Tân Bình) hơn nửa năm nay không đi chợ, chuyển hẳn qua mua thực phẩm do bạn bè, người quen bán. “Do không có điều kiện nuôi trồng nên tôi chấp nhận tốn thêm tiền để đổi lấy bữa ăn an toàn theo cách của mình. Rau hữu cơ, thịt heo, trứng, gạo... do vài người bạn cung cấp. Các loại tôm, mực, cá thì mua của người quen từ Phú Quốc chuyển vào. Trái cây, mật ong, trà... cũng mua của những người thân ở quê. Đến các sản phẩm làm đẹp như bột nghệ, bột trà xanh... cũng mua từ người quen” - chị Lan Anh bộc bạch.
Mua thực phẩm trên mạng đã trở thành thói quen của nhiều người ở TP HCM. Ảnh: Hoàng Triều
Hiện có rất nhiều người như chị Lan Anh, chấp nhận trả giá cao để mua rau củ, thịt cá được quảng cáo là của nhà trồng hay từ người quen ở quê chuyển lên và không ngâm xịt hóa chất hay dùng thức ăn tăng trọng. Từ đó, lượng người kinh doanh thực phẩm “an toàn” tăng nhanh.
Chị Hồng Thu, nhà ở huyện Hóc Môn, hơn nửa năm nay tận dụng đất trống quanh nhà trồng cải xanh, mồng tơi, rau dền, rau muống... bán cho đồng nghiệp, bạn bè qua mạng xã hội với cam kết là bón phân chuồng, tưới nước sạch.
Do lượng người đặt hàng ngày càng đông, chị chịu khó rảo sang nhà những người quen trong xóm gom thêm hàng, khi thì mấy trái mướp, lúc thì vài trái đu đủ chín cây, bó hẹ... để bán thêm. Hễ thu hoạch được thứ gì, chị đều đăng lên Facebook kèm hình ảnh minh họa rất chi tiết nên hàng có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.
Trên các trang mạng xã hội gần đây xuất hiện rất nhiều người bán hàng kiểu này. Nhiều chung cư còn có các nhóm buôn bán thực phẩm sạch qua mạng xã hội với đủ mặt hàng, từ rau củ quả, trái cây cho đến gà ta, cá biển...
Vòng qua chợ online của khu dân cư Nam Long (quận 9, TP HCM), người tiêu dùng dễ bắt gặp các kiểu rao hàng: Bán gà ta được lấy từ vườn của gia đình ở Đồng Nai. Gà thả trong vườn rộng gần 10.000 m2, được cho ăn các sản phẩm tự nhiên, không độc hại.
Gà nhà nuôi cho gia đình ăn nhưng số lượng nhiều nên bán. Nhà em ở Bình Định có làm nước mắm cá cơm, mắm được muối từ những con cá tươi do thuyền của gia đình đánh bắt được, không sử dụng hóa chất hay chất bảo quản nên rất an toàn. Mực rim Bình Định do chính nhà làm...
Người mua tin người bán, người bán tin chủ vườn…
Chị Phương Anh - ngụ chung cư Ehome Đông Sài Gòn 2, thành viên chợ online Nam Long - cho biết thỉnh thoảng mua vài thứ do tin người bán, còn sản phẩm có sạch hay không thì khó mà nhận biết. Dù các sản phẩm này được quảng cáo “nhà làm” nhưng giá không hề rẻ so với thị trường.
“Mới đây, một chị rao bán tinh bột nghệ do nhà trồng ở Tây Nguyên với giá 900.000 đồng/kg là quá đắt. Rất nhiều thực phẩm được gắn mác “nhà trồng”, “của nhà” nhưng không hiểu sao giá lại quá cao?” - chị Phương Anh thắc mắc.
Theo chị Lan Anh, giá bán của những loại thực phẩm “an toàn” tự xưng thường gấp rưỡi đến gấp ba hàng cùng loại ở chợ, như rau cải, khổ qua, dưa leo giá bán đến 20.000 đồng/bó hoặc bịch 1/2 kg; cá bóp, cá đục... 200.000- 300.000 đồng/kg. “Giá cao thì ăn ít lại, coi như vừa bảo vệ sức khỏe vừa giảm cân mà không cần kiêng cữ, tập thể dục. Tuy nhiên, không biết hàng mình mua có an toàn không” - chị Lan Anh nghi ngờ.
Chị Thùy Linh, nhân viên văn phòng ở quận 3, vừa tham gia bán hàng “an toàn”, cho biết chưa đầy 1 tuần rao trên Facebook, chị đã bán vài trăm kg sầu riêng cho người quen. “Kinh doanh online dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau là chính. Người mua tin tưởng người bán, người bán tin tưởng chủ vườn. Sầu riêng Ri 6 do tôi bán bảo đảm trái được hái lúc gần chín, không nhúng thuốc, khách mua về nó sẽ tự chín dần. Sắp tới, tôi sẽ bán thêm cá lóc đồng, thịt heo...” - chị Linh dự tính.
Sẽ kiểm tra cơ sở núp bóng “nhà làm”
Bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng Phòng Quản lý an toàn thực phẩm Chi cục Bảo vệ thực vật TP HCM, đánh giá các loại rau củ, trái cây do “nhà trồng”, “ở quê gửi lên” mà những người thân quen bán cho nhau không thuộc nhóm nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh này vẫn cần được cơ quan chức năng quản lý nên chi cục đã cử người giám sát và cập nhật diễn biến. Các đầu mối rao bán nông sản theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP sẽ được kiểm tra trước. Người bán những mặt hàng này phải có hồ sơ pháp lý chứng minh đủ tiêu chuẩn, nếu không sẽ bị xử phạt.
Ngoài ra, chi cục cũng sẽ kiểm tra những điểm kinh doanh có quy mô lớn, núp bóng “nhà làm” nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh cũng như thực hiện nghĩa vụ thuế.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, mua thực phẩm an toàn, nguyên tắc chung là chọn loại có nguồn gốc, nơi đã được cơ quan nhà nước kiểm soát; ưu tiên sản phẩm có bao bì, nhãn mác, các điểm kinh doanh có uy tín.
Ng.Ánh
Bình luận (0)