“Bây giờ, cái gì cũng có thuốc hết! Giờ muốn chết no hay chết đói!”. Đây là câu nói vô tâm của người bán măng tẩm chất cấm (Báo Người Lao Động ngày 6-5) và cũng là suy nghĩ của rất nhiều người kinh doanh hám lợi, thậm chí của cả một số người tiêu dùng.
“Rau muống tưới nhớt; măng, chuối ngâm và ủ bằng hóa chất độc hại; thịt heo có chất tạo nạc; gà “ăn” chất cấm vàng ô... Mỗi ngày, các cơ quan chức năng lại phát hiện thêm nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Tiếp nhận những thông tin này, thực sự chúng tôi rất lo lắng nhưng không biết phải làm sao để có được thực phẩm sạch cho gia đình? Chợ mua bán thực phẩm đầy ra đó, có ai mỗi ngày kiểm nghiệm từng loại trước khi đến tay người tiêu dùng không? Còn bảo người tiêu dùng phải thông minh, tìm địa chỉ tin cậy, hợp vệ sinh để mua nhưng biết tìm đâu, ai chứng nhận và chứng nhận có đáng tin cậy?” - bạn đọc Nguyễn Thị Thanh Thanh băn khoăn.
Nhiều bạn đọc cho rằng ngay cả trong siêu thị cũng đầy thực phẩm bẩn thì người tiêu dùng còn biết tin vào đâu? “Thực phẩm bẩn không chỉ xuất hiện ở chợ tự phát hay hàng rong mà đã đi vào cả các siêu thị uy tín, nơi người tiêu dùng đặt trọn niềm tin. Có thông minh cách mấy, người tiêu dùng cũng khó phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch. Đây là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước khi không có những giải pháp quản lý hữu hiệu để bảo vệ người tiêu dùng” - bạn đọc Trần Duy Thanh nhận xét.
Qua những lần tiếp cận, thâm nhập cơ sở chế biến măng bẩn của bà Nguyễn Thị Thùy Trang (bên hông chợ nông sản thực phẩm Thủ Đức,
TP HCM), phóng viên Báo Người Lao Động được biết cơ sở này đã nhiều lần bị kiểm tra, lập biên bản sai phạm nhưng đâu lại vào đấy. Đoàn kiểm tra liên ngành của quận Thủ Đức vừa rút đi, cơ sở lại hoạt động.
“Những cơ sở hoạt động kiểu như thế thì đầy rẫy. Họ hám lợi, sẵn sàng giết giống nòi, sản xuất ra thứ thực phẩm gây chết người ngay giữa ban ngày là thách thức pháp luật. Từ ngày 1-7-2016, tội này có khung hình phạt cao nhất là tù chung thân. Mong các cơ quan chức năng thẳng tay xử lý, bắt giam chứ đừng phạt cho vui nữa! Bên cạnh đó, các ngành chức năng nên tổ chức ký kết với các địa phương khác để kiểm tra nguồn thực phẩm từ gốc, xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn. Muốn bữa ăn của người dân thực sự sạch, trách nhiệm và năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực ATTP là rất quan trọng. Luật còn thiếu gì thì phải bổ sung ngay vì vấn đề VSATTP đã cấp bách lắm rồi, không thể chờ đợi thêm được nữa” - bạn đọc Quỳnh Như sốt ruột.
Bạn đọc Hữu Phúc thì cho rằng trong khi chờ các cơ quan chức năng “cứu”, người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình trước. “Đừng ham rẻ để rồi tiếp tay cho hàng giả, hàng bẩn. Nếu biết những nơi làm ăn gian dối, sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn thì hãy mạnh dạn tố cáo và thông báo cho người khác biết để cùng tránh. Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn đòi hỏi cả xã hội cùng chung tay. Các cơ quan chức năng dù có tăng cường lực lượng hay thời gian làm việc cũng không thể giám sát, kiểm tra xuể nếu thiếu “tai mắt” của người dân phát hiện, tố giác” - bạn đọc này nêu ý kiến.
Bình luận (0)