Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng trong điều hành chính sách kinh tế, cần tính đến kịch bản xấu nhất là Mỹ - Trung sẽ không đạt được thỏa thuận đáng kể để tháo ngòi cho cuộc chiến thương mại.
Tác động chưa lớn
Ông Dương nhìn nhận kịch bản tốt nhất đối với Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc có thể bình thường hóa quan hệ thương mại. Bởi với một nền kinh tế quy mô nhỏ nhưng độ mở lớn như Việt Nam, có môi trường thương mại ổn định, ít bị "va đập" với các nền kinh tế lớn là điều kiện lý tưởng để phát triển. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều cơ sở để tin tưởng kịch bản này sẽ xảy ra. Ngược lại, vẫn phải đối mặt với phương án xấu nhất là 2 cường quốc có thể leo thang cuộc chiến thuế quan.
Song, đáng lưu ý là dù cuộc chiến sẽ tiếp tục hay dừng lại thì trong tương lai gần, sức ảnh hưởng đến Việt Nam hầu như không đáng kể. "Các biện pháp trừng phạt mà 2 nước sử dụng với nhau mới chỉ trong vài tháng, vẫn chưa phát huy hết tác dụng với các nền kinh tế thứ ba, trong đó có Việt Nam. Như thế, những dự liệu trước đây về việc các nhà đầu tư có thể chuyển về thị trường Việt Nam, tăng xuất khẩu một số mặt hàng bị cấm vận… vẫn còn nguyên. Nếu cuộc chiến thực sự chấm dứt, rõ ràng chúng ta sẽ có môi trường để yên ổn làm ăn nhưng cũng sẽ mất một vài cơ hội" - ông Dương phân tích.
Doanh nghiệp dệt may chưa cảm thấy có cơ hội nhiều trong việc xuất khẩu Ảnh: Hoàng Triều
PGS-TS Đỗ Đức Định, chuyên gia từng công tác tại Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, cũng cho rằng dù tiếp diễn hay dừng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì cơ bản mức độ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam không quá lớn. "Hai nước căng thẳng thì Việt Nam vẫn chỉ hưởng lợi từ xuất khẩu vài mặt hàng có lợi thế sang một trong 2 thị trường Mỹ, Trung. Song không phải mặt hàng nào Việt Nam có thì hai nước này cũng cần và nhiều mặt hàng họ cần nhưng ta không đáp ứng được, như sản phẩm của ngành chế biến, chế tạo vẫn chưa đủ tầm để vươn xa" - ông Định đánh giá.
Dưới góc độ doanh nghiệp (DN), ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, nhìn nhận DN dệt may trong nước chưa cảm thấy bị ảnh hưởng lớn, chưa có cơ hội nhiều trong việc tăng cường xuất khẩu. "Trước đây, có dự báo khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, đơn hàng dệt may sẽ chuyển về Việt Nam nhiều hơn nhưng đó chỉ là lý thuyết. Thực tế, dù có đơn hàng về nhiều thì DN của ta cũng không ôm được hết do năng lực có hạn. DN mong có những đơn hàng tốt hơn cho thị trường Việt Nam chứ không phải nhiều hơn" - ông Hồng cho biết.
Tranh thủ cơ hội, ứng phó hiệu quả
Trước những biến động khó lường, theo ông Nguyễn Anh Dương, không nên đặt vấn đề Việt Nam được hưởng gì, bị tác động tiêu cực gì bởi mọi ảnh hưởng đều phụ thuộc vào khả năng ứng phó. Do đó, cần bình tĩnh nhìn nhận thấu đáo tác động của cuộc chiến để linh hoạt xử lý. "Nội lực của nền kinh tế và của DN rất quan trọng trong việc ứng phó. Quý III/2018, xuất khẩu Việt Nam tăng tương đối nhanh, đặc biệt nhóm ngành nông - lâm - thủy sản, rau củ quả duy trì đà tăng trưởng tương đối tốt. Điều này cho thấy DN vẫn thích ứng được khá ổn với tình hình trước mắt và tận dụng được cơ hội xuất khẩu. Nhưng cần tư duy chính sách hướng nhiều hơn việc tạo môi trường thông thoáng, ít chi phí hơn, tạo điều kiện cho DN thích ứng tốt hơn, tránh tư duy nhà nước cố gắng làm thay DN, đưa ra nhiều chính sách tưởng là bảo vệ DN nhưng thực chất làm DN khó khăn hơn trong quá trình ứng phó" - ông Dương lưu ý.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Dương, với việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực vào cuối tháng 12-2018, Việt Nam cần tận dụng hết tác dụng của hiệp định trong thu hút những dòng đầu tư có chất lượng hơn, phù hợp hơn với đất nước nhằm làm giảm tác hại không mong muốn của chiến tranh thương mại.
Đại diện Bộ Công Thương lưu ý các DN bám sát diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để có chiến lược điều chỉnh sản xuất phù hợp, nhất là những DN có giao thương với 2 nền kinh tế lớn này. Đồng thời, bộ cũng lưu ý DN tránh để bị lợi dụng trở thành nước "rửa xuất xứ" cho hàng xuất khẩu của một trong hai nước. Đặc biệt, dù cuộc chiến tạm dừng, DN Việt cũng không nên lơ là, thiếu thận trọng bởi khi hai nước leo thang chiến tranh thương mại trở lại, chúng ta có thể không trở tay kịp.
PGS-TS Đỗ Đức Định nêu quan điểm dù chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể được tháo "ngòi nổ" nhưng quan hệ sẽ không bao giờ trở lại bình thường tuyệt đối khi đã có rạn nứt, ngờ vực lẫn nhau. Đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam nếu chúng ta xây dựng được môi trường kinh doanh cạnh tranh.
Không phải "đũa thần"
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3-12 tiếp tục "rò rỉ" thêm một nhượng bộ khác của Trung Quốc về thuế ôtô trong thỏa thuận đình chiến thương mại mà ông ca tụng là "tuyệt vời". "Trung Quốc đã nhất trí giảm và loại bỏ thuế quan với ôtô nhập khẩu từ Mỹ vào thị trường nước này. Mức thuế hiện tại là 40%" - nhà lãnh đạo Mỹ chia sẻ trên Twitter.
Thị trường tài chính khắp châu Á - Thái Bình Dương tỏ ra phấn chấn rõ rệt với kết quả tích cực từ cuộc gặp kéo dài hơn 2 giờ 30 phút tại Argentina cuối tuần rồi của lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chỉ số Shanghai Composite tại thị trường Thượng Hải dẫn đầu xu hướng tăng giá phiên đầu tuần với mức tăng lên tới 2,57%, trong khi các chỉ số chuẩn ở thị trường Hồng Kông và Tokyo lần lượt tăng 2,45% và 1%. Sự gia tăng lành mạnh này mở đường cho sự đi lên mạnh mẽ ở các sàn giao dịch châu Âu và Mỹ sau đó với chỉ số FTSE100 (chỉ số cổ phiếu của 100 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán London) tăng 1,6% và chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tại Phố Wall dự kiến tăng tới 2%.
Tuy vậy, Tổng thống Trump không đưa ra chi tiết về giảm thuế xe hơi trong khi chính phủ Trung Quốc chưa đưa ra bình luận. Tuyên bố chính thức từ cả hai bên về cuộc gặp giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ xoáy sâu vào việc Washington nhất trí không tăng thuế bổ sung từ ngày 1-1-2019, trong khi Bắc Kinh đồng ý mua thêm nông sản Mỹ ngay lập tức. Hai bên cũng nhất trí bắt đầu thảo luận cách thức giải quyết các vấn đề lo ngại, bao gồm bảo vệ sở hữu trí tuệ, các rào cản thương mại phi thuế quan và đánh cắp bí mật thương mại thông qua tấn công mạng.
Trong khi cả hai bên chưa công bố tường tận thỏa thuận đạt được, truyền thông Trung Quốc tỏ ra cẩn trọng với cái gọi là "đình chiến" thương mại. Báo China Daily ngày 3-12 cảnh báo đó không phải "đũa thần" hô biến mọi vấn đề ngay lập tức. Thậm chí, nhà hoạch định chiến lược Paul Kitney của công ty tài chính Daiwa (Hồng Kông) cho rằng đó không phải "đình chiến mà chỉ là một sự xuống thang". Ông nói: "Thuế quan hiện tại vẫn gây tác động tiêu cực lên kinh tế Trung Quốc".
Phía Nhà Trắng cũng nêu rõ mức thuế 10% đối với hàng hóa trị giá 200 tỉ USD của Trung Quốc sẽ tăng lên thành 25% nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trong 90 ngày, đồng nghĩa với cuộc chiến tiềm tàng có thế nối lại vào cuối tháng 3-2019.
Thu Hằng
Tỉ giá trung tâm, chứng khoán cùng tăng
Ngày 3-12, tỉ giá trung tâm Ngân hàng Nhà nước áp dụng ở mức 22.755 đồng/USD, tăng 5 đồng/USD so với phiên trước. Đây là phiên tăng tỉ giá thứ 4 liên tiếp từ cuối tuần trước và là mức cao nhất của tỉ giá trung tâm từ đầu năm.
Tính từ đầu năm đến nay, tỉ giá trung tâm đã tăng thêm 350 đồng/USD, tương đương mức tăng 1,56%. Trong khi đó, giá USD ở các ngân hàng thương mại vẫn khá ổn định so với cuối tuần. Nhiều ngân hàng thương mại giao dịch USD ở mức 22.275 đồng/USD mua vào, 22.365 đồng/USD bán ra, không đổi so với cuối tuần rồi.
Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho biết dù tỉ giá trung tâm tăng nhưng tình hình cung cầu ngoại tệ vẫn ổn định, các nhu cầu của doanh nghiệp và cá nhân vẫn được đáp ứng đủ.
Trên thị trường chứng khoán, theo sự phấn chấn của thị trường tài chính khắp châu Á - Thái Bình Dương, chốt phiên giao dịch ngày 3-12, VN-Index tăng đến 25,05 điểm (+2,7%) lên 951,59 điểm; HNX-Index tăng 2,81 điểm (+2,69%) lên 107,64 điểm và Upcom-Index tăng 0,7 điểm (+1,34%) lên 53,06 điểm. Giá trị giao dịch phiên này tăng với trên 5.562 tỉ đồng trên cả 2 sàn.
T.Phương - S.Nhung
Bình luận (0)