Sáng 29-9, tại Hội nghị Báo cáo chuyên đề "Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đến kinh tế TP HCM" do Thành ủy TP HCM tổ chức, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đã chỉ ra nhiều nguy cơ nền kinh tế phải đối mặt.
Dễ thành quốc gia "dư thừa"
Tác động trực quan và nhanh chóng nhất, theo ông Thành, là lĩnh vực xuất nhập khẩu. Dẫn phân tích cho rằng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là do tiêu dùng của Mỹ lớn, chỉ số tiết kiệm không nhiều, ông Thành cho rằng đó có thể là cơ hội cho hàng xuất khẩu của Việt Nam trong ngắn hạn. "Đơn hàng dệt may của Việt Nam đang tăng lên. Riêng tháng 8-2018, con số tuyệt đối Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cao nhất từ đầu năm với 2 mặt hàng quan trọng nhất là dệt may và điện tử" - ông Thành chứng minh.
TP HCM có 3 nhiệm vụ chính trong việc ứng phó với tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Ảnh: TẤN THẠNH
Tuy nhiên, về dài hạn, nếu cuộc chiến leo thang thì tác động đến thương mại Việt Nam sẽ xoay sang khía cạnh tiêu cực nhiều hơn. Ông Thành phân tích: Leo thang chiến tranh thương mại quy mô lớn sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức 0,5 điểm %. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam luôn phụ thuộc vào 2 biến số quan trọng là tỉ giá và tăng trưởng kinh tế thế giới. Tăng trưởng kinh tế thế giới giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong nước bởi xuất khẩu là trụ cột cho tăng trưởng.
Về đầu tư, nguyên lãnh đạo CIEM bày tỏ suy nghĩ vừa lạc quan vừa thận trọng. Ông cho rằng có thể hy vọng dòng đầu tư nước ngoài sẽ dịch chuyển về Việt Nam để tránh sự bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc. "Không nhà đầu tư nào đi ngược lại nguyên tắc chung là tìm "hầm trú ẩn" an toàn với môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh, minh bạch; nền kinh tế ít có các yếu tố rủi ro, bất định. Vậy dòng vốn có chuyển dịch sang Việt Nam không lại là câu hỏi. Chúng ta có đạt các yêu cầu trên để thu hút không?" - ông Thành băn khoăn.
Chuyên gia này cũng nêu thêm nghi vấn về việc thu hút đầu tư trong ngắn hạn để tranh thủ cuộc chiến thương mại có thể dẫn đến rủi ro là khi Mỹ và Trung Quốc dừng lại, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia "dư thừa". Ông nói: "Đừng thấy Trung Quốc không nhập bò Mỹ mà đổ xô đầu tư nuôi bò Mỹ, tới khi họ nhập lại thì Việt Nam làm sao đi giải cứu bò được. Đầu tư thận trọng nhưng đừng đầu tư quá mức".
TP HCM có 3 nhiệm vụ
Riêng với TP HCM - đầu tàu kinh tế, cải cách của đất nước, TS Võ Trí Thành cho rằng trong đối sách với chiến tranh thương mại, TP phải có sự ứng phó chủ động, linh hoạt, nhạy bén hơn các địa phương khác. "TP HCM có ba vai trò lớn. Thứ nhất, cùng với cả nước bám sát diễn biến cuộc chiến tranh thương mại để giảm thiểu rủi ro, tận dụng được cơ hội. Thứ hai, phải trở thành nơi có cơ chế ứng phó, giảm thiểu rủi ro tốt nhất để lan tỏa bài học cho cả nước. Cuối cùng, tiếp tục cải cách, bám vào xu thế mới, trở thành hình mẫu của sự phát triển và là nơi thu hút nhân tài tốt nhất" - ông Thành nêu rõ.
Phát biểu tổng kết hội nghị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đồng tình với quan điểm khi đối diện với chiến tranh thương mại, cần tiếp tục quan sát diễn biến để có chính sách ứng xử hài hòa giữa ngắn hạn và dài hạn. Tiếp thu ý kiến TS Thành gửi gắm về 3 vai trò của TP HCM, ông Nhân thừa nhận trong bối cảnh chung, phải có các giải pháp đổi mới cách quản lý.
Ông Nhân cũng cho biết để giải quyết những vấn đề thách thức, điểm nghẽn thì một trong những giải pháp mà TP đang tập trung thực hiện là xây dựng TP thông minh. Trước mắt là kêu gọi đầu tư vào xây dựng hai cấu phần là trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội và trung tâm điều hành tổng hợp của TP.
Trong đó, trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội TP đặt ra 3 bài toán: Mô phỏng tình trạng kẹt xe; mô phỏng tăng trưởng kinh tế để dự báo một số tình hình đưa tham số về biến đổi thị trường tài chính, xuất nhập khẩu, đầu tư; mô phỏng ngập nước.
Giữ ổn định đồng tiền
Theo TS Võ Trí Thành, cú sốc chiến tranh thương mại có thể làm thị trường tài chính, chứng khoán "rung rinh", làm dịch chuyển dòng vốn ngắn hạn và ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư. Do đó, ông ủng hộ quan điểm phải giữ ổn định đồng tiền.
Bình luận (0)