Chương trình OCOP sau hơn 2 năm triển khai đã đạt những kết quả quan trọng ban đầu, lan tỏa mạnh mẽ trên phạm vi cả nước và có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới cũng như góp phần nâng tầm thương hiệu, nông đặc sản địa phương, kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của làng xã.
Làm mới kinh tế nông thôn
Mới đây, tại Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành ở TP HCM, nhiều khách hàng là đại biểu các địa phương dự hội nghị lẫn người tiêu dùng TP đã "phải lòng" bánh phồng tôm NaCaMa sau khi được mời dùng thử. Bà Lê Kiều Phương, Giám đốc Công ty TNHH SX - TM Phúc Thịnh (thương hiệu NaCaMa), tự tin khẳng định "bánh phồng OCOP" rất khác với bánh phồng sản xuất công nghiệp lẫn sản xuất truyền thống của những công ty, cơ sở khác.
"Công ty mất 3 năm chuẩn bị, 1 năm xây dựng để đưa vào hoạt động. NaCaMa đang sản xuất, kinh doanh 10 loại bánh phồng tôm, sản phẩm ăn liền từ bánh phồng tôm sử dụng nguồn tôm nguyên liệu nổi tiếng của Cà Mau nên có mùi, vị tôm tự nhiên" - bà Kiều Phương giới thiệu. Dù mới tham gia thị trường hơn 1 năm nhưng bánh phồng NaCaMa đã tiêu thụ 200-300 tấn sản phẩm/năm, có kho hàng ở TP HCM, Hà Nội và đã có mặt tại một số hệ thống siêu thị.
Nhiều sản phẩm OCOP được bày bán tại Tuần lễ sản phẩm OCOP tại MM Mega Market
"Bánh phồng NaCaMa là sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh Cà Mau, được giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực. Công ty đang hướng đến chứng nhận OCOP 4 sao đầu tiên của tỉnh, đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu để đưa sản phẩm giá trị gia tăng từ con tôm ra thị trường nước ngoài, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế cho con tôm Cà Mau" - bà Kiều Phương nói thêm.
Công ty TNHH SX - TM Phúc Thịnh với thương hiệu bánh phồng NaCaMa là một điển hình phát triển, làm mới thành công sản phẩm OCOP, nâng giá trị cạnh tranh của sản phẩm làng nghề truyền thống địa phương trên thị trường. Ngoài công ty này, rất nhiều sản phẩm OCOP đang được các công ty, HTX, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất ở nông thôn trên cả nước phát triển, làm thương hiệu. Tỉnh Quảng Ninh - địa phương đầu tiên triển khai chương trình OCOP, đến nay đã có 435 sản phẩm OCOP, trong đó 191 sản phẩm đạt từ 3-5 sao, tuy nhiên mới có 17 sản phẩm được bày bán tại Big C Hạ Long.
Mới đây, trong chương trình Tuần giới thiệu tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Ninh tại Big C Hạ Long, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Tập đoàn Central Retail Việt Nam tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp (DN) OCOP có sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên kết nối vào hệ thống Big C. Kết thúc chương trình làm việc, tập đoàn này đã lựa chọn 8 đơn vị để đàm phán đưa sản phẩm vào hệ thống trong thời gian tới gồm: Dưa lưới, dưa leo baby của Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà; khoai lang, măng tây và tỏi đen của HTX Nông - Lâm - Ngư nghiệp Thái An, giò chả Quang Dần của HTX Giò chả Quang Dần (TP Móng Cái); mật ong Tiên Yên; trà hoa vàng Ba Chẽ; đông trùng hạ thảo Hạ Long; sữa An Sinh Đông Triều; nước mắm sá sùng Vân Đồn.
Tại thị trường phía Nam, tỉnh Bến Tre cũng đã tổ chức chương trình giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP và đặc sản Bến Tre vào TP HCM và các tỉnh, thành khác. Các DN có sản phẩm OCOP của tỉnh này vui mừng thông báo đã được kết nối sâu với các hệ thống phân phối lớn. Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho hay tỉnh đang tập trung toàn lực đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP năm 2020. Đây là con đường ngắn nhất để đưa các sản phẩm của địa phương đến với người tiêu dùng cả nước.
Phải hướng đến phát triển bền vững
Quá trình "lớn lên" nhanh chóng của sản phẩm OCOP trong thời gian qua có sự tham gia rất tích cực của các hệ thống phân phối bán lẻ. Các hệ thống như Big C, Saigon Co.op, MM Mega Market, Aeon... đã dành ưu tiên cho nhóm hàng này thông qua các tuần lễ, hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP. Hầu hết siêu thị đang tạo điều kiện tối đa cho sản phẩm OCOP bằng cách miễn phí toàn bộ, thậm chí đảm nhận luôn khâu giao nhận và hỗ trợ khuyến mãi, chấp nhận kinh doanh không có lãi để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Có siêu thị còn bố trí khu vực riêng cho sản phẩm OCOP để người tiêu dùng dễ nhận diện, mua sắm.
Tuy nhiên, đại diện bộ phận kinh doanh một hệ thống siêu thị nhận xét ngoại trừ một vài sản phẩm thật sự đặc sắc, phần lớn hàng OCOP chưa tạo được ấn tượng với người tiêu dùng như kỳ vọng. "Cũng có sản phẩm OCOP thật sự đặc sắc, chất lượng cao, giá cạnh tranh nhưng số sản phẩm dạng này không nhiều. Đa phần sản phẩm OCOP còn sản xuất nhỏ lẻ, chỉ có giấy chứng nhận OCOP chứ chưa đạt chứng nhận an toàn chất lượng theo yêu cầu của pháp luật hiện hành" - vị đại diện này nêu thực tế.
Cũng do quy mô sản xuất còn nhỏ nên khi được ký hợp đồng phân phối, những DN, HTX này gặp khó khăn trong việc đáp ứng đơn hàng, tuân thủ quy trình thu mua của nhà bán lẻ. "Vừa rồi, chúng tôi tổ chức tuần lễ sản phẩm OCOP, trưng bày hàng OCOP ở một số siêu thị nhưng khi đặt thêm họ không có hàng để giao. Về chất lượng, hiện nhà bán lẻ tạm chấp nhận "giấy bảo chứng" là chứng nhận OCOP nhưng về lâu dài, sản phẩm muốn được kinh doanh thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật" - vị này nói thêm.
Một vấn đề lớn của sản phẩm OCOP hiện nay là có sự trùng lắp về ý tưởng, sản phẩm giữa các DN, các địa phương. Chẳng hạn, ở nhiều tỉnh có những DN, HTX làm sản phẩm OCOP là trà đinh lăng dẫn đến thị trường "bội thực" mặt hàng này. "Các địa phương khi triển khai chương trình OCOP cần có quy hoạch, tính đến nhu cầu thị trường, đối tượng khách hàng, địa bàn tiêu thụ... để có quy hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Các địa phương khi làm chương trình OCOP cần chia sẻ thông tin, tập trung khai thác và hỗ trợ thế mạnh của nhau để tạo sự khác biệt.
Đầu tháng 10, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) đã làm việc với Liên minh HTX Việt Nam về định hướng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đại diện Saigon Co.op nhìn nhận hầu hết sản phẩm OCOP là nông sản tươi hoặc nông sản chế biến của các HTX. Hiện nhu cầu của khách hàng, nhà phân phối về nhóm sản phẩm này là có nhưng để phát triển dài hạn phải có sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cơ quan chức năng để bảo đảm chất lượng và sản lượng đáp ứng yêu cầu tiêu thụ. "Trong quá khứ, nhiều sản phẩm của làng nghề truyền thống hoặc các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp thời gian đầu rất tốt nhưng về sau không duy trì được, rất đáng tiếc" - đại diện Saigon Co.op nói.
900 sản phẩm được công nhận
Được thực hiện từ năm 2018 đến nay, Chương trình OCOP được Chính phủ xem là giải pháp, nhiệm vụ để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, phù hợp với nhiệm vụ cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, tạo môi trường cho các loại hình kinh tế ở khu vực nông thôn phát triển, nhất là phát triển HTX, DN nhỏ và vừa, đẩy mạnh phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh các địa phương và hình ảnh quốc gia.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương, tính đến đầu năm 2020, 61 tỉnh, thành phố đã phê duyệt đề án, kế hoạch, tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến hết năm 2020 là 3.843, vượt gần 1,6 lần so với mục tiêu 2.400 sản phẩm. Đã có 19 địa phương đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận cho 900 sản phẩm OCOP, đạt 33,16% so với kế hoạch 2.400 sản phẩm của 583 chủ thể tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 16 sản phẩm đề xuất 5 sao, 275 sản phẩm đạt 4 sao và 585 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Bình luận (0)