8 tháng đầu năm, sản xuất chế biến thực phẩm cả nước tăng 5,4%. Tuy nhiên, tại TP HCM, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm đến 5,8%. Đây cũng là ngành duy nhất trong 4 ngành sản xuất công nghiệp trọng yếu của TP HCM có IIP giảm. Dù vậy, vẫn có những doanh nghiệp (DN) tăng trưởng bứt phá nhờ biết khai thác lợi thế riêng.
Cơ hội trong thách thức
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Sản xuất Trí Việt Phát (TP HCM), cho biết DN có 2 sản phẩm mới tiêu biểu là sữa gạo lứt và trà kim quất mật ong rất được thị trường ưa chuộng nên dù kinh tế khó khăn nhưng công ty vẫn tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 8 tháng đầu năm, doanh số của DN gần bằng cả năm 2022. Cả 2 mảng nội địa (chiếm hơn 85%) và xuất khẩu đều tăng trưởng cao.
Để có được kết quả này giữa bối cảnh chung thị trường khó khăn, sức mua yếu, bà Vân Anh cho hay DN không ưu tiên bán hàng số lượng nhiều mà tập trung vào khai thác nhóm khách hàng khó tính trong nước. "Đây là phân khúc khách hàng có tiềm lực về tài chính, không bị ảnh hưởng khó khăn về kinh tế" - bà Vân Anh nhấn mạnh.
Sản xuất bánh nậm, bánh lọc xuất khẩu tại Sông Hương Foods. Ảnh: AN NA
Cũng theo bà Vân Anh, tuy là công ty gia đình nhưng DN luôn chú trọng quản lý tài chính chặt chẽ và luôn tái đầu tư, nâng cấp công nghệ để đáp ứng đơn hàng đòi hỏi chất lượng cao mà nhiều DN khác không làm được. Đồng thời, đầu tư cho đội ngũ nghiên cứu phát triển sản phẩm (R&D) để liên tục có sản phẩm mới, tạo xu hướng tiêu dùng cho khách hàng. Nếu chỉ bán sản phẩm cũ, một lúc nào đó khách hàng sẽ chán, không mua nữa.
Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods), cho biết 8 tháng đầu năm, doanh số của DN tăng 19% nhờ phát triển được thị trường mới và sản phẩm mới. Thị trường mới chủ yếu là xuất khẩu (Mỹ, Nhật Bản) các đặc sản gia truyền như: bánh nậm, bánh lọc, bánh gai, xôi, bánh giò - đều là những mặt hàng khách hàng có thể mua thường xuyên, đem lại doanh số cao cho công ty.
Trước xu hướng tiêu dùng thuần thực vật, Sông Hương Foods phát triển thêm nhiều sản phẩm chay như: nước mắm chay, cà pháo chay, bánh nậm bánh lọc chay để gia tăng doanh số. "Kênh siêu thị hiện giảm mạnh, chúng tôi đẩy mạnh bán online, cụ thể là livestream qua Tiktok Shop đang thu hút rất đông người tiêu dùng" - ông Tuấn nhận xét.
Theo ông Tuấn, từ nay đến cuối năm, sức mua sẽ tăng do nhu cầu mua sắm cuối năm nhưng dự báo sẽ không bằng năm ngoái do người tiêu dùng ngày càng khó tính trong mua hàng, giá trị hóa đơn giảm. Giải pháp mà DN thực hiện vẫn là tiếp tục khai thác thị trường mới và sản phẩm mới để giữ tăng trưởng.
Với Công ty CP Lương thực Thực phẩm Colusa-Miliket, bí quyết lội ngược dòng nằm ở việc nâng cấp sản phẩm, bao bì để tiếp cận hiệu quả hơn các thị trường xuất khẩu. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Colusa-Miliket, cho biết thị trường xuất khẩu chủ lực của DN là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... 5 tháng đầu năm 2023, doanh thu xuất khẩu của công ty tới 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Chúng tôi sử dụng loại giấy chất lượng, nhập khẩu từ Nhật Bản để đóng gói mì tôm Miliket. Sắp tới, công ty đưa công nghệ plasma trong y tế, ứng dụng công nghệ để thanh trùng sản phẩm tốt hơn nữa" - ông Tuấn cho biết.
Tập trung vào lối đi riêng
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP HCM (FFA), cho biết các sản phẩm lương thực thực phẩm của TP HCM và cả nước nói chung đã có mặt tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong bối cảnh thị trường nội địa còn nhiều khó khăn, lối ra cho DN là đẩy mạnh xuất khẩu, xúc tiến ở các thị trường mới và ít bị ảnh hưởng. "Thị trường châu Âu đang khó khăn nên cắt giảm chi tiêu. DN Việt Nam phải nhắm đến những thị trường ít bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine như Trung Quốc, Ấn Độ và các thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương" - ông Hiến phân tích.
Cũng theo ông Hiến, ngành thực phẩm không dễ tăng giá trong khi giá nguyên liệu có xu hướng tăng liên tục. Nếu DN giữ tư duy sản xuất ra rồi đem bán như trước sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí rủi ro. Bidrico đã chọn hợp tác gia công sản phẩm đồ uống cho các DN nước ngoài và có được nguồn thu vững chắc, giúp công ty duy trì tăng trưởng khoảng 25% trong 8 tháng qua.
"Khách hàng của chúng tôi là những DN mạnh ở châu Á, họ đặt gia công những sản phẩm rất mới. Từ tháng 5-2023, doanh thu từ khoản gia công này chiếm 25% toàn công ty, tăng khoảng 15% so với trước đó. Bên cạnh đó, công ty cũng tìm nguồn nguyên phụ liệu nội địa thay thế hàng nhập khẩu, vẫn bảo đảm chất lượng nhưng tiết kiệm được nhiều chi phí" - ông Hiến cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), chỉ ra rằng trong lúc hầu hết DN bị sụt giảm mạnh đơn hàng hoặc không có đơn hàng do khó khăn chung thì qua khảo sát của HUBA cho thấy những DN thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường, sản xuất xanh đang có đơn hàng dồi dào.
Một số DN không thể nhận thêm đơn hàng vì đã vận hành tối đa công suất. "Điều đó có nghĩa là sản xuất xanh, nói nôm na là "tấm hộ chiếu xanh" giúp DN vượt các rào cản và là lợi thế để DN mở rộng thị phần xuất khẩu, lẫn nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm, hàng hóa cho thị trường nội địa" - ông Hòa nói.
“Năm 2022, nhờ xanh hóa quy trình sản xuất mà Bibrico mang về doanh thu xuất khẩu tăng hơn 60% so với kế hoạch. Năm nay, yếu tố “xanh” trở thành lợi thế lớn giúp công ty đàm phán thành công các hợp đồng gia công” - ông Hiến dẫn chứng.
Bình luận (0)