Doanh nghiệp xuất khẩu là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T, nhà xuất khẩu trái cây tươi đi Mỹ lớn nhất hiện nay. Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty, cho biết qua gặp gỡ trong các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh Hưng Yên, ông đã được đưa đến khảo sát các vùng trồng nhãn của tỉnh. Công ty nhận thấy giống nhãn Miền Thiết ở đây rất thích hợp để xuất khẩu với các đặc tính: quả lớn, cùi dày, khô, hạt nhỏ, ăn giòn, vị ngọt thanh, thơm rất dễ cho bảo quản, vận chuyển đi xa và chất lượng vượt trội.
Do đó, công ty quyết định xuất khẩu thử lô đầu tiên để chào hàng cho đối tác. Trong đó, nguyên liệu được tỉnh Hưng Yên hỗ trợ, chi phí vận chuyển, chiếu xạ, làm thị trường công ty tự bỏ ra.
Ông Tùng tin tưởng với chất lượng thơm ngon và độ hiếm, nhãn tiến vua của Hưng Yên có khả năng sẽ bán cao hơn nhãn ido đang được xuất khẩu đại trà đi Mỹ với giá khoảng 20%. Nhờ đó sẽ bù được chi phí vận chuyển từ Hưng Yên vào TP HCM chiếu xạ trước khi xuất khẩu. Nếu lô hàng thành công, mùa nhãn năm 2018, công ty sẽ tổ chức thu mua và đóng gói tại Hưng Yên để tăng lượng thu mua, tiết kiệm chi phí và giữ chất lượng nhãn.
Nhãn tiến vua của Hưng Yên chuẩn bị xuất khẩu đi Mỹ - ẢNH: TẤN THẠNH
Để xuất khẩu đi Mỹ, nhãn lồng Hưng Yên được thu mua tại vùng nguyên liệu đã được phía Mỹ chấp nhận sau đó được đóng gói trong vòng 24 giờ sau khi hái. Nhãn được đóng trong các sọt nhựa, có lớp vải mùng bên ngoài để chống côn trùng, mỗi sọt trọng lượng tịnh 5kg. Trên bao bì có dán logo chỉ dẫn địa lý nhãn lồng Hưng Yên và ghi rõ xuất xứ Việt Nam.
Lô nhãn từ Hưng Yên được chở đến sân bay Nội Bài bằng xe lạnh để bay vào TP HCM. Hàng được chuyển về nhà máy ở Tiền Giang để loại bỏ trái hư, cắt tỉa cành, đóng gói. Sau đó, từ Tiền Giang chở bằng xe lạnh về lại TP HCM để chiếu xạ và xuất đi Mỹ đi bằng tàu biển.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Cảnh Hưng, giám đốc Trung tâm Khuyến Công và xúc tiến thương mại tỉnh Hưng Yên, cho biết tỉnh hiện có 3.200 ha trồng nhãn, sản lượng khoảng 40.000 tấn/năm. Trong đó, có 2 vùng trồng ở xã Hồng Nam (50 ha) và xã Hàm Tử (20 ha) thuộc huyện Khoái Châu, sản lượng khoảng1.350 tấn/năm đã được cấp mã số vùng trồng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nếu việc bán hàng ở thị trường Mỹ tốt, nông dân Hưng Yên hoàn toàn tăng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn của Mỹ.
Nhãn lồng Hưng Yên mỗi năm chỉ thu hoạch một vụ, từ đầu tháng 8 đến hết tháng 9 hằng năm và tiêu thụ chủ yếu tại các thành phố lớn trong cả nước, hệ thống các siêu thị lớn là chất lượng cao, bán tươi. Khi thu hoạch nhãn, có khoảng 20-30% sản lượng quả chất lượng thấp được thu mua để chế biến long nhãn (nhãn bóc vỏ, bỏ hạt, sấy khô), được thị trường Trung Quốc ưa chuộng.
Nhãn lồng Hưng Yên nổi tiếng cả nước về chất lượng. Đầu năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý nhãn lồng Hưng Yên cho các khu vực địa lý gồm: TP Hưng Yên, huyện Khoái Châu, huyện Tiên Lữ, huyện Kim Động.
Bình luận (0)