icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cần thoát khỏi tư duy mua đứt bán đoạn mà phải hình thành niềm tin cho nông dân

Báo Người Lao Động

(NLĐO) - Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng các doanh nghiệp cần thoát khỏi tư duy thuận mua vừa bán, mua đứt bán đoạn mà phải hình thành niềm tin cho nông dân, phát huy vai trò dẫn dắt để hình thành hệ sinh thái xung quanh doanh nghiệp và người nông dân

Chiều 27-4, Báo Người Lao Động tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Văn phòng Đại diện khu vực ĐBSCL (1.5.1998 - 1.5.2023) tại Khách sạn Mường Thanh, TP Cần Thơ.

Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, Báo Người Lao Động phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo "Nâng tầm nông - thủy sản Việt". 

Cần thoát khỏi tư duy mua đứt bán đoạn mà phải hình thành niềm tin cho nông dân - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan chủ trì hội thảo "Nâng tầm nông - thủy sản Việt"

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đại diện lãnh đạo TP HCM và các tỉnh - thành ĐBSCL: Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, cùng nhiều chuyên gia, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp và nông dân nuôi trồng nông sản, thủy sản.

Cần thoát khỏi tư duy mua đứt bán đoạn mà phải hình thành niềm tin cho nông dân - Ảnh 2.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam tuy đứng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 2 Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản với năng lực sản xuất đạt trên 140 triệu tấn/năm nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu thô nên giá trị thu về chưa tương xứng tiềm năng. Ở thị trường trong nước, sản phẩm nông nghiệp nhiều thời điểm rơi vào tình trạng "được mùa rớt giá",  nông dân có thu nhập bấp bênh.

Vì thế, hội thảo nhằm nhận diện sâu thực trạng của ngành sản xuất - chế biến nông - thuỷ sản; bàn giải pháp phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững với những sản phẩm có tính cạnh tranh cao ở cả thị trường xuất khẩu lẫn trên "sân nhà", qua đó mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới không ngừng biến động, tác động không nhỏ đến thị trường xuất khẩu cũng như thị trường trong nước, Báo Người Lao Động mong muốn có thể chung tay, góp sức tìm giải pháp để vực dậy thị trường, nâng tầm nông – thủy sản, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 01 của Chính phủ cũng như mục tiêu mà Bộ NN-PTNT đề ra là phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản từ 54 - 55 tỉ USD năm 2023.

Ban Tổ chức chân thành cảm ơn các đơn vị tài trợ:

1. NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT NAM

2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HIẾN

3. CÔNG TY CP THƯƠNG MẠI KHẢI HOÀN

4. CÔNG TY CP TẬP ĐOÀN LỘC TRỜI

5. CÔNG TY TÀI CHÍNH TNHH NGÂN HÀNG VIỆT NAM THỊNH VƯỢNG SMBC

Tiêu điểm sự kiện

    17:55 ngày 27/04/2023

    Nhà báo, TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động

    Thay mặt Ban Biên tập Báo Người Lao Động và những người làm chương trình hội thảo "Nâng tầm nông – thủy sản Việt", tôi trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các nhà khoa học, lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL và các DN, khách mời đã dành thời gian về với ĐBSCL và hội thảo hôm nay.

    undefined - Ảnh 1.

    Nhà báo, TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động

    Chúng ta có thể thấy trong vòng mấy năm qua, nhiều lĩnh vực của ngành nông nghiệp đã có những thay đổi nhất định. Đó là sự cố gắng rất lớn, đương nhiên là vai trò của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, còn lại là các nhà khoa học, nhà khoa học, nhà nông là rất quan trọng.

    Hội thảo hôm nay nhằm góp một phần nhỏ vào sự thay đổi đó. Chúng tôi chọn hai chủ đề: Một là các giải pháp nhằm xóa tình trạng giải cứu nông sản. Nếu không đặt nền tảng từ bây giờ thì mãi mãi chúng ta cũng không làm được nhưng muốn giải quyết được vấn đề này phải có kế hoạch sản xuất, phải truyền thông, phải hướng dẫn cho người nông dân.

    Địa phương và các hiệp hội, cơ quan chức năng, các nhà khoa học phải ngồi lại với nhau. Cuộc hội thảo này cũng là để chúng ta ngồi lại với nhau, cùng nói lên tiếng nói, cùng tìm ra giải pháp. Chúng tôi không mong rằng hội thảo này giải được tất cả vấn đề nhưng sẽ là những bước đầu tiên trong cả quá trình gỡ rối. Chúng tôi hy vọng từng bước giải quyết được vấn đề giải cứu nông sản.

    Xuất khẩu nông sản của chúng ta phụ thuộc rất lớn vào 1 đối tác dẫn đến tắc đầu ra, giải quyết nội địa không hết thì phải "giải cứu". Do vậy, chúng ta phải tăng cường chế biến sâu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới.

    Chủ đề thứ hai trong hội thảo hôm nay là nâng cao giá trị, nâng tầm cho nông sản Việt. Có nhiều anh chị nói rằng là đề tài này đã đặt ra lâu rồi, bây giờ vẫn đặt ra. Xin thưa cái tầm là không bao giờ kết thúc. Trong hội nhập toàn cầu, nếu không tiếp tục nâng tầm lên sẽ bị loại bỏ.

    Nông sản của Việt Nam ra thế giới khác hẳn so với trước đây. Trái cây Việt Nam có mặt trên quầy kệ siêu thị những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản… rất nhiều, rõ ràng cái tầm đã có sự thay đổi.

    Ý kiến của PGS-TS Nguyễn Minh Đức, GS-TS Võ Tòng Xuân và kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho chúng ta thấy có rất nhiều giải pháp cho vấn đề này và phải được thực hiện từng bước. Trong đó có vai trò của truyền thông.

    Nhận thức rõ trách nhiệm của cơ quan truyền thông, thời gian qua Báo Người Lao Động đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm về nông nghiệp để giúp tháo gỡ khó khăn cho nông dân, làm sao nâng cao đời sống cho nông dân và tạo ra giá trị lớn hơn cho nông sản Việt Nam, mang lại lợi ích cao nhất cho đất nước.

    Cách đây gần 2 tháng, Báo Người Lao Động đã tổ chức hội thảo "Nâng cao giá trị cà phê Việt" dưới sự tham gia và chủ trì của Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Hội thảo đặt ra rất nhiều vấn đề. Nhiều DN cho biết hội thảo cho họ rất nhiều ý tưởng mới, chắc chắn họ sẽ đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh cà phê vì giá trị của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới còn khá thấp, nếu tập trung làm tốt hơn nữa, xuất khẩu cà phê có thể tăng lên gần gấp đôi, tức là khoảng 10 tỉ USD (hiện nay khoảng 6 tỉ USD). Trong khi đó, 600.000 nông dân Việt Nam đang tham gia trồng cà phê, đời sống bà con còn bấp bênh, điệp khúc được mùa rồi chặt bỏ vì mất giá vẫn còn diễn ra liên tục.

    Kế tiếp, chúng tôi tổ chức hội thảo này trong bối cảnh kỷ niệm 25 năm thành lập Văn phòng ĐBSCL của Báo Người Lao Động và chuẩn bị vài ngày nữa, chúng ta kỷ niệm 48 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

    Sáng nay, Báo Người Lao Động đã phối hợp với Thành phố Cần Thơ, Liên đoàn Lao động Cần Thơ và các địa phương khánh thành đường cờ Tổ quốc đi qua Phong Điền và Ninh Kiều dài 8km với 500 trụ cờ. Hôm nay là một ngày rất đặc biệt đối với Báo Người Lao Động. Một lần nữa xin chân thành cảm ơn các đồng chí, các anh chị đã dành thời gian quý báu, có nhiều anh chị ở rất xa, đã dành thời gian đi ôtô về đây để dự với Báo Người Lao Động.

    17:21 ngày 27/04/2023

    Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan

    Cần thoát khỏi tư duy thuận mua vừa bán, mua đứt bán đoạn

    Mỗi lần về ĐBSCL tôi đều rất vui vì gặp nhiều người quen nhưng cũng nhiều trăn trở.

    Tôi vừa đọc 2 quyển sách là "Nghĩ ngược lại, làm khác đi". Có lẽ chúng ta nên nghĩ ngược lại và làm khác đi, chuyển từ tư duy chính thức sang tư duy phi chính thức, đường cũ đi hoài giờ phải tìm đường mới mà đi. Quyển thứ 2 là 1 quyển của Nhật là "Bán nông, bán X", tôi đọc quyển này thấy họ thành công trong khó khăn như mình, đó là xung đột giữa quá trình đô thị hóa với quá trình giữ lại nông nghiệp.

    undefined - Ảnh 1.

    Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan

    Ông bà mình có 1 câu rất hay: đầu có xuôi thì đuôi mới lọt. Câu chuyện giải cứu 1 kg xoài bằng 1 kg trà đá; bưởi Bến Tre mới xuất khẩu được giá trên 100.000 đồng/kg, đùng cái còn mấy chục ngàn đồng/kg, bà con loay hoay đốn bưởi để trồng sầu riêng… vẫn đang diễn ra.

    Chúng ta đang nói nâng tầm nông thủy sản, cần phải nhớ nền nông nghiệp đa phần nhỏ lẻ, manh mún, tự phát và không phải lúc nào liên kết với nông dân cũng suông sẻ. Do sản xuất manh mún nên chất lượng không đồng đều, sản xuất nhỏ lẻ nên chi phí cao, tự phát nên xung đột, cạnh tranh lẫn nhau.

    Sóc Trăng mời gọi DN đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nhưng thực tế, DN sẽ không về nếu tỉnh không trả lời được câu hỏi mua nguyên liệu ở đâu? nông dân có giữ chữ tín không? Tỉnh có cam kết nông dân giữ cam kết trong hợp đồng bao tiêu không? Nếu không trả lời được các câu hỏi đó thì phải tổ chức lại sản xuất, ngành hàng, nông dân.

    Việt Nam bước qua ngưỡng 100 triệu dân, đứng thứ 15 thế giới và thứ 2 Đông Nam Á. Chúng ta cần thoát khỏi tư duy thuận mua vừa bán, mua đứt bán đoạn mà phải hình thành niềm tin cho nông dân, phát huy vai trò dẫn dắt để hình thành hệ sinh thái xung quanh DN với nông dân.

    undefined - Ảnh 2.

    Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng ngành nông nghiệp cần thoát khỏi tư duy thuận mua vừa bán, mua đứt bán đoạn mà phải hình thành niềm tin cho nông dân

    Tư duy mùa vụ, DN tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Tại hội thảo này có TTC, Lộc Trời và nhiều DN lớn, tôi mong rằng mỗi DN ở ĐBSCL cùng ngồi lại, chuyển từ tư duy thuận mua vừa bán sang tư duy hợp tác đường dài.

    Hiệp hội ngành hàng rau củ quả, thuỷ sản thật sự phải trở thành 1 hiệp hội cùng kiến tạo không gian phát triển với địa phương từng vùng.

    Tôi cũng mong muốn Báo Người Lao Động và các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, kết nối để góp phần kết nối thương lái, DN, hiệp hội với nông dân thành 1 khối để đi xa. Thành công của TTC, Lộc Trời là dẫn chiếu để có thể có nhiều điển hình thành công khác.

    16:33 ngày 27/04/2023

    Ông Nguyễn Thanh Xuân – Phó Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực Tây Nam Bộ

    Agribank hiện cung ứng trên 220 sản phẩm dịch vụ hiện đại, tiện ích phục vụ hơn 20 triệu khách hàng có tài khoản thanh toán, hơn 15 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử và trên 4 triệu khách hàng vay vốn trên khắp mọi vùng miền cả nước. Tính đến nay, tổng tài sản của Agribank đạt trên 1,89 triệu tỉ đồng, nguồn vốn đạt trên 1,71 triệu tỉ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,44 triệu tỉ đồng. Agribank đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế, trong đó gần 70% tổng dư nợ cho vay của Agribank là phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chiếm tỉ trọng lớn nhất trong dư nợ tín dụng "Tam nông" tại Việt Nam.

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Nguyễn Thanh Xuân – Phó Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực Tây Nam Bộ

    Riêng khu vực ĐBSCL, Agribank hiện có 307 điểm giao dịch từ tỉnh/thành phố đến quận/huyện và với 329 máy ATM, 107 máy CDM (máy nộp tiền mặt) và 3 máy Agribank Digital để phục vụ khách hàng một cách thuận tiện, nhanh chóng nhất.

    Tính đến tháng 4/2023, tổng vốn huy động toàn khu vực đạt 187.000 tỉ đồng, tổng dư nợ224.000 tỉ đồng, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt trên 184.000 tỉ đồng (chiếm tỷ trọng trên 82% trên tổng dư nợ).

    Riêng cho vay đối với các lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản đạt gần 89.000 tỉ đồng. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp đạt 66.000 tỉ đồng, ngành thủy sản (khai thác, nuôi trồng, sản xuất giống) đạt 23.000 tỉ đồng, gần 380.000 khách hàng.

    Để hướng tới nâng tầm nông thủy sản, ĐBSCL phải tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp BĐSCL.

    Để đạt được những mục tiêu nêu trên, tôi xin nêu ra một số vấn đề cần quan tâm:

    Thứ nhất về vốn, các chi nhánh của Agribank trong khu vực đa số sử dụng phần vốn vay của trụ sở chính để đầu tư cho vay tại địa phương, vì vốn huy động tại các địa phương chỉ đáp ứng từ 65 đến 70% nhu cầu. Do vậy, Agribank rất cần đến những nguồn vốn có tính ổn định cao, nguồn vốn trung và dài hạn; và Agribank tin tưởng rằng sẽ đón nhận nhiều hơn nữa sự tin tưởng và ủng hộ của các cơ quan, ban ngành của Trung ương và địa phương để đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trọng điểm của các tỉnh trong khu vực.

    Thứ hai, hoạt động tín dụng của Agribank về lĩnh vực nông sản, thủy sản đôi khi gặp nhiều rủi ro, như: rủi ro về giá, rủi ro về thời tiết, dịch bệnh, ... Tuy nhiên, với sứ mệnh phục vụ Tam Nông, Agribank luôn đồng hành, sẻ chia cùng khách hàng.

    Thứ ba, căn cứ chỉ đạo của Chính phủ về quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và chỉ đạo của các Bộ ngành có liên quan và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương, lựa chọn cây, con, ngành kinh tế trọng điểm cần tập trung ưu tiên vốn để xây dựng chiến lược đầu tư phù hợp. 

    Thứ tư, tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững"; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bảo đảm sự phù hợp giữa quy hoạch tổng thể với quy hoạch của từng vùng, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu thị trường. 

    Cuối cùng, Agribank tiếp tục ưu tiên và có giải pháp cụ thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ "Tam Nông", khách hàng bán lẻ, khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng FDI gắn với việc sử dụng trọn gói các sản phẩm dịch vụ của Agribank; tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực "xanh", bảo vệ môi trường theo định hướng của NHNN về tăng trưởng xanh và bền vững. Đặc biệt là các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản; nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái; sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, theo mô hình liên kết chuỗi giá trị.

    16:07 ngày 27/04/2023

    PGS-TS Nguyễn Minh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến

    Cần phải tư duy lại nền nông nghiệp

    Những ý kiến tôi nghe tại hội thảo hôm nay cũng giống như những gì tôi đã viết cách đây 15 năm.

    Trong những ngành ít tuyển được sinh viên thì nông lâm thuỷ sản tuyển được ít nhất. Tôi phải giới thiệu cho sinh viên mình đi làm ở các công ty nước ngoài; các kỹ sư có kỹ năng, kỹ thuật khi vào các doanh nghiệp thủy sản lớn lại được bố trí vào khâu kinh doanh, hậu mãi.

    Tôi tâm đắc ý của Bộ trưởng Lê Minh Hoan là cần phải tư duy lại nền nông nghiệp, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ sản lượng sang số lượng và tự tin hơn vào kỹ năng của chúng ta.

    undefined - Ảnh 1.

    PGS-TS Nguyễn Minh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến

    20 năm trước chúng ta lo thiếu ăn nhưng giờ dù có COVID-19 cũng không thiếu hàng hóa nên phải ăn ngon thay vì ăn no. Chúng ta phải tự tin hơn, làm thế nào Nhà nước, hiệp hội cùng các địa phương phải tập trung xây dựng những doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành nông nghiệp. Kỹ năng chế biến của chúng ta đã rất hiện đại, chúng ta là 1 trong 3 nhà xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới nên không có gì phải tự ti. 

    Theo tôi, chúng ta làm sao có nguyên liệu rẻ nhất để sản xuất sản phẩm chất lượng cao bán ra toàn cầu. Thứ 2 cần tiêu chuẩn hoá theo nước ngoài. Chúng ta có rất nhiều tiêu chuẩn (khoảng 23 tiêu chuẩn), mỗi địa phương còn có tiêu chuẩn con dẫn đến nông dân không thể đáp ứng hết được. Vì vậy, cần có DN dẫn đầu, tổ hợp tác hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn và tổ chức thu mua, sản xuất, chế biến, thương mại hoá theo hướng nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp.

    Liên quan đến tiêu chuẩn môi trường, chúng ta cần tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc. Một sản phẩm, ví dụ ly sữa, miếng thịt bò… từ trang trại nào sản xuất, hiện chúng ta chưa biết. Muốn xây dựng 1 chuỗi giá trị phải dựa trên nâng cao chất lượng toàn chuỗi. Gần đây, có thông tin châu Âu cấm nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ rừng bị phá. Vậy tôm chúng ta mua ở đâu? có phải từ rừng ngập mặn không? có phải chứng minh được không phải từ rừng ra để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào châu Âu? Tôi rất lo về điều này.

    Cuối cùng là việc xây dựng thương hiệu phải xuất phát từ cá nhân, doanh nghiệp đến thương hiệu quốc gia dưới sự dẫn dắt của Chính phủ.

    15:52 ngày 27/04/2023

    Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu


    undefined - Ảnh 1.

    Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu

    Từ khi có Nghị quyết số 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về "phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu" đến nay đã thực sự tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách; xây dựng, triển khai các quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chuyên ngành phù hợp với điều kiện cụ thể, quy luật tự nhiên "thuận thiên", chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, sống chung với hạn, mặn. 

    Có thể nói, Nghị quyết đã mang lại luồng sinh khí mới, tạo sự quan tâm sâu rộng cũng như tạo nên tiếng nói chung cho sự phát triển bền vững của Vùng ĐBSCL, đây là cơ sở để chúng ta tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế biến "nguy thành cơ". Hiện nay chúng ta đang chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường.

    Trên cơ sở đó, tỉnh Bạc Liêu đã xác định và chỉ đạo triển khai thực hiện "Nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo" là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với nhiều giải pháp nhằm nâng tầm nông - thủy sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP; xây dựng mô hình nông nghiệp điển hình dựa trên các lợi thế, đặc thù của tỉnh.

    Với lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước đa dạng, với 3 vùng sinh thái (mặn, lợ, ngọt) nên, Bạc Liêu rất thuận lợi trong phát triển nông nghiệp. Đặc biệt là phát triển nuôi trồng thủy sản, với diện tích trên 140.000 ha; với nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao hàng đầu quốc gia. 

    Là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của cụm sản xuất, chế biến, xuất khẩu, tiêu thụ tôm của vùng ĐBSCL, Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng đề án Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, và UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước tại Quyết định số 214/QĐ-UBND ngày 28/7/2020. 

    Từ những lợi thế đó, thời gian qua tỉnh đã đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất, triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị sản phẩm và đạt được nhiều thành quả quan trọng, khẳng định việc xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước là hết sức quan trọng và có ý nghĩa to lớn cả về trước mắt lẫn lâu dài; không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn khẳng định đây là hướng đi đúng, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tăng nhanh năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng và bền vững gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường, hướng đến tạo thương hiệu "tôm sạch Bạc Liêu".

    Dù vậy, ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn như:

    (1) Về môi trường và cơ sở hạ tầng: Nhất là biến đổi khí hậu, nước biển dâng; môi trường nước có nguy cơ ô nhiễm (do việc xả thải trong sinh hoạt, hoạt động sản xuất của các công ty, doanh nghiệp, nguồn nước bị nhiễm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ việc sản xuất nông nghiệp vùng ngọt và ảnh hưởng của việc xả thải từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh,…), dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra ngày càng nhiều. 

    Thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản nói chung, trong nuôi tôm nói riêng, nhất là trang bị đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải đảm bảo theo quy định trước khi thải ra môi trường (Hầm Biogas, ao chứa thải xử lý,...) và tỉnh cũng ban hành quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, kiên quyết có chế tài xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

    Tuy nhiên, vấn đề này thời gian qua tỉnh còn nhiều khó khăn do hệ thống hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản của tỉnh còn yếu, thiếu, hệ thống thủy lợi không thể tách riêng (hệ thống kênh cấp và hệ thống kênh thoát). Các công trình Cầu, Cống theo tuyến đê biển Đông làm chậm nên dẫn đến thiếu nước cung cấp vùng sản xuất.

    (2) Khó khăn về chi phí đầu vào như: con giống, thức ăn, chế phẩm xử lý môi trường,… đều tăng rất mạnh, giá tôm không ổn định. Nguồn tôm giống chất lượng chưa được người nuôi quan tâm.

    (3) Quản lý ngành công nghiệp phụ trợ (giống, thức ăn, thức ăn bổ sung, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, sản phẩm xử lý môi trường,…) cũng rất khó khăn, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng thường xuyên xảy ra gây nguy hại cho người tiêu dùng và gây thiệt hại đối với sản xuất của nông, ngư dân.

    (4) Việc tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế và chậm thay đổi, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sản xuất truyền thống, một bộ phận thiếu vốn đầu tư cũng như thiếu các thông tin kỹ thuật mới và trình độ trong việc áp dụng các khoa học kỹ thuật (đa số lao động trẻ có xu hướng ra thành thị làm việc, lao động nông thôn chủ yếu là người lớn tuổi nên việc tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ còn hạn chế).

    (5) Mô hình hợp tác, liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp bước đầu được triển khai nhưng còn bất cập về phương thức đầu tư, liên kết bao tiêu sản phẩm, quy mô sản xuất thủy sản chủ yếu là kinh tế hộ, còn manh mún, nhỏ lẻ, sản lượng sản xuất chưa đủ lớn, tập trung. Chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

    (6) Tỉnh chưa xây dựng và phát triển được thương hiệu. Hiện nay, tỉnh đang đẩy nhanh xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Tôm sạch Bạc Liêu" cho sản phẩm tôm của tỉnh Bạc Liêu và tăng cường hướng dẫn, mã số ao nuôi.

    (7) Người dân chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm và tầm quan trọng của việc đăng ký cấp mã số đối tượng nuôi chủ lực; chưa thấy được quyền lợi từ việc đăng ký mã số cơ sở nuôi.

    (8) Một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa nắm bắt kịp các tiêu chuẩn, yêu cầu của nước nhập khẩu như "Lệnh 248" về quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và "Lệnh 249" về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Đã ảnh hưởng một phần trong chuỗi cung ứng thủy sản (do không đáp ứng các yêu cầu, bị trả hàng) các doanh nghiệp này gặp khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu. Đây có thể nói là khó khăn lớn của các công ty, doanh nghiệp trong sản xuất, xuất khẩu thủy sản và cũng là cơ hội để chuẩn hóa ngành hàng thủy sản theo các yêu cầu của quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh và đảm bảo an toàn thực phẩm.

    15:34 ngày 27/04/2023

    Ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP)

    Sau 25 năm hoạt động, VASEP đã góp phần quan trọng đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt mốc kỷ lục 11 tỉ USD trong năm 2022, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (chỉ sau Trung Quốc, Na-uy).

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Trương Đình Hoè

    Bài toán giá thành, sản lượng

    Hiệp hội đã đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đến năm 2025 sẽ đạt từ 12,5 tỉ USD đến 14 tỉ USD. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh một số cơ hội, lợi thế, Hiệp hội đồng thời nhận diện được nhiều khó khăn, thách thức đang ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành.

    Đặc biệt trong bối cảnh năm 2023, xuất khẩu thủy sản đối mặt với tình hình lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường chính và tác động xấu đến sản xuất trong nước; chi phí sản xuất nguyên liệu tăng cao cùng với sự tăng giá bao bì, vật tư, năng lượng, nhân công; các DN chế biến - xuất khẩu hải sản khai thác gặp nhiều khó khăn từ các quy định về IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp)...

    Trước diễn biến hiện nay, các DN sẽ tập trung triển khai các biện pháp như: chủ động, tìm kiếm, cân đối nguồn nguyên liệu và tài chính để giữ khách hàng truyền thống và sẵn sàng nguồn cung khi thị trường hồi phục; điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu và cơ cấu sản phẩm

    Nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất phục vụ xuất khẩu và gia công xuất khẩu cho các thị trường nhằm tận dụng năng lực chế biến, tăng kim ngạch xuất khẩu và duy trì việc làm ổn định cho người lao động.

    Tận dụng hơn nữa ưu đãi thuế quan của các hiệp định thương mại tự do để giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới.

    Tích cực tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế, tham gia các chương trình giao thương B2B tìm kiếm đối tác, tăng đơn hàng.

    undefined - Ảnh 2.

    Đối với ngành thủy sản, khu vực ĐBSCL có vai trò đặc biệt quan trọng khi tập trung nhiều vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến thủy sản. ĐBSCL cũng là trung tâm sản xuất thủy sản của cả nước, cung ứng gần như toàn bộ nguyên liệu tôm, cá tra cho các nhà máy chế biến xuất khẩu trong cả nước, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ ba về xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, có thể nói hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống logistics, hệ thống sản xuất, dịch vụ phụ trợ của ĐBSCL phát triển chưa tương xứng. 

    ĐBSCL vẫn chưa có nhiều vùng nuôi tôm tập trung, quy mô trang trại, chưa có cảng biển đón tàu container cũng như hệ thống cung ứng và phân phối vật tư, nguyên liệu phải qua nhiều khâu trung gian khiến cho giá thành sản xuất còn cao và khó cạnh tranh. Đây là những trở ngại cơ bản để xuất khẩu thủy sản có thể bắt kịp với xu hướng hiện nay khi mà thị trường thế giới ngày càng quan tâm nhiều đến an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cũng như phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

    Đơn cử, các đối thủ của ngành tôm Việt Nam trên thế giới như: Ecuador, Ấn Độ nhờ có vùng nuôi tập trung nên đã kiểm soát tốt dịch bệnh, truy xuất được nguồn gốc, ứng dụng khoa học kỹ thuật và quản lý tốt chi phí nên đã cạnh tranh mạnh với tôm Việt Nam trong vài năm gần đây, dù trình độ chế biến tôm của Việt Nam cao hơn hẳn.

    undefined - Ảnh 3.

    Nuôi tôm ở ĐBSCL. Ảnh: Ngọc Trinh

    Làm gì để xuất khẩu ĐBSCL cất cánh?

    Để ngành xuất khẩu thủy sản ĐBSCL cất cánh, VASEP kiến nghị Chính phủ và địa phương các cấp một số nhóm vấn đề, bao gồm:

    1. Duy trì và phát triển năng lực sản xuất nguyên liệu

    - Đầu tư mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng sản xuất giống thủy sản, các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ nuôi trồng là giải pháp quan trọng để ngành nuôi trồng thủy sản phát triển hiệu quả, bền vững.

    - Khuyến khích DN, tư nhân đầu tư vào các trung tâm sản xuất giống bố mẹ, nâng cấp các trại sản xuất giống cung cấp cho ĐBSCL.

    - Kiến nghị Chính phủ sửa đổi Luật Đất đai cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề tích tụ ruộng đất, hạn điền, quy định sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất để phát triển được các vùng nuôi và sản xuất giống tập trung phù hợp.

    - Quy hoạch chi tiết để phát triển các mô hình nuôi tôm độc đáo của BĐSCL như tôm rừng, tôm lúa, tôm sinh thái, tôm sú quảng canh...

    - Tái cấu trúc mạnh mẽ hoạt động cung cấp giống cá tra ở BĐSCL trong tất cả các công đoạn từ giống bố mẹ đến khâu phân phối cá giống nhằm tăng tỉ lệ nuôi thành công, hạ giá thành, chất lượng tốt.

    - Quy hoạch và có chính sách bảo tồn nguồn lợi biển, quy định những vùng nuôi, những loài hải sản được khai thác với kích cỡ nhất định. Khuyến khích đầu tư, nghiên cứu phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển ở ĐBSCL.

    2. Phát triển hệ thống logistics:

    - Xây dựng Cảng Cái Cui ở TP Cần Thơ trở thành cảng container chính của khu vực nhằm kịp thời giảm chi phí và rút ngắn thời gian vận chuyển cho hàng hóa thủy sản xuất khẩu. Đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hệ thống giao thông kết nối cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không một cách thuận tiện. Mở rộng hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng hàng không để xuất khẩu những hàng hóa đặc thù, giá trị của ĐBSCL đi các nước.

    - Phát triển các công ty dịch vụ logistics tích hợp, mạnh tại ĐBSCL, nhất là tại Cần Thơ, đáp ứng nhu cầu phát triển xuất khẩu của khu vực, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp dịch vụ logistics phát triển cung cấp dịch vụ trực tiếp tại khu vực.

    - Quan tâm phát triển các trung tâm giao dịch thủy sản, các chợ đầu mối thủy sản tại các vùng nguyên liệu, các kho lạnh thương mại trong khu vực. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động logistic nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

    3. Khuyến khích đầu tư các cơ sở cung ứng và phân phối vật tư cho nghề nuôi thủy sản

    4. Tập trung đầu tư và phát triển nguồn nhân lực, trong đó các trung tâm nghiên cứu khoa học rất cần thiết.

    15:27 ngày 27/04/2023

    Bà Hồ Thị Tuyết Vân – Giám đốc Khối thương mại Công ty CP Nông sản Lộc Trời (thành viên Tập đoàn Lộc Trời)

    Gần 3 thập kỷ gắn bó với nông nghiệp, tập đoàn Lộc Trời đã và đang xây dựng hệ sinh thái với chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững dần hoàn thiện. Là một thành viên tích cực của hệ sinh thái Lộc Trời, với vị thế là điểm khởi đầu trong chuỗi giá trị nông sản, Công ty CP Nông sản Lộc Trời đã chủ động mở rộng kênh đối tác, ký kết các đơn hàng đặt trước từ 4 tháng đến 1 năm, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thành viên như Giống Cây Trồng và Vật tư nông nghiệp, Dịch vụ Nông nghiệp cùng "Đồng tâm, Hiệp lực", nâng tầm quy mô sản xuất và ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng quy trình canh tác khoa học, bộ sản phẩm bảo vệ và nuôi dưỡng cây trồng hài hòa 3 yếu tố hóa học – hữu cơ – sinh học, các giải pháp công nghệ để tăng năng suất, tăng chất lượng và đảm bảo tiến độ giao hàng cho các đối tác trong nước và quốc tế. 

    Bên cạnh đó, thông qua việc áp dụng quy trình canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP 100, trong năm 2022, tập đoàn đã được cấp giấy chứng nhận về năng lực tạo tín chỉ carbon cung cấp cho thị trường thế giới, đây là thành công bước đầu để Lộc Trời hướng đến việc giảm phát thải khí nhà kính trên toàn bộ diện tích vùng trồng cũng như để Công ty CP Nông sản Lộc Trời khẳng định các sản phẩm gạo do đơn vị cung ứng đều được canh tác theo các quy trình hướng đến việc giảm phát thải khí nhà kính.


    undefined - Ảnh 1.

    Bà Hồ Thị Tuyết Vân

    Công ty CP Nông sản Lộc Trời cũng đã và đang chứng minh uy tín và năng lực của mình thông qua lượng hàng nội địa và xuất khẩu tăng cao cùng với chất lượng và giá trị từng lô hàng. Thương hiệu gạo Hạt Ngọc Trời đang từng bước tăng thị phần nội địa. Bên cạnh các sản phẩm gạo trắng, gạo thơm đóng túi thương hiệu như gạo Hạt Ngọc Trời Thiên Vương, gạo Hạt Ngọc Trời Tiên Nữ,… người tiêu dùng còn có thể lựa chọn các sản phẩm gạo lứt tím, gạo mầm dinh dưỡng Vibigaba hay gạo lứt đặc sản Sức Sống Mekong để đa dạng hóa những bữa cơm gia đình. 

    Và Công ty CP Nông sản Lộc Trời cũng từng bước đàm phán với các đối tác nước ngoài để mở rộng thị phần cho gạo Cơm Việt Nam Rice tại thương trường quốc tế. Với ước mơ nâng tầm gạo Việt xuất khẩu, để nông sản Việt không còn vô danh trên thương trường quốc tế và để đồng bào Việt Nam dù có sinh sống ở bất kỳ nơi nào trên thế giới vẫn có thể thuận tiện dùng sản phẩm của quê hương mình, tháng 9/2022, Cơm ViệtNam Rice chính thức lên kệ hai đại siêu thị Carrefour và Leclere tại Pháp. Năm 2023, dòng gạo thương hiệu này của Lộc Trời được tiếp tục mở rộng thêm vào các thị trường lớn khác như Đức, Hà Lan tại châu Âu. 

    Để đạt mục tiêu này, Lộc Trời đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ cách đây 10 năm với sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong hệ sinh thái liên tục cố gắng, không ngừng nâng cao sản lượng và chất lượng nông sản, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính nhất. Với hệ thống 16 nhà máy cơ hữu và liên kết, sấy 20.000 tấn/ngày, Công ty CP Nông sản Lộc Trời đã bao tiêu trên 2 triệu tấn lúa hàng hoá, cung cấp trên 1 triệu tấn gạo, nếp xay xát đạt các tiêu chuẩn quản lý chất lượng khắt khe như BRCGS, SMETA, HACCP, HALAL,… cho thị trường trong nước và cung ứng xuất khẩu.

    Với nhiều danh hiệu, giải thưởng như: Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, danh hiệu OCOP 5 sao cấp quốc gia, sản phẩm gạo Hạt Ngọc Trời 5 năm liền nhận giải thưởng Hàng Việt Nam Chất lượng cao… do người tiêu dùng bình chọn đã khẳng định mạnh mẽ vị thế của Tập đoàn Lộc Trời nói chung và Công ty CP Nông sản Lộc Trời nói riêng - là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành nông sản, vững bước quyết tâm thực hiện sứ mệnh "Cùng nông dân phát triển bền vững", tích cực đóng góp vào sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam.

    Với sứ mệnh phụng sự nông dân và "Cùng nông dân phát triển bền vững" gần 30 năm, Lộc Trời đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan ban ngành của các tỉnh thành vùng ĐBSCL và cả nước trong việc triển khai thực hiện các hoạt động sản xuất có quy mô và chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn của từng thị trường quốc tế. 

    Trong thời gian tới, Tập đoàn Lộc Trời rất mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ về chủ trương, chính sách và kết nối của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là trong các hoạt động tổ chức sản xuất và tìm kiếm, kết nối với các đối tác trong nước và quốc tế.

    15:20 ngày 27/04/2023

    Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng

    Cần phải có chiến lược hẳn hoi giữa nông dân với thị trường tiêu thụ

    Gắn với thế mạnh vùng ĐBSCL, Sóc Trăng xác định nông nghiệp là nền tảng, thủy sản là mũi nhọn.

    Sóc Trăng cũng như nhiều tỉnh ở ĐBCSL là có thế mạnh về nông nghiệp với 2 sản phẩm chủ lực là thủy sản và gạo. Năm 1992, tỉnh được tái lập; giai đoạn đó thường xuyên thiếu lương thực, chỉ sản xuất hơn 800.000 tấn lúa/năm. Tới nay, tỉnh đã có bước tiến dài về sản xuất nông nghiệp, năm 2022 xuất khẩu 1,5 tỉ USD, trong đó xuất khẩu gạo chiếm 22%, xuất khẩu thuỷ sản chiếm 69%, còn lại là may mặc, trái cây…

    Trong gần 10 năm nay, sản lượng lúa của Sóc Trăng đạt trên 2 triệu tấn/năm. Gạo ST24, ST25 nằm trong tốp gạo ngon của thế giới.

    Thực tế, câu chuyện được mùa rớt giá, được giá mất mùa không phải là câu chuyện riêng của 1 tỉnh nào. Việc mất cân đối cung cầu và mối liên kết nông dân – DN – ngân hàng rất lỏng lẻo.

    undefined - Ảnh 1.

    Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng

    Khi đánh giá lại nông nghiệp Sóc Trăng, bên cạnh các thế mạnh về gạo, vú sữa, sầu riêng… xuất khẩu sang các nước, kinh tế nông nghiệp của tỉnh còn nhiều vấn đề. Tỉnh có 189 sản phẩm OCOP nhưng chỉ có 1 sản phẩm 5 sao là gạo ST25, số sản phẩm 3 sao nhiều. Tuy nhiên, điều kiện để người có sản phẩm OCOP phát triển sản phẩm này thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh và có thị trường thì khó. 

    Ở đây có trách nhiệm của địa phương và cũng là khó khăn chung của ngành nông nghiệp, đó là hạ tầng chưa đáp ứng, sản xuất nhỏ lẻ manh mún, thu hút đầu tư lĩnh vực nông nghiệp khó. Sóc Trăng chưa có DN chế biến các mặt hàng nông sản bảo đảm yêu cầu xuất khẩu và kêu gọi các DN đầu tư xây dựng nhà máy tại địa phương.

    Ngành nông nghiệp của tỉnh rất quyết liệt trong các biện pháp, giải pháp cho kinh tế nông nghiệp của tỉnh nhưng về lâu về dài cần phải có chiến lược hẳn hoi giữa nông dân của tỉnh với thị trường tiêu thụ.

    Đối với gạo ST25, gần đây trên các trang báo mạng có đăng thông tin 1 số DN tại Mỹ, Úc đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 và gây hoang mang cho DN sản xuất gạo trong nước. Cũng có tình trạng gạo không rõ nguồn gốc được bán tràn lan ở thị trường trong nước. Thực tế, gạo ST25 trồng ở Sóc Trăng có hương vị khác hơn các vùng khác.

    Chúng tôi kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương ĐBSCL rà soát lại quy hoạch sản xuất gạo đặc sản, có chiến lược liên kết vùng sản xuất để bảo đảm xuất khẩu gạo đặc sản ra thế giới. Các tỉnh cũng có kế hoạch kiểm soát thị trường để bảo đảm gạo ST25 không bị làm giả, làm nhái.

    15:14 ngày 27/04/2023

    Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC)

    Trước hết xin chúc mừng 25 năm VP ĐBSCL Báo Người Lao Động

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Đặng Văn Thành

    Có vấn đề mà ngành nông nghiệp của chúng ta cứ lặp đi lặp lại đó là được mùa mất giá, được giá mất mùa, "hạn điền", hay đùn đẩy, đổ thừa. Để thay đổi tình trạng này, chúng ta cần thay đổi tư duy.

    Tôi xin đóng góp ý kiến hội thảo nâng tầm nông sản Việt: 

    Về thương hiệu, chúng ta phải đi qua các cấp bậc: Thương hiệu cá nhân, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN, thương hiệu quốc gia.

    Việt Nam có lợi thế về thiên nhiên, thổ nhưỡng. Dự báo thế giới sắp 8 tỉ người, năm sau thế giới dự báo thiếu lương thực – là cơ hội rất lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Vì thế, chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng cho cơ hội.

    Về con người. Hiện tại, lao động phổ thông ngày càng khan hiếm. TTC tự hào được 1 thương hiệu máy nông cụ nổi tiếng thế giới chọn là nhà phân phối độc quyền có thể giải quyết câu chuyện thiếu lao động.

    Chúng ta cần thông tin cho nông dân hiểu xu thế hiện tại là sản phẩm hữu cơ, xanh – sạch. Thực tế, TTC đã thay thế thuốc trừ sâu bằng thiên địch.

    Tôi minh họa câu chuyện ở TTC, với 68.000 ha mía đường trong đó 30.000 ha ở nước ngoài (Lào, Campuchia), chúng tôi đã ứng dụng công nghệ cao tạo quy trình khép kín, thậm chí làm ra điện từ bã mía, tạo ra cánh đồng mẫu lớn.

    Ở trong nước, TTC có gần 40.000 ha mía, nông dân gần như chỉ cần góp đất, chúng tôi cung cấp giống, vật tư – bảo đảm nông dân có lãi. Bà con rất ủng hộ nên TTC đã thành công với vùng nguyên liệu mía đường.

    Như vùng Phan Rang - Ninh Thuận trước đây năng suất mía chỉ 55 tấn/ha, nay lên 72 tấn/ha, hay khu vực Ninh Hòa - Khánh Hòa năng suất trước đây chỉ 42 tấn/ha nay lên 62 tấn/ha tăng 30% - tạo thu nhập tăng thêm cho nông dân.

    Việt Nam vẫn còn nhập khẩu đường 1 triệu tấn đường/năm, chúng tôi ủng hộ nhập khẩu đường thô, không nhập khẩu đường tinh để phát triển chế biến sâu, giải quyết công ăn việc làm cho lao động Việt Nam và gia tăng giá trị cho ngành đường.

    Ngành hàng thứ 2 là cây dừa. Trước đây nước dừa khô chỉ làm nước màu, nay chúng tôi làm nước dừa xuất khẩu (90%), và có cả sữa dừa – tạo giá trị gia tăng rất lớn. 

    Kế hoạch của TTC sắp tới là sẽ tiến hành mua bán, sắp nhập các nhà máy đường ở ĐBSCL để vừa sản xuất đường vừa làm điện sinh khối từ bã mía.

    Vai trò quản lý nhà nước, tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam rất năng động, ký được nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương; vai trò tham tán thương mại rất quan trọng. Tuy nhiên, cần đầu tư mạnh hơn cho cơ sở hạ tầng, logistics thì mới phát triển kinh tế.

    14:50 ngày 27/04/2023

    GS-TS Võ Tòng Xuân

    Câu chuyện được mùa rớt giá của nông sản

    undefined - Ảnh 1.

    GS-TS Võ Tòng Xuân

    Câu chuyện được mùa rớt giá của nông sản, thậm chí câu chuyện giải cứu nông sản đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay. Hai năm trở lại đây, hàng nông sản Việt Nam đi ra nước ngoài tương đối dễ dàng hơn nên bà con nông dân và doanh nghiệp chế biến cũng có tiến bộ. 

    Nhìn chung, vấn đề lớn của hàng hóa nông, thuỷ sản của Việt Nam hiện nay là làm thế nào hàng Việt Nam có thể sống được với hàng nước ngoài ngay trên đất của mình và cạnh tranh được với các nước xung quanh, nhất là Thái lan.

    Nông dân gắn kết với DN rất lỏng lẻo, 2 liên kết này hiện nay còn nhiều việc phải cải thiện. Ví dụ trong ngành đường, gắn kết giữa nông dân trồng mía và nhà máy sản xuất đường rất chặt chẽ nhưng những ngành khác khó kiếm được liên kết như vậy. Suy cho cùng, nông dân lẫn DN đều thường "bẻ kèo", tức nông dân ký kết nhưng khi thị trường thay đổi thì họ lén bán ra bên ngoài thay vì bán cho DN; DN cũng có tình trạng bỏ của chạy lấy người trong không ít trường hợp.

    Hàng nông sản của chúng ta không đồng đều về chất lượng nên sản phẩm đi ra từ DN không được nổi tiếng. Chúng ta thường nói không có thương hiệu, nhưng Gạo ST25 là 1 điển hình của việc đăng ký thương hiệu nhưng nhãn hiệu dễ bị ăn cắp. Ngay cả một số DN có thương hiệu nhưng chưa có văn hóa để giữ vững uy tín thương hiệu đó... Chính những điều này làm cho nông sản của chúng ta khó được đánh giá cao.

    Làm gì để nâng tầm uy tín của nông sản, thuỷ sản Việt Nam?

    Do đó, cần nâng tầm uy tín của nông sản, thuỷ sản Việt Nam. Theo tôi, hiện nay còn những vấn đề phải bàn: một là chúng ta làm thế nào tính toán xem từng địa phương hàng hoá nào nổi bật nhất. Địa phương nào cũng có sản phẩm OCOP, có nơi có cả trăm sản phẩm nhưng các sản phẩm OCOP giữa các tỉnh thành đa số na ná nhau. Do đó, cần tính toán sản phẩm OCOP nào thật sự đại diện cho địa phương, cần phải đánh mạnh không chỉ trong nước mà ở thị trường nước ngoài. 

    Ở cấp quốc gia thì xác định loại giống nào, mô hình sản xuất nào. Ví dụ vải thiều hiện mạnh tỉnh nào lo đầu ra tỉnh đó, cạnh tranh nhau chứ không làm thương hiệu chung cho vải thiều Việt Nam để ai tới cũng phải mua. Hay như miền Bắc có khoai tây Thường Tín đặc biệt ngon nhưng chưa được đẩy mạnh thành sản phẩm quốc gia. Vậy nên, cần xác định giống gì, con gì để đẩy mạnh.

    Vấn đề thứ 2 là nông dân sản xuất riêng lẻ, khi chúng ta muốn có nguyên liệu đồng nhất, chất lượng cao, sạch, ngon thì khó khăn. Khi nông dân làm riêng lẻ thì không theo quy trình khoa học đã hướng dẫn, làm sao bớt hóa học để đẩy mạnh hữu cơ, vi sinh và sinh học để giữ vững chất lượng nguyên liệu đó để DN hợp đồng với nông dân có nguyên liệu tốt.

    Khi nhà nước cam kết về phát thải khí nhà kính thì sản xuất cũng phải theo hướng này. Nông dân trồng lúa lãng phí 50%-60% phân U-rê vì bón trên mặt đất, bị oxy hoá gây độc hại gấp 310 lần CO2.

    Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch cũng còn rất là kém, nhất là trái cây trồng với diện tích lớn. 5 phút sau khi thu hoạch đưa vào trung tâm xử lý sẽ xử lý diệt mầm bệnh, sau đó phân loại để bán. Việt Nam chưa làm được cái này nên khó giữ được chất lượng trái cây tốt. Bên cạnh đó, logistics còn sơ sài.

    Ngoài ra, nhiều DN chưa quan tâm đến nhãn hiệu và thương hiệu, nhiều DN chưa quan tâm đăng ký nhãn hiệu; mọi người trong chuỗi sản xuất thương hiệu đó phải cùng nhau chăm sóc, giữ vững thương hiệu đó, lúc nào sản phẩm cũng ngon như nhau.

    Cuối cùng là hoạt động Marketing. TP HCM được xem như 1 trung tâm liên kết vùng nhưng liên kết còn lỏng lẻo. Sản phẩm OCOP 63 tỉnh thành mạnh ai nấy làm, chưa đẩy mạnh sản phẩm nào của Việt Nam. Do đó, phải cải thiện hoạt động marketing để khách hàng khi cần có thể dễ dàng biết được ở nước ta, chỗ nào có gì, cần gì và xuất đi đâu?

    14:25 ngày 27/04/2023

    Ông Phạm Văn Hùng, Trưởng phòng Thu mua MM Mega Market


    undefined - Ảnh 1.

    Ông Phạm Văn Hùng

    MM Mega Market bắt đầu bán hàng online từ 3-2020, hiện có 20.000 khách hàng lẻ và chuyên nghiệp, chiếm 10% tổng doanh số. Để doanh số online tăng trưởng nhiều, chúng tôi đã liên kết với hơn 1.000 nông dân ĐBSCL để cung cấp thịt heo, cá, thủy sản, rau củ quả. Hiện MM Mega Market đã xây dựng được 5 trạm trung chuyển và có nguồn hàng ổn định.

    Chúng tôi cũng kết hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương các tỉnh để có giá cạnh tranh, giúp người tiêu dùng có giá tiết kiệm. 

    Tuy vậy, qua thời gian làm việc với nông dân, chúng tôi gặp những gặp khó khăn như: nông dân mới chưa có kế hoạch cung ứng hàng online, ví dụ những mặt hàng mới chúng tôi cần như: nhãn, tôm – nông dân không giao hàng được mà yêu cầu MM Mega Market phải đến tận ao, vườn để mua.

    Chúng tôi mong muốn hợp tác với các tỉnh ĐBSCL kết nối thêm nhà cung cấp mở thêm trạm trung chuyển, điểm bán để không chỉ phục vụ nhu cầu nội địa mà còn xuất khẩu.

    14:18 ngày 27/04/2023

    Ông Trần Quốc Việt, Giám đốc khu vực miền Tây 2, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op

    Tháng 3 vừa qua, Saigon Co.op có tham gia Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp phân phối TP HCM và doanh nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Saigon Co.op đã ký kết ghi nhớ kết nối giao thương với 8 doanh nghiệp về việc cung ứng hàng hóa, sản phẩm. 

    Theo đó, các sản phẩm gồm lương thực, thực phẩm, nông sản, rau củ quả an toàn, thủy hải sản và các sản phẩm chế biến từ dừa… được đơn vị cam kết thu mua để phân phối trong các kênh bán lẻ của Saigon Co.op. 


    undefined - Ảnh 1.

    Ông Trần Quốc Việt

    Hiện Saigon Co.op đang thu mua hàng hóa của gần 230 nhà cung cấp tại khu vực ĐBSCL, chiếm 20% tổng số nhà cung cấp của đơn vị, với đa dạng chủng loại, đặc biệt là mặt hàng nông sản thiết yếu. Đáng chú ý, Trung tâm phân phối của Saigon Co.op tại tỉnh Hậu Giang đóng vai trò vừa là nơi tập kết, phân phối hàng hóa, vừa là điểm thu mua hàng nông sản trong khu vực. 

    Ước tính, tổng sản lượng hàng của khu vực ĐBSCL cung ứng cho hệ thống Saigon Co.op đạt hơn 43.000 tấn/năm, với giá trị trên 1.800 tỉ đồng. Riêng đối với ngành thủy hải sản tại ĐBSCL, Saigon Co.op đang thu mua hàng của 9 nhà cung cấp và HTX. Ước tính tổng sản lượng hơn 800 tấn/năm với giá trị gần 75 tỉ đồng/năm.

    Trong kế hoạch phát triển sắp tới, Saigon Co.op sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới, trong đó riêng khu vực ĐBSCL sẽ phát triển 200 điểm bán mới, đa dạng quy mô, phù hợp với đặc thù từng khu vực. Phát triển tiêu thụ, mạng lưới, bổ sung các mô hình Co.op Food, Sense City, đại siêu thị Co.opxtra, kết hợp các loại hình khách sạn, nhà ở và tập trung các mô hình hợp tác quốc tế. 

    Chính vì thế, Saigon Co.op có nhu cầu nguồn hàng hóa rất lớn và sẽ tiếp tục cam kết đồng hành hợp tác với doanh nghiệp, HTX khu vực ĐBSCL và cả nước.

    14:12 ngày 27/04/2023

    Bà Nguyễn Kim Nhiên, Chủ thể sản phẩm OCOP trà mãng cầu Kim Nhiên, TP Cần Thơ


    undefined - Ảnh 1.

    Bà Nguyễn Kim Nhiên, Chủ thể sản phẩm OCOP trà mãng cầu Kim Nhiên, TP Cần Thơ

    Công ty chúng tôi sản xuất mặt hàng chủ lực là trà mãng cầu, bao tiêu khoảng 200 ha ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ.

    Thuận lợi là giải quyết đầu ra giá trị cho trái cây, nâng giá trị trái cây thành các dòng trà để xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc, Lào và tiêu thụ nội địa.

    Tuy vậy, công ty đang gặp khó khăn vì đầu ra chưa phổ biến. Vì vậy, rất mong được sự hỗ trợ từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cần Thơ để được cấp chứng nhận VietGAP và mã vùng trồng để tiêu thụ rộng rãi hơn ở thị trường thế giới. Bên cạnh đó, vì bao tiêu cho vùng trồng lớn nên chúng tôi cũng gặp khó khăn về nguồn vốn.

    14:05 ngày 27/04/2023

    Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ

    Cần Thơ mong nhận được nhiều góp ý hữu ích cho ngành nông nghiệp

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ

    Diện tích đất nông nghiệp của thành phố Cần Thơ khá khiêm tốn so với các tỉnh khu vực ĐBSCL, chỉ khoảng 114.000 ha.

    Với sản lượng các sản phẩm chủ lực như: lúa trên 1,3 triệu tấn/năm; cá tra khoảng 220.000 tấn/năm, trái cây các loại trên 19.000 tấn/năm và trên 200.000 tấn rau củ các loại.

    TP Cần Thơ có ngành chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu khá mạnh với 45 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo trực tiếp và 44 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản với vùng nguyên liệu ở khắp các tỉnh thành vùng ĐBSCL.

    Thời gian qua, UBND TP Cần Thơ rất quan tâm chỉ đạo các Sở ngành đẩy mạnh việc hỗ trợ nông dân trong việc liên kết tiêu thụ nông sản thủy sản, tuy nhiên đến nay chỉ có mặt hàng cá tra là có tỉ lệ hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ khá cao trên 90%, còn lúa gạo và các các loại rau màu, cây ăn trái chỉ đạt khoảng 30%.

    Có thể chỉ ra những khó khăn trong tiêu thụ nông sản, thủy sản trên địa bànTP Cần Thơ trong thời gian qua như sau: 

    Thứ nhất, sản xuất nông nghiệp với qui mô nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không đồng đều.

    Thứ hai, thói quen của người nông dân sản xuất tự phát không dựa vào nhu cầu của thị trường, đa phần nông dân chạy theo cái lợi trước mắt chưa nghĩ đến lâu dài, sản xuất xong rồi mới tìm đầu ra cho sản phẩm, vì thế câu chuyện "mất mùa được giá, được mùa mất giá" khó có thể giải quyết dứt điểm. 

    Thứ ba, đa số nông dân chỉ quan tâm sản xuất chưa chú trọng đến việc xây dựng phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa.

    Thứ tư, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, dịch vụ logistic khu vực ĐBSCL chưa phát triển, làm giảm sức cạnh tranh của nông sản, thủy sản của vùng nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng.

    Từ những khó khăn, hạn chế còn tồn tại nêu trên, thông qua Hội thảo hôm nay, TP Cần Thơ rất mong nhận được nhiều ý kiến hữu ích từ các nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp, bà con nông dân, ý kiến của lãnh đạo các tỉnh, thành và đặc biệt là ý kiến định hướng của đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để Cần Thơ đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, thủy sản của thành phố và góp phần nâng tầm nông thủy sản Việt như chủ đề của Hội thảo hôm nay.

    Lên trên
    Lên đầu Top

    Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

    Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
    60 giây nữa.

    Thanh toán mua bài thành công

    Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

    • Tặng bằng link
    • Tặng bạn đọc thành viên
    Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

    Chọn phương thức thanh toán

    Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

      Chọn phương thức thanh toán

      Chọn một trong số các hình thức sau

      Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

      Thông báo