Ngày 2-11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội (QH) phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Tờ trình nêu rõ việc tham gia và sớm phê chuẩn CPTPP giúp củng cố vị thế đất nước, tăng cường quốc phòng, an ninh.
Thịt heo, gà bị cạnh tranh
Theo báo cáo thuyết minh về hiệp định được Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày, thị trường các nước CPTPP có quy mô lớn với GDP cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam.
"CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% - thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi. CPTPP cũng sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn nước ngoài" - báo cáo thuyết minh của Chính phủ nêu.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ đối mặt với khó khăn khi CPTPP có hiệu lực Ảnh: Tấn Thạnh
Tuy vậy, Chính phủ cũng đánh giá CPTPP sẽ mang đến nhiều thách thức khi mở cửa thị trường mới tại 3 nước Canada, Mexico và Peru. Đặc biệt, xét theo mặt hàng, thịt heo, thịt gà trong nước có thể gặp phải sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu do sức cạnh tranh còn yếu. Ngoài ra, một số sản phẩm có thể gặp khó khăn như giấy, thép, ôtô...
Tại phiên thảo luận tại tổ, đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (TP HCM) chỉ rõ kim ngạch nhập khẩu của 11 quốc gia trong CPTPP là khoảng 10.000 tỉ USD, trong khi Việt Nam đang xuất vào thị trường này 34,24 tỉ USD. Như vậy, dư địa xuất khẩu của Việt Nam vào các quốc gia này còn rất lớn. Trong đó, các sản phẩm may mặc, giày dép, thực phẩm… của Việt Nam có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, đây là thị trường rất kén sản phẩm, nên yêu cầu về chất lượng hàng xuất khẩu là rất cao.
Ông Ngân còn dẫn bài học kinh nghiệm khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, Việt Nam đã rất phấn khích, hy vọng hàng Việt Nam sẽ đi ra biển lớn, tới khắp các nước. Nhưng cuối cùng, hàng nước ngoài ồ ạt nhập vào nhiều hơn, dẫn đến nhập siêu nghiêm trọng, kéo theo hàng loạt bất ổn kinh tế vĩ mô. Do vậy, với CPTPP, phải hết sức lưu ý khả năng tận dụng lợi thế, tránh tác dụng ngược.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, nhìn nhận cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc tạo ra cơ hội thu hút nhà đầu tư rời Trung Quốc để vào Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không quản lý tốt, hàng Trung Quốc sẽ đội lốt hàng Việt xuất khẩu vào khối CPTPP. Do đó, ông đề nghị Chính phủ có chính sách chú trọng trong thu hút đầu tư FDI, "nhấn" vào chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp (DN) trong nước…
Khó cho doanh nghiệp nhỏ
Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, CPTPP cũng có thể làm cho một số DN lâm vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra, song tác động chỉ mang tính cục bộ, ngắn hạn.
Thực tế, theo ĐB Trần Hoàng Ngân, với thị trường 95 triệu dân, Việt Nam là quốc gia được các nước quan tâm đầu tư, xuất khẩu. Do đó, DN Việt Nam sẽ gặp những thách thức nhất định. "DN trong nước sẽ phải nâng cao năng lực cạnh tranh, triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ để tạo ra sản phẩm có thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế và ngay cả trên sân nhà. Đặc biệt, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, người nông dân phải dần dần quen với sản xuất lớn như các tổ hợp tác, hợp tác xã... Cũng phải có cơ chế để giúp các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thì mới tạo ra được những sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh" - ông Ngân góp ý.
ĐB Trần Kim Yến (TP HCM) chỉ rõ khi tham gia CPTPP, đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là DN nhỏ và vừa. Chiếm đến 84% tổng số DN, số DN nhỏ và siêu nhỏ, đặc biệt DN có nhiều lao động nữ nhận được ưu đãi nhiều mặt từ nhà nước còn khiêm tốn. Từ đó, ĐB Yến nhấn mạnh yêu cầu sửa đổi các văn bản luật, dưới luật theo hướng tạo thuận lợi cho DN. "Các báo cáo cũng chỉ rõ thách thức của DN Việt Nam là chúng ta có một số ngành thâm dụng lao động, chẳng hạn như dệt may. Nếu không chú ý khắc phục ngay từ đầu, chỉ đơn thuần là gia công thì lợi ích CPTPP đem lại chỉ là gia tăng được số việc làm" - bà Yến cảnh báo.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH, ông Phan Xuân Dũng, cũng đánh giá DN là đối tượng đầu tiên chịu tác động của CPTPP. "Thách thức lớn nhất chính là trình độ phát triển. Với trình độ phát triển hiện tại, nếu chúng ta không cố gắng thì sẽ trở thành thị trường của các nước. Trong đó, vấn đề cốt lõi chính là cải thiện năng suất lao động" - ông Dũng nói.
Dẫn lại câu chuyện phải giải cứu thịt heo, ông Dũng cho rằng giá thịt heo hơi của Việt Nam thấp nhất là 24.000-25.000 đồng/kg, trong khi Thái Lan chỉ 16.000 đồng/kg. Nguyên nhân bởi Thái Lan triển khai được các trang trại tự động, không sử dụng sức lao động từ người, dẫn đến giảm chi phí mà năng suất lại cao. "Quy trình sản xuất của các nước hiện hết sức hiện đại. Đề nghị ngay sau khi QH thông qua phê duyệt hiệp định, Chính phủ phải lập tức có những giải pháp trước mắt và lâu dài, nói rõ việc DN và người dân cần phải làm để có lợi thế nhất trong hiệp định này. Để làm được việc đó có hiệu quả nhất thì quan trọng vẫn là khoa học và công nghệ, chỉ có khoa học, công nghệ mới tăng được năng suất lao động, tăng cường tự động hóa toàn hệ thống" - ông Dũng phân tích.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn
ĐB Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhận định thách thức khi tham gia CPTPP là việc ra đời tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, đặt Công đoàn Việt Nam trước sự cạnh tranh về việc tập hợp đoàn viên, kết nạp đoàn viên và thành lập tổ chức ở cơ sở. "Đó là vấn đề chưa có tiền lệ trong cách tiếp cận của hệ thống chính trị nước ta. Tức là có một tổ chức khác tồn tại đồng thời với Công đoàn, mặc dù tổ chức này không mang trong mình đầy đủ bản chất mô hình của đoàn thể" - ông Hiểu nêu rõ và cho rằng đây là dịp để tiếp tục đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh có tổ chức khác hoạt động song song.
Bình luận (0)