Đồng hành cùng chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, qua những phiên chợ hàng Việt, nhiều doanh nghiệp (DN) đã xây dựng được hệ thống phân phối tại các tỉnh, thành, tạo đầu ra ổn định. Trong một thời gian dài, các DN bỏ ngỏ thị trường nông thôn đầy tiềm năng với 2/3 diện tích và dân số của cả nước.
Thông qua những đợt đưa hàng về nông thôn, thiết lập hệ thống phân phối hoặc chủ động cho đội ngũ marketing, bán hàng trực tiếp bám chợ, cùng tiểu thương bán hàng, các DN đã từng bước “bám rễ” tại thị trường nông thôn.
Nông thôn là thị trường chính
Công ty Minh Long Hưng ở TP HCM là một ví dụ. Xác định nông thôn là thị trường chính, từ chục năm trước, ông Lý Thành Sinh, giám đốc công ty, đã lên kế hoạch kỹ càng. Đầu tiên là mở rộng nhà xưởng sản xuất, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ để tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm đến xây dựng hệ thống quản trị…
“Doanh số của Minh Long Hưng 2/3 là ở vùng nông thôn nên chúng tôi “bám” vào những chương trình do Sở Công Thương TP và các hiệp hội để đưa hàng về nông thôn, nhất là những vùng mà người dân còn thiếu thốn hàng hóa. Trước khi có hội chợ ở địa phương nào, chúng tôi phải về địa phương đó trước 2 ngày để làm quen với tiểu thương, kết nối với các cửa hàng bán quần áo, cho họ xem sản phẩm của mình. Khi phiên chợ mở cửa, công ty mời những tiểu thương đến dự và tiếp tục kết nối với họ; đồng thời tổ chức bán hàng với giá ưu đãi, tặng quà cho học sinh nghèo, hộ nghèo để qua đó giới thiệu sản phẩm của mình. Nhờ vậy mà đến nay, công ty đã có hệ thống phân phối rộng khắp các tỉnh, thành từ miền Trung đổ vào và một số địa phương miền Bắc” - ông cho biết.
Cũng “bám” thị trường nông thôn qua các kỳ hội chợ và chương trình kết nối, Công ty Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo đã có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước và được người tiêu dùng (NTD) khu vực nông thôn ưa chuộng.
Không đủ chi phí để quảng cáo rầm rộ hoặc giành vị trí đẹp tại các siêu thị, với thương hiệu lâu năm của mình và phân khúc giá rẻ, Mỹ Hảo âm thầm gõ cửa từng sạp chợ khắp các vùng quê và đã thành công.
Đánh bật hàng ngoại
Ở lĩnh vực bánh kẹo, một thời gian dài, bánh kẹo giá rẻ của Trung Quốc chiếm lĩnh hoàn toàn phân khúc thấp và các vùng nông thôn. Ở phân khúc cao cấp, bánh ngoại nhập từ Indonesia, Malaysia, Đan Mạch… cũng làm chủ thị trường. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các DN nội như Kinh Đô, Bibica, Hải Hà… đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, máy móc, nâng cấp chất lượng và mẫu mã tươi mới, sang trọng hơn nên được NTD đón nhận.
Tương tự với ngành hàng nhựa gia dụng, DN sản xuất trong nước đã chiếm lĩnh 90% thị trường. Từ các mặt hàng tiêu dùng hằng ngày như thau, rổ, ghế, thùng, hộp gia vị, hộp đựng thức ăn… đến tủ quần áo, bàn ghế nhựa bán tại các siêu thị, cửa hàng nội thất đều mang thương hiệu Việt như Duy Tân, Đại Đồng Tiến, Tân Lập Thành…
Với lợi thế rẻ hơn hàng ngoại nhập 20%-30%, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, sản phẩm của các DN này đánh dạt hoàn toàn hàng cùng loại nhập khẩu từ Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc. Có được thành quả này là do các DN đã đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ, làm mới sản phẩm và định vị lại hình ảnh thương hiệu. Chẳng hạn, năm 2008, Đại Đồng Tiến lập bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển), bắt đầu chặng đường phấn đấu trở thành nhà sáng tạo thông minh chứ không đơn thuần là nhà sản xuất giỏi.
Không có công thức chung cho thành công của DN nhưng mấu chốt lớn nhất để DN vươn lên từng bước khẳng định vị thế trên sân nhà là phải đầu tư cho công nghệ và tái cấu trúc để phù hợp với xu hướng phát triển mới. Mới đây, Công ty Saigon Food đã đầu tư mấy chục tỉ đồng để phát triển nhà xưởng, nghiên cứu và đưa vào sản xuất một số sản phẩm cho thị trường nội địa, mục tiêu tăng dần doanh thu nội địa từ 20% lên 50%.
Bà Lê Thanh Lâm, Phó Giám đốc Saigon Food, cho biết xu hướng NTD chọn thức ăn nhanh, mở bao gói là dùng được ngay nên công ty ưu tiên phát triển dòng sản phẩm này. Sản phẩm nước dùng lẩu cô đặc đã ra thị trường gần 1 năm, cháo dinh dưỡng cũng mới xuất hiện được vài tháng.
“Việc đưa ra thị trường dòng sản phẩm cháo ăn liền đánh dấu sự thay đổi của công ty từ chuyên về hải sản đông lạnh qua thực phẩm bảo quản ở điều kiện nhiệt độ bình thường; tận dụng kênh bán hàng hiện có để phân phối các dòng sản phẩm mới, từng bước mở rộng ra các chợ, cửa hàng truyền thống” - bà Lâm nói.
May mặc khó cạnh tranh
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP HCM, ngoài việc phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu Trung Quốc, hiện DN may mặc nội địa đang rất yếu ở 2 khâu nắm bắt thị hiếu tiêu dùng và thiết kế.
Ông Lý Thành Sinh cho rằng DN may mặc Việt muốn giữ được thị trường nội địa trước hết phải giữ vững chất lượng, thương hiệu, lòng tin đối với NTD; sản phẩm có giá phù hợp, cạnh tranh.
“So sánh với hàng Trung Quốc, chất lượng hàng may mặc Việt Nam không thua kém nhưng thua vì giá cả. Hiện tại, một số địa phương thuộc ĐBSCL, quần áo Trung Quốc đổ đống bán xôn, chỉ trên dưới 10.000 đồng đã mua được 1 bộ đồ. Trước tình hình này và thực trạng NTD đang cắt giảm chi tiêu, chúng tôi phải cắt giảm 2/3 sản xuất” - ông Sinh nói.
Bình luận (0)