Bên lề Quốc hội, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, ông Phạm Huy Hùng, nguyên chủ tịch VietinBank đã có trả lời Báo Người Lao Động về phát biểu của ông mới đây tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội cho rằng “nợ xấu được nhốt vào sau 5 năm mở kho chứa nợ xấu đó ra sẽ là cái gì và lãi suất cho vay giảm chậm đang giết chết doanh nghiệp (DN)”.
- Phóng viên: Thưa ông, ông nhận xét gì về điều hành lãi suất và mặt bằng lãi suất thị trường hiện nay?
+ Đại biểu Phạm Huy Hùng: Kinh tế thế giới kéo dài từ 2008 đến nay mà vẫn còn suy thoái nặng nề lắm, đâu phải chuyện 3 hay 4 năm mà chủ quan cho được! Nay đã là năm thứ 6 mà tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới do nợ công gây ra vẫn còn hết sức trầm trọng, đặc biệt là nợ công ở châu Âu. Cùng đó, nền kinh tế Mỹ vốn được coi là đầu tàu kinh tế thế giới vẫn còn ảnh hưởng nặng nề bởi thâm hụt ngân sách.
Rất nhiều nước đã đưa ra các gói cứu trợ nền kinh tế trị giá hàng nghìn tỉ USD nên giảm thiểu được suy thoái nhưng đến nay châu Âu vẫn đưa ra hàng nghìn tỉ EUR với lãi suất thấp, chỉ 1% - 2%/năm. Việt Nam vì cớ gì mà lãi suất giảm rất chậm. Một vài năm qua, CPI đã xuống thấp, đầu năm tăng 3% - 4% và cuối năm mới vọt lên 5%. Mười tháng đầu năm 2014, CPI chỉ tăng 2,36%, thế thì vì cớ gì mà các ngân hàng vẫn huy động lãi suất 7% - 8%/năm để rồi cho vay với lãi suất 9% - 10%?
Vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản chỉ thị lãi suất giảm nhưng đó là chỉ giảm cho một số lĩnh vực chứ chưa phải cho cả nền kinh tế. Riêng lãi suất trung, dài hạn vẫn chủ yếu là 8-10%, có ngân hàng vẫn cho vay 11%. Đó là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến GDP và sản xuất kinh doanh của DN. Làm gì có lãi để có thể chịu được lãi suất 7-8% là rất khó.
- Vậy còn với các giải pháp xử lý nợ xấu hiện nay, ông đánh giá như thế nào?
+ Nợ xấu là tính không hết, không đủ, bây giờ phải tính đủ, tính hết xem là bao nhiêu. Một số báo cáo của các tổ chức đánh giá nợ xấu Việt Nam lớn lắm, trên 10%/tổng dư nợ cơ, thậm chí 13% - 15%. Thế nên phải có con số chính xác để Đảng, Nhà nước có giải pháp xử lý hiệu quả và triệt để vì còn kéo dài càng ảnh hưởng. Tôi cho rằng cần phải có tổng kiểm toán toàn bộ hệ thống ngân hàng để đưa ra con số chính chính xác.
- Có ý kiến cho rằng phát biểu của ông là do bức xúc vì muốn kéo dài thời gian trên cương vị người đại diện vốn nhà nước và Chủ tịch HĐQT VietinBank nhưng không được cơ quan quản lý và Chính phủ chấp nhận?
+ Tôi không liên quan đến vấn đề đó và cũng chả bức xúc gì cả! Tôi phát biểu ở đây là do yêu cầu khách quan của một đại biểu Quốc hội, nói tất cả vấn đề cần phải xem xét. Với tôi, 38 năm công tác trong ngành ngân hàng nay nghỉ là đúng rồi.
- Cuối 2013, tại Hội nghị tổng kết hoạt động ngành ngân hàng và nhiều kỳ họp Quốc hội trước đó, khi chưa rời vị trí chủ tịch HĐQT VietinBank, ông vẫn thường phát biểu khen điều hành lãi suất và xử lý nợ xấu tốt, nay quan điểm ông lại trái ngược?
+ Thời tôi còn làm việc là khác, có nhiều cái hạn chế nên không thể nói. Còn bây giờ, với vai trò, trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội, tôi nói phải khác. Đại biểu Quốc hội phải là người không đảm nhiệm chức vụ, trọng trách thì tiếng nói mới khách quan. Vì cái chung, kỳ họp Quốc hội lần này tôi sẽ phát biểu hết sức khách quan. Chúng ta phải nhìn nhận thực tế để Quốc hội có tiếng nói giúp cho Đảng và Chính phủ thấy được vấn đề. Bản thân các lãnh đạo đầu ngành không bộc bạch, không nêu hết được. Rất buồn rằng, đầu kỳ nhận nhiệm vụ thì phải tìm hiểu thực trạng ngành đó như thế nào để thấy cái gì tồn tại, cái gì bất cập, yếu kém, kể cả vấn đề lớn rồi đặt tất cả vấn đề lên bàn một cách minh bạch, từng việc một. Đằng này, mãi đến cuối kỳ mới kêu “khó lắm, riêng ngành, riêng cá nhân tôi không làm được” là sao? Đầu kỳ nhận nhiệm vụ thì bảo là trơn tru, đến cuối năm, cuối kỳ lại kêu khó lắm. Rồi người tiếp theo cứ thế không minh bạch rõ ràng. Vậy thì bẵng đi 5 năm, không làm gì, để tình trạng yếu kém kéo dài, trầm trọng hơn à?
- Có ý kiến cho rằng ông có con không còn giữ vị trí trọng trách cao tại VietinBank như trước?
+ Các con tôi chẳng liên quan gì đến chuyện này. Tôi nói rồi, đừng hiểu sai! Tôi không bao giờ can thiệp, việc này việc kia, điện thoại tác động cho các con tôi. Con tôi được học hành tử tế, được tôi giáo dục rằng, phải trung thành với đất nước, không đi ngược lại lợi ích dân tộc, tuân thủ pháp luật và không làm gì ảnh hưởng đến truyền thống gia đình.
Các con tôi đã hai mấy tuổi, là công dân trưởng thành rồi thì phải tự chủ chứ! Tôi nói mãi, sống, hành động phải tự chịu trách nhiệm.
Chủ tịch VietinBank nói về phát biểu của người tiền nhiệm
Trả lời Báo Người Lao Động, Chủ tịch HĐQT VietinBank Nguyễn Văn Thắng cho biết hành động cắt giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn và kêu gọi các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất cho vay trung dài hạn mới đây của NHNN là giải pháp khá mạnh mẽ. Vietinbank đánh giá mức lãi suất này khá phù hợp ở thời điểm này. Việc điều hành nói trên đã bám sát cung cầu vốn trên thị trường, đáp ứng mong mỏi của DN. Đây cũng là giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của cả ngành theo mục tiêu đặt ra 12-14% trong năm 2014 này.
Sau quyết định điều chỉnh giảm lãi suất của NHNN, Vietinbank điều chỉnh ngay giảm lãi suất trung và dài xuống còn tối đa 10%/năm. Cũng vì hưởng ứng chỉ đạo giảm lãi suất từ NHNN, Vietinbank cũng phải chấp nhận giảm lợi nhuận trong 3 tháng cuối năm khoảng 100 tỉ đồng.
Trả lời việc mới đây, ông Phạm Huy Hùng, nguyên chủ tịch HĐQT VietinBank phàn nàn lãi suất cao như hiện nay có thể giết chết doanh nghiệp, ông Thắng nói: “Tôi theo dõi 3 năm nay, việc điều hành lãi suất của NHNN là tương đối phù hợp, mức độ giảm dần, đều và đường cong lãi suất đi đúng quy luật. So với cuối năm 2011 về trước, mặt bằng lãi suất tiền vay đã giảm rất mạnh, nếu tính cả đợt giảm ngày 28-10-2014 vừa qua thì đã thấp hơn trên 50% so với trước năm 2012. Mức lãi suất cho vay hiện nay là khá thấp và qua theo dõi hoạt động trên thị trường, chúng tôi thấy khó khăn đối với DN hiện nay không còn là lãi suất”.
Về phát biểu của ông Phạm Huy Hùng cho rằng nợ xấu chưa tính đúng, tính đủ, nhốt vào trong kho sau 5 năm mở ra vẫn nguyên như vậy. Vì thế cần kiểm toán toàn bộ hệ thống ngân hàng, ông Nguyễn Văn Thắng chia sẻ ngay từ đầu 2012, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã công khai toàn bộ nợ xấu tức là thể hiện sự minh bạch và quyết tâm ngành ngân hàng không che giấu nợ xấu. Ông Thắng khẳng định tỷ lệ nợ được tính đúng, tỉnh đủ, không có chuyện che giấu. Lâu nay có chuyện “hai con số nợ xấu” nhưng sở dĩ như vậy là vì một con số do tổ chức tín dụng tự báo cáo. Con số này không thống kê số nợ xấu được giãn, hoãn theo Quyết định 780 nên thấp. Còn con số do NHNN kiểm soát từ xa là có cộng cả nợ xấu tiềm năng trong một giả định không có quyết định 780 nên cao hơn. “Việc tính nợ xấu cao rất tốt, vì NHNN khẳng định đúng thực chất nợ xấu hệ thống NH ra công luận. NHNN có yêu cầu cao hơn đối với các NHTM trong vấn đề xử lý nợ xấu. Nếu không có Quết định 780, giãn hoãn nợ cho DN thì số DN gặp khó, phá sản còn lớn hơn rất nhiều so với hiện tại” - ông Thắng bình luận.
Về quan điểm Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) giam nợ xấu trong kho 5 năm, sau đó mở ra thì thì còn xấu hơn, Chủ tịch VietinBank nói: “Việc thành lập VAMC là một trong những giải pháp rất đúng, rất trúng của Chính phủ và NHNN. Bởi vì, không phải Việt Nam lần đầu tiên mới làm, các quốc gia phát triển đã làm rồi. Chỉ có mỗi nước có hình thức khác nhau phù hợp với điều kiện từng nước. Với Việt Nam thì đây là sáng kiến của NHNN, việc thành lập VAMC mua nợ xấu của tổ chức tín dụng tốt cho cả DN và các ngân hàng”.
Ông Thắng phân tích đối với DN thông qua việc ngân hàng thương mại (NHTM) bán khoản nợ cho VAMC thì sẽ giúp cho các DN và NH có điều kiện củng cố lại mối quan hệ giữa hai bên. Đặc biệt với NHTM đây là giải pháp rất tốt, nếu nợ xấu để lại tại NHTM, họ sẽ phải trích lập rất cao, thậm chí ở mức 80% - 90% giá trị khoản nợ và họ còn gặp nhiều khó khăn bội phần. Còn khi bán sang VAMC thì không còn xấu như thế nữa vì rằng, đáng lẽ phải trích ngay dự phòng rủi ro 100% đối với khoản nợ nếu để tại ngân hàng thì nay, khi nợ ở VAMC, họ chỉ phải trích 20% mỗi năm, thời gian trích trong 5 năm, tránh tình trạng “no dồn, đói góp” trong cùng lúc. Giả sử sau 5 năm mà chưa bán được nợ xấu và tài sản bảo đảm đi kèm thì họ vẫn trích đủ dự phòng để xử lý, phần nợ xấu và tài sản kia sẽ thuộc về ngân hàng.
“Chỉ có điều, đối với VAMC cần có cơ chế đặc biệt. Còn như hiện nay sẽ vấp phải khó khăn trong vấn đề xử lý nợ xấu. Các NH có ý kiến rất nhiều phải nghiên cứu để cho VAMC được một quyền cao hơn trong xử lý, vì đi kèm nợ là tài sản, chuyển sang VAMC hiện không đủ điều kiện để xử lý. Việc phát mãi tài sản theo cách thông thường như hiện nay mất rất nhiều thời gian. Do đó cần sự vào cuộc của các Bộ, ban ngành” - ông Thắng kiến nghị.
Bình luận (0)