Ngày 1-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến với đoàn giám sát báo cáo; Chính phủ báo cáo (bổ sung) về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp (DN) nhà nước và hệ thống ngân hàng (NH) theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.
Khó đạt mục tiêu đã đặt ra
Trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu thẳng thắn: “Việc bảo đảm hoàn thành mục tiêu cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế vào năm 2015 là hết sức khó khăn. Kết quả này còn ảnh hưởng đáng kể đến việc thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Qua giám sát cho thấy còn quá nhiều việc chưa làm được và nhiều lĩnh vực chưa đạt yêu cầu”.
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nhận xét: “Báo cáo chưa chỉ ra là có do dự, ngại khó trong việc cổ phần hóa, tái cơ cấu DN nhà nước hay không. Nhiều năm, chỉ tiêu về lao động không đạt, nếu bắt nguồn từ lỗi chủ quan thì báo cáo phải cho rõ”.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị trong báo cáo phải khẳng định rõ việc tiến hành tái cơ cấu có đáp ứng yêu cầu hay không. Độ tin cậy của số liệu như thế nào hay chỉ dựa vào báo cáo của Chính phủ? Tại sao cùng bị ảnh hưởng bởi khó khăn kinh tế toàn cầu, dịch bệnh, thiên tai hoành hành nhưng một số nước trong khu vực vẫn tăng trưởng trên 7%, lạm phát thấp?
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, ông Phan Trung Lý, đánh giá báo cáo được chuẩn bị rất công phu nhưng chưa phân tích, làm rõ nhiều vấn đề, như: Công ty mua bán nợ xấu hoạt động thế nào, thiếu cơ chế gì, tại sao mua 56.000 tỉ đồng nợ xấu nhưng chỉ bán được 1.600 tỉ đồng... “Ở Hàn Quốc, người ta coi nợ xấu là của toàn xã hội nên đã kêu gọi dân góp tiền, vàng để cùng giải quyết “cục máu đông” này. Vậy Việt Nam có làm theo được không?” - ông Lý đặt vấn đề.
Phó Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phân trần nợ xấu và sở hữu chéo trong NH thương mại là 2 vấn đề quan trọng, là ưu tiên số 1 trong quá trình tái cơ cấu hệ thống NH. “Trên thế giới, sở hữu chéo là bình thường, vấn đề là mức độ và khả năng kiểm soát đến đâu. Chúng tôi đang từng bước áp dụng các chuẩn mực quốc tế cho tổ chức và hoạt động của các NH. Mục tiêu là đến năm 2015, phải có 10 NH đạt chuẩn Basel 2” - bà Hồng trấn an.
Ngại nói về trách nhiệm
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Đình Quyền cho rằng ông kỳ vọng nhiều hơn ở bản báo cáo. Song, bản báo cáo này chưa đặt ra được câu hỏi và lời giải rằng thể chế nào là phù hợp, tại sao chưa phù hợp, còn thiếu thể chế gì? “Hơn nữa, nếu báo cáo giám sát chưa chỉ ra được trách nhiệm của từng bộ, ngành thì cũng phải nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ, địa phương đến đâu… trong tiến trình tái cơ cấu”- ông Quyền kiến nghị.
Ông Phan Trung Lý góp ý báo cáo phải làm nổi bật kết quả giám sát và đưa ra kiến nghị rõ ràng. “Báo cáo phải đưa ra được nhận xét quan trọng - là việc triển khai tái cơ cấu không kiên quyết - lại không thấy đâu” - ông nhận xét. Ông Lý dẫn việc QH ra nghị quyết về tái cơ cấu từ năm 2011 nhưng đến năm 2013, Chính phủ mới trình đề án. “Hình như chúng ta rất ngại nói về trách nhiệm, nặng nhất cũng chỉ phê bình là “chưa thể hiện quyết tâm cao” mà không thấy dòng nào nói về trách nhiệm” - ông Lý gay gắt.
Cho rằng báo cáo là nội dung giám sát tối cao của QH, vì vậy đoàn giám sát phải cung cấp chất liệu tốt để QH ra nghị quyết, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu: “Cần nêu rõ từ nay đến năm 2015 đặt ra mục tiêu tái cơ cấu cụ thể như thế nào? Chủ trương, giải pháp gì để thực hiện?... Nếu dự thảo nghị quyết theo kiểu “cơ bản tán thành” thì sẽ rất khó thực hiện”.
Chưa mở rộng phạm vi giám sát của MTTQ
Cùng này, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật MTTQ Việt Nam. Là cơ quan thẩm tra dự luật, Ủy ban Pháp luật cho biết vẫn còn một số quan điểm khác nhau đối với việc MTTQ Việt Nam góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên; phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối, chính sách của Đảng.
Về việc này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị nghiên cứu cơ chế giám sát và phản biện hợp lý, tránh tạo quá nhiều tầng nấc chồng chéo trong hệ thống MTTQ Việt Nam cũng như các cơ quan khác của nhà nước. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng trước mắt, phạm vi giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam chưa cần thiết mở rộng. “Luật là phải thể chế, để mọi người tuân thủ. Tôi đọc qua dự thảo luật thấy nhiều chỗ giống như nghị quyết” - ông Nguyễn Sinh Hùng nhận xét.
Bình luận (0)