“Chúng ta không thiếu những chính sách, nghị quyết về phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng doanh nghiệp rất khó tiếp cận. Nói đến hỗ trợ là… đụng “xin - cho”. Và khi xảy ra câu chuyện “xin - cho” là dễ nảy sinh tiêu cực. Nên các chính sách trong nghị định mới phải làm sao hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, chứ không phải gây khó thêm”.
Đây là ý kiến của ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM tại Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ Việt - Nhật, do Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP HCM (HEPZA) tổ chức vào chiều 23-9.
Theo ông Lê Hoài Quốc, nhắc đến phát triển công nghiệp hỗ trợ phải nhìn vào thực trạng hiện nay để đưa ra các chính sách. Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ của Bộ Công thương đang lấy ý kiến dự thảo, phải làm sao thu hút được doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bắt tay, liên kết với DN trong nước. Khi đó, quá trình chuyển giao công nghệ thông qua các chính sách ưu đãi sẽ được diễn ra trong vài năm, 5-10 năm… dần hình thành nên ngành công nghiệp hỗ trợ.
Với DN bản địa, ông Quốc cho rằng khi làm công nghiệp hỗ trợ cần hướng tới cả thị trường bên ngoài, chứ không chỉ trong nước mới cạnh tranh được về giá so với hàng nhập khẩu. Dẫn chứng tại Khu công nghệ cao TP, nhiều tập đoàn đa quốc gia như Intel, Jabil… muốn tìm nhà cung cấp nội địa, tăng tỉ lệ nội địa hóa nhưng DN bản địa chưa đáp ứng được.
Theo các chuyên gia trong ngành, Việt Nam không thiếu nguồn tài nguyên khoáng sản nhưng không được chế biến sâu để trở thành nguyên vật liệu cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Chẳng hạn, sắt ở Thái Nguyên với trữ lượng rất đáng kể nhưng từ trước đến giờ Việt Nam chưa chế biến được thép chất lượng cao. Vì vậy, thép cho các ngành chế tạo máy đều phải nhập khẩu… “Công nghiệp phụ trợ mà không quan tâm đến việc chế biến nguyên phụ liệu thì cũng là gia công đơn giản” - một chuyên gia nhận xét.
“Việt Nam không thiếu nghị định, nghị quyết nhưng DN rất khó tiếp cận với chính sách, nói đến hỗ trợ là đụng đến xin - cho. Và khi xảy ra câu chuyện xin -cho là dẫn đến tiêu cực. Vì vậy, cần hình thành các thiết chế, đầu mối hỗ trợ DN nhất là các TP lớn. Cần làm rõ các điều kện mà DN được hỗ trợ để tránh sự diễn dịch sai, gây phiền hà thêm cho DN” - ông Lê Hoài Quốc đề xuất.
Bình luận (0)