Ngày 29-3, tại Diễn đàn Du lịch trực tuyến 2018 do Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam và Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức ở Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi mô hình hoạt động của các doanh nghiệp (DN) trong hầu hết lĩnh vực, trong đó có du lịch. Xu hướng du lịch 2 năm gần đây là du lịch cá nhân hoặc nhóm tự túc, du lịch chủ động không qua các công ty lữ hành, du lịch kết hợp thương mại…phần lớn đều sử dụng smartphone để tra cứu và tìm kiếm thông tin. Cùng với xu thế đó, các đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agency - OTA) đã hỗ trợ việc đặt vé hay phòng khách sạn hoặc sẽ được tìm kiếm trước đó nhiều tháng.
Tuy nhiên, theo số liệu của Hiệp hội Thương mại Điện tử, các OTA toàn cầu như Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com, Expedia.com đang độc chiếm thị trường Việt Nam với 80% thị phần. Phần lớn du khách quốc tế ra vào Việt Nam đều sử dụng dịch vụ của các sàn du lịch trực tuyến nước ngoài. Thậm chí ngay cả khách du lịch nội địa cũng sử dụng dịch vụ của các OTA nước ngoài thay vì Việt Nam. Các OTA Việt Nam như Gotadi.com, Tugo.com.vn, VnTrip.vn, Ivivu.com, Chudu24.com, Mytour.vn, Vinabooking.vn... xuất hiện tại thị trường nội địa muộn và đang rất nỗ lực để dần khẳng định vị thế của mình.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng chính việc chưa hoàn thiện về mặt pháp luật là rào cản lớn đối với du lịch trực tuyến Việt Nam. Thêm vào đó, các DN trong ngành lại gặp khó khăn về vốn, tài chính, công nghệ, trong khi các DN công nghệ thì lại chưa tiếp cận được với thị trường. Giải quyết những thách thức này như thế nào còn tùy thuộc vào sự bắt tay của các DN. "Hiệp hội du lịch có gần 4.000 thành viên trên cả nước nhưng chỉ có vài DN công nghệ. Chúng tôi sẽ sớm thành lập câu lạc bộ các DN du lịch trực tuyến để bàn về những vấn đề nóng cần giải quyết. Từ đó tìm ra một con đường để hợp tác chặt chẽ hơn trước khi chờ đợi sự giúp đỡ của nhà nước" - ông Bình nói.
Bình luận (0)