Cho rằng thứ tự ưu tiên bố trí vốn ngân sách của Chính phủ chưa hợp lý, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị sắp xếp lại, song Chủ tịch Quốc hội lại có quan điểm khác.
Ưu tiên nào số một?
Tiếp tục phiên họp thứ 40, chiều 10-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Theo tờ trình của Chính phủ, thứ tự ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực, chương trình của các bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn 2016-2020 được quy định theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Cụ thể, ưu tiên đầu tiên bố trí vốn hỗ trợ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong những ngành, lĩnh vực có dự án PPP. Ưu tiên thứ hai là bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA.
Thứ ba là thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn vốn đã ứng trước.
Ưu tiên thứ tư là bố trí vốn cho những dự án hoàn thành trước ngày 31-12-2014 nhưng còn thiếu vốn, các dự án của giai đoạn 2011-2015 chuyển sang giai đoạn 2016-2020. Cuối cùng bố trí vốn cho các dự án khởi công mới có đủ thủ tục đầu tư và cân đối được nguồn vốn.
Cho rằng thứ tự này chưa thật hợp lý, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị sắp xếp lại.
Theo đó, ưu tiên đầu tiên là xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn đã ứng trước, vì nợ đọng xây dựng cơ bản và vốn ứng trước khá cao đang rất phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương. Việc thực hiện Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước đòi hỏi phải xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản.
Có ý kiến đề nghị bổ sung vào thứ tự ưu tiên này việc hỗ trợ các dự án quan trọng, cấp bách của quốc phòng - an ninh, hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho biết.
Ưu tiên thứ hai là bố trí vốn hỗ trợ đầu tư PPP trong những ngành, lĩnh vực có dự án PPP; bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA.
Vì đây là những nguồn vốn đối ứng có thể huy động vốn tối đa và có hiệu quả của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo.
Ưu tiên thứ ba là bố trí vốn cho những dự án hoàn thành trước ngày 31-12-2014, có đầy đủ thủ tục đầu tư nhưng còn thiếu vốn và các dự án của giai đoạn 2011-2015 còn dở dang chuyển sang giai đoạn 2016-2020, để phát huy hiệu quả đầu tư, không gây lãng phí.
Ưu tiên cuối cùng, theo cơ quan thẩm tra là bố trí vốn cho các dự án khởi công mới có đủ thủ tục đầu tư và cân đối được nguồn vốn.
“Ăn nhậu, đánh bạc” thì nợ tự lo
Tuy nhiên, việc xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản được coi là ưu tiên thứ nhất lại không nhận được sự đồng tình của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Với câu hỏi là trong gia đình nếu có con cái ăn nhậu hay đánh bạc mà mắc nợ, thì có phải lần nào cha mẹ cũng đứng ra trả hay không, Chủ tịch Quốc hội cho rằng với những dự án mà chủ đầu tư cố tình tăng vốn không đúng quy định hay "bài bây" nợ nần dây dưa, thì không thể ưu tiên trả được, mà phải tự lo lấy.
Vốn hỗ trợ đầu tư PPP hay vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA, theo Chủ tịch là cần ưu tiên, nhưng ODA vẫn là số một, Chủ tịch nhấn mạnh.
Bên cạnh thứ tự ưu tiên, về các nguyên tắc chung trong bố trí vốn, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng cần bỏ nguyên tắc “các bộ, ngành trung ương và địa phương bố trí vốn dự phòng ở cấp Trung ương và các cấp chính quyền địa phương theo quy định tại nghị định của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm”.
Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương không được phép trích dự phòng, ông Hiển giải thích.
"Mỗi bộ dự phòng một cục thì gay, dự phòng ở cấp bộ hay địa phương là không được" - Chủ tịch Quốc hội đồng tình.
Bình luận (0)