Nghị quyết 120 của Chính phủ đã chỉ rõ những điểm yếu trong liên kết vùng, nhìn từ khu vực công lẫn khu vực tư. Phương châm "8G" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là sự tiếp nối, đồng thời mang tính phát hiện qua 3 năm tổ chức thực hiện nghị quyết "thuận thiên".
Còn "xung đột lợi ích"
Nửa tháng qua, xoài Đài Loan tại ĐBSCL rớt giá thê thảm, có nhà vườn phải vứt xoài xuống ao cho cá ăn vì không bán được. Ông Lê Vĩnh Tuấn, cán bộ nông nghiệp xã Trung Chánh (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), cho biết toàn xã có khoảng 20 ha trồng xoài Đài Loan, vụ này là mùa thuận nên năng suất khá, khoảng 4 tấn/ha. Từ sau Tết đến nay, giá xoài chỉ được thương lái mua tại vườn từ 5.000-6.000 đồng/kg, giảm từ 7.000-8.000 đồng/kg.
Nhiều nhà vườn cho rằng xoài Đài Loan chỉ để ăn sống, không thể bảo quản được lâu, nếu không bán thì chỉ còn cách hái rồi đem cho. Lâu nay người trồng xoài chỉ bán cho thương lái chứ không hề biết liên kết với doanh nghiệp (DN) nào nên luôn bí đầu ra khi dội hàng.
Ngồi thẫn thờ bên ao tôm từng bị nhóm thương lái dàn cảnh trộm hơn nửa số tôm thu hoạch chấn động Cà Mau hồi tháng 5-2020, ông Lê Duy Châu (ngụ huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) chợt nhận ra rằng nếu được nằm trong chuỗi liên kết "4 nhà" thì có thể hoàn toàn tránh được việc này.
"Hai ao tôm của tôi đến ngày thu hoạch ước lượng 8 tấn. Nếu có DN bao tiêu thì tôi không cần phải bán cho thương lái, vừa bị ép giá vừa bị gian lận. Khi phát hiện thủ đoạn trộm tinh vi của thương lái thì 2 ao tôm của tôi chỉ còn 3 tấn, mất khoảng 5 tấn. Mặc dù nhóm trộm tôm đã bị xử lý nhưng các cơ quan tố tụng chỉ chứng minh được tôi bị mất 2,5 tấn, nghĩa là tôi chỉ được bồi thường giá trị 2,5 tấn. Vụ này tôi vẫn lỗ nặng dù tóm được nhóm gian thương" - ông Lê Duy Châu buồn bã nói.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, việc giảm diện tích lúa vụ 3, phát triển mô hình lúa - tôm, chuyển lúa sang trồng cây ăn trái là hướng đi phù hợp cho nông dân trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) như hiện nay. Tuy nhiên, phải giải quyết đầu ra và không để thương lái hoành hành thì mới đem lại hiệu quả thực sự.
"Chúng ta cần định hướng tư duy từng vùng, vùng nào trồng cây gì. Từ định hướng đó, chúng ta mới kết hợp nông dân với nông dân thành những hợp tác xã và liên kết với DN.
Trong khi đó, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho rằng việc phát triển ĐBSCL thích ứng với BĐKH không chỉ là vấn đề của Chính phủ, các bộ, ngành hay của từng địa phương mà là vấn đề của tất cả địa phương trong khu vực. Thực tế từ địa phương cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến liên kết vùng thời gian qua chưa đạt được nhiều kết quả là do một số địa phương đã gặp phải vấn đề "xung đột lợi ích", tỉnh - thành nào cũng muốn bứt phá nên xảy ra tình trạng cạnh tranh với nhau.
Nhiều người trồng xoài Đài Loan ở ĐBSCL đang lao đao vì chưa gắn kết với doanh nghiệp. Ảnh: NGỌC TRINH
Kỳ vọng gắn kết
Theo TS Trần Hữu Hiệp, muốn huy động được sức dân, muốn "G4 - Gắn kết" hiệu quả thực sự thì nhà nước phải xây cho được "mặt bằng" - nền tảng và "cái trục" để vận hành liên kết.
Nền tảng đó là hạ tầng kinh tế, kỹ thuật mà trước tiên là giao thông, thủy lợi, logistics, là nguồn nhân lực và khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu mới trước thách thức, cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.
"Cái trục" đó là cơ chế, chính sách liên kết vùng cần được nghiên cứu, đổi mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn là chất keo kết dính hợp tác. Cần thiết cũng nên thử nghiệm các cơ chế, chính sách, mô hình điều phối liên kết vùng như cơ chế tài chính sáng tạo trong đầu tư công và khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân mạnh mẽ hơn.
"Với tư duy mới trong phát triển vùng, yêu cầu kết nối nội vùng và liên vùng, chủ động bố trí vốn ngân sách và tạo ra cơ chế, hành lang pháp lý thông thoáng để ngành, địa phương chủ động huy động vốn đầu tư. Chữ "Gắn" của Thủ tướng Chính phủ cần được nghiên cứu, làm rõ hơn và thực thi hiệu quả hơn trong thực tiễn" - TS Hiệp đề xuất.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, BĐKH là vấn đề vượt ra ngoài ranh giới hành chính một tỉnh, cần tiếp cận và giải quyết theo vùng, thông qua hành động tập thể. Do đó, 13 tỉnh, thành ĐBSCL cần nhìn về một hướng, với nhận thức chung, mục tiêu chung, từ đó chủ động trong hợp tác, liên kết với phương châm "muốn đi nhanh thì hãy đi một mình, muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau".
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ BĐKH, nước biển dâng gây ra nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan. Các can thiệp và giải pháp cho đến nay phần lớn còn mang tính cục bộ ở từng địa phương hoặc được tổ chức theo từng ngành, do đó đã dẫn đến ảnh hưởng kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân trong vùng. Do đó, Chính phủ sớm ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển vùng, dành một khoảng vốn đầu tư ưu tiên cho vùng ĐBSCL để đầu tư kết cấu hạ tầng, ứng phó BĐKH và các dự án liên kết vùng theo Nghị quyết 120.
Kết nối ĐBSCL với TP HCM và cả nước
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề xuất Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối nội vùng với TP HCM và đến các vùng, miền cả nước. Qua đó tạo động lực phát triển TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung như: dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2; dự án nạo vét cải tạo kênh mương Khai Đốc Phủ Hiền kết nối giữa sông Tiền và sông Hậu; xây dựng, phát triển cảng Cái Cui thành cảng biển quốc tế, đạt quy mô hoàn chỉnh gồm 4 bến và hệ thống kho bãi đồng bộ, hiện đại theo quy hoạch cảng biển ĐBSCL; sớm triển khai đầu tư tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ...
(*) Xem trên Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-3
Bình luận (0)