Tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết 120 (NQ 120) của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh giáo dục và phát triển nguồn nhân lực vừa là chìa khóa vàng phát triển bền vững, vừa là đáp án cho bài toán phát triển ngắn hạn lẫn dài hạn. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý rằng vấn đề giáo dục, đào tạo chưa được nêu nổi bật trong NQ 120.
Xóa bỏ quan niệm "không học thì về làm ruộng"
Thời gian gần đây, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhằm cố gắng thoát ra khỏi "vùng trũng" giáo dục của cả nước nhưng theo số liệu thống kê, phân tích từ nhiều nhà chuyên môn, giáo dục ĐBSCL vẫn chậm hơn hàng chục năm so với mặt bằng chung cả nước.
Dạy nghề tại Trường Cao đẳng Cơ điện Nông nghiệp Nam Bộ .Ảnh: TẤN THẠNH
ĐBSCL có trên 21 triệu dân, đóng góp 17% GDP, 92% sản lượng lương thực cho cả nước, 66% sản lượng thủy sản… nhưng lại có 10% dân số mù chữ và tái mù chữ, 80% lao động chưa qua đào tạo. Tỉ lệ sinh viên đại học và sau đại học chỉ chiếm hơn 4% dân số trong độ tuổi 20-24. Tính theo tỉ lệ dân số thì chỉ có 190 sinh viên/10.000 dân, trong khi bình quân cả nước là 240 sinh viên/10.000 dân…
Bậc THPT, tỉ lệ nhập học đúng độ tuổi của ĐBSCL dưới 50% (bình quân cả nước là 60%), trong khi tỉ lệ bỏ học lại nằm trong tốp cao. Các bậc học khác cũng tương tự. Chuyện thiếu trường, thiếu lớp, thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên… cũng luôn đứng đầu bảng.
Suốt dải rừng phòng hộ hơn 5.000 ha ven biển Bạc Liêu hiện có gần 900 hộ với khoảng 2.500 nhân khẩu. Cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, vào những sản vật ven biển nên dường như không ai đặt nặng chuyện học hành của thế hệ trẻ. Một chủ hộ là bà Nguyễn Thị Hạnh (ngụ xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) cho biết những người con của bà chỉ đi học để biết chữ, rồi cũng bỏ học quay về rừng kiếm sống. "Tôi có 3 đứa con nhưng không đứa nào học lên cấp 2. Hoàn cảnh quá khó khăn, kiếm cái ăn qua ngày đã khó, không thể lo cho con học cao lên được" - bà Hạnh phân trần.
Quan niệm "không học thì về làm ruộng" được thừa nhận nhiều năm trước nhưng nay đã phải thay đổi. "Hồi xưa bỏ học sớm nên tôi được cha mẹ chia cho 4 ha đất làm ruộng, nuôi tôm. Trải qua nhiều thất bại, bản thân tôi phải học hỏi khắp nơi để rút kinh nghiệm, nuôi tôm theo cách thức bài bản hơn. Tôi nhận ra rằng giờ không có kiến thức về con tôm, hạt lúa thì không thể thành công. Tôi cũng quyết tâm cho 2 người con trai học hành tới nơi tới chốn" - ông Ngô Minh Nguyên, người nuôi tôm ở xã Vĩnh Mỹ A (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu), quả quyết.
Thu hút nhân tài, nâng chất lượng đào tạo
Tại hội nghị lần thứ 3 thực hiện NQ 120, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở: "Giáo dục là chìa khóa vàng của phát triển bền vững đối với ĐBSCL". Thứ nhất là giáo dục cơ bản, bảo đảm mọi người cần học hết bậc phổ thông, không được phép để trẻ em nào không được đến trường vì điều kiện tài chính. Thứ hai là giáo dục nghề, bảo đảm người dân có cơ hội tiếp cận việc làm cơ bản. Thứ ba là giáo dục trình độ cao, là cơ sở chuyển đổi cao hơn về năng suất và thu nhập, bao gồm cả quản lý cao cấp.
Xem ra cả nội hàm này hiện tại vùng ĐBSCL chưa đáp ứng được. Thực trạng việc làm tại ĐBSCL đã đến hồi báo động. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân nêu: "Cà Mau có đến 200.000 người, chiếm 1/3 lực lượng lao động của tỉnh đi các tỉnh miền Đông, Bình Dương, TP HCM tìm việc làm".
GS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng nguồn nhân lực của ĐBSCL hiện nay thiếu và yếu không chỉ trong lĩnh vực như công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ cao trong nông nghiệp, thủy sản, quản lý môi trường… mà còn thiếu và yếu ở cấp lao động cung ứng cho các doanh nghiệp (DN), các khu công nghiệp mới mở. Ngành mạnh nhất của ĐBSCL hiện nay là nông nghiệp, chế biến thủy sản, rau quả, công nghệ sau thu hoạch… nhưng rất thiếu lao động, kể cả lao động phổ thông.
Ông Nguyễn Quốc Vững, nguyên Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Cần Thơ, đang làm đại diện để tuyển lao động cho nhiều DN tại ĐBSCL, phân tích: Nói đến lao động chất lượng cao thì ngoài kiến thức, sinh viên khi ra trường phải có khả năng vận dụng kiến thức đã học và năng động trong thực thi công việc, có thể làm được nhiều việc và nhiều vị trí.
Về chính sách thu hút nhân tài, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết UBND TP đã chỉ đạo Sở Nội vụ tổng kết Nghị quyết của HĐND TP về việc này và tham mưu chính sách mới cho UBND TP để phù hợp với đặc thù, điều kiện mới.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-3
Trường ĐH Cần Thơ chủ trì "Đối thoại 2045"
GS-TS Hà Thanh Toàn cho biết thấy được trách nhiệm của Trường ĐH Cần Thơ đối với đào tạo nguồn nhân lực cho ĐBSCL, nhằm đầu tư trường xứng tầm để đạt được đẳng cấp quốc tế trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam đã vay của Chính phủ Nhật Bản 106 triệu USD (vốn vay ODA) thực hiện dự án "Nâng cấp Trường ĐH Cần Thơ", thực hiện từ 2015-2022. Trong đó sẽ đào tạo 60 tiến sĩ và hơn 100 kỹ thuật viên cho các phòng thí nghiệm của trường, xây dựng 2 tòa nhà công nghệ cao làm nơi thực tập cho các ngành nông nghiệp, thủy sản và môi trường.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Trường ĐH Cần Thơ chủ trì "Đối thoại 2045", tập hợp các nhà trí thức, nhà khoa học, DN ngồi lại với chính quyền để lên kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho ĐBSCL. Điều đó thể hiện tầm nhìn và vai trò của Chính phủ trong hỗ trợ để phát triển bền vững ĐBSCL khi thực hiện NQ 120.
Duy Nhân - Ca Linh
Bình luận (0)