Ngày 14-4, tại huyện đảo Phú Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang về tình hình kinh tế - xã hội cũng như nghe ý kiến của các bộ, ngành về việc thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc.
Khai thác lợi thế
Theo báo cáo của tỉnh Kiên Giang, huyện đảo Phú Quốc tách biệt khá xa so với đất liền, cách TP Rạch Giá 120 km và cách thị xã Hà Tiên 50 km. Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện đảo này gần 59.000 ha, gồm 27 hòn đảo. Riêng đảo Phú Quốc có diện tích lớn nhất với khoảng 56.700 ha.
Với những lợi thế hiện có, tỉnh Kiên Giang đề xuất với Chính phủ về việc thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc thuộc tỉnh. Theo đó, xây dựng và phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc bằng chính sách ưu đãi đặc biệt, đủ sức cạnh tranh quốc tế nhằm sớm đưa huyện đảo này thành trung tâm du lịch - dịch vụ lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á theo mô hình kinh tế mở và hướng ngoại.
Huyện Phú Quốc hiện có 254 dự án với diện tích 10.388 ha, tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 377.836 tỉ đồng. Trong đó, 22 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn 282 triệu USD.
Phú Quốc đang tập trung xây dựng các công trình trọng điểm như Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc giai đoạn II với tổng vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng, cảng biển quốc tế An Thới cùng dự án đê chắn sóng và nạo vét luồng cửa sông Dương Đông với tổng mức đầu tư gần 200 tỉ đồng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang khảo sát hướng tuyến để đầu tư thêm đường điện cáp ngầm 110 KV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc.
Người dân phải được chia sẻ lợi ích
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng có thể xem Kiên Giang như một Việt Nam thu nhỏ vì có vị thế về an ninh - quốc phòng và đang phát triển với tốc độ cao so với bình quân cả nước. Nổi bật nhất là trong những năm gần đây đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến đây đầu tư.
Thủ tướng cho biết Bộ Chính trị đã chấp thuận chủ trương cho huyện Phú Quốc trở thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đầu tiên trong cả nước. Để mô hình này mang lại hiệu quả, Kiên Giang phải phấn đấu, đổi mới toàn diện trên cơ sở phát huy lợi thế vốn có và gắn phát triển kinh tế biển với tầm nhìn mới. “Phú Quốc phải là viên ngọc lớn, khu du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và nhiều nhà đầu tư lớn hơn nữa. Để Phú Quốc trở thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, phải có cơ chế đặc biệt với hệ thống giao thông thông minh, hiện đại nhưng phải giữ được văn hóa của địa phương, nhất là bảo vệ môi trường. Chúng ta không để cho người dân đứng bên lề của sự phát triển mà đào tạo nghề cho những người bị mất đất tham gia dự án trên tinh thần chia sẻ lợi ích một cách hài hòa giữa người dân với doanh nghiệp” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các bộ, ngành đã chấp thuận nhiều kiến nghị của tỉnh Kiên Giang để sớm đưa Phú Quốc trở thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Đồng ý thành lập huyện Thổ Châu
Qua xem xét ý kiến của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng như các bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý thu hồi chủ trương đầu tư nhà máy nhiệt điện Kiên Lương tại huyện Kiên Lương của Công ty CP Năng lượng Tân Tạo và dự án cảng nước sâu Nam Du tại huyện Kiên Hải của Công ty CP Tập đoàn Tân Tạo do không được triển khai để tìm kiếm nhà đầu tư khác.
Thủ tướng cũng đồng ý cho UBND tỉnh Kiên Giang làm thủ tục để thành lập huyện đảo Thổ Châu trên cơ sở xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc.
Bình luận (0)