Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM (FFA), một lần nữa "tố" Bộ Y tế làm khổ doanh nghiệp (DN).
Rào cản sản xuất
Trước đó, ngày 14-3, Bộ Y tế có Công văn 1216 hướng dẫn thực hiện Nghị định 09/2016 (hiệu lực từ ngày 15-3-2017) quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các DN chế biến thực phẩm để tiêu dùng trong nước có sử dụng muối đều phải sử dụng muối có tăng cường i-ốt.
Bà Chi cho rằng công văn này không triển khai đúng tinh thần của Nghị định 09 và gây khó khăn cho DN do không phù hợp trong thực tế sản xuất - kinh doanh thực phẩm tại Việt Nam. Từ đó đến nay, FFA đã nhiều lần kiến nghị bằng văn bản, trình bày trực tiếp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ Y tế, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm về những khó khăn trong thực hiện. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã chỉ đạo gỡ vướng cho DN nhưng Bộ Y tế vẫn không có động thái giải quyết triệt để.
Quy định bổ sung i-ốt vào thực phẩm chế biến đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp
Ảnh: TẤN THẠNH
Ngoài FFA, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đã nhiều lần kiến nghị Bộ Y tế bãi bỏ nội dung hướng dẫn không đúng tinh thần Nghị định 09. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, quy định này còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tế sản xuất - kinh doanh hàng thực phẩm hiện nay của Việt Nam bởi một số sản phẩm thực phẩm nếu có thêm i-ốt trong thành phần sẽ gây biến đổi màu và mùi, mất khả năng chống ôxy hóa… Hơn nữa, do i-ốt có tính thăng hoa, dễ tương tác với các thành phần khác trong thực phẩm và biến đổi khi gặp nhiệt độ cao… nên sản phẩm không bảo đảm được chất lượng như công bố của nhà chế biến hoặc theo tiêu chuẩn thành phẩm. Quy định này còn tạo thêm rào cản không cần thiết ở góc độ thương mại, do các sản phẩm trên toàn cầu khi nhập khẩu Việt Nam sẽ phải thay đổi nguyên liệu nếu trong thành phần thực phẩm đó có chứa muối.
Thiếu thực tế, vô bổ
Một số DN sản xuất lương thực, thực phẩm trên địa bàn TP HCM thừa nhận đang gặp nhiều trở ngại vì quy định của Bộ Y tế bởi trong thực tế sản xuất, có những sản phẩm đặc thù khi bổ sung i-ốt vì sẽ làm thay đổi màu sắc, mùi vị sản phẩm. Ngoài ra, với những DN xuất khẩu, làm theo đặt hàng, phía nước ngoài không yêu cầu sử dụng muối i-ốt, nay bắt buộc có i-ốt thì phải thông báo với khách hàng, phải khai báo và đăng ký lại sản phẩm. Một số DN đăng ký lại Giấy chứng nhận công bố sản phẩm (thời hạn 5 năm/lần) tại Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM đã bị trả hồ sơ, yêu cầu bổ sung với lý do nhãn chưa đúng vì không ghi có thành phần muối i-ốt… Hiện cả chục hồ sơ đăng ký chứng nhận công bố sản phẩm của DN đang bị ách lại. Nếu quy định trên không được sớm gỡ bỏ thì sắp tới, các DN mì ăn liền, bột các loại sẽ phải vất vả đăng ký lại hồ sơ công bố sản phẩm. "Việc bắt buộc sử dụng muối i-ốt đại trà trong chế biến thực phẩm có thể dẫn đến hoạt động sản xuất tại các DN chế biến thực phẩm bị đảo lộn, tăng chi phí mà hiệu quả lại chưa rõ ràng. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Bộ Y tế làm rõ và quy định giới hạn cụ thể hoạt động chế biến thực phẩm nào bắt buộc sử dụng muối i-ốt; sớm có văn bản thông báo cụ thể về danh mục các ngành hàng chế biến đặc thù ngành lương thực - thực phẩm được miễn dùng muối tăng cường i-ốt để kịp tháo gỡ khó khăn cho DN" - bà Chi kiến nghị.
Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam, thẳng thắn cho rằng việc Bộ Y tế đưa ra quy định về muối i-ốt cho thấy những cán bộ soạn thảo quy định chỉ ngồi bàn giấy, không am hiểu về chuyên môn nên mới "phán" thiếu thực tế và không cần thiết. Theo ông Ký, khoa học đã ghi nhận tinh chất i-ốt tồn tại, biến mất ở những nhiệt độ khác nhau, thực tế sản xuất cũng cho thấy rất nhiều sản phẩm qua chiên xào, nấu nướng, tinh chất i-ốt biến mất, nếu có bổ sung trong quá trình sản xuất chỉ gây lãng phí và thêm phiền toái cho DN.
Trước phản ứng mạnh mẽ, kiên trì của cộng đồng DN, ngày 27-10, Bộ Y tế đã có Công văn 6134 chỉ đạo các đơn vị y tế địa phương chỉ thực hiện kiểm tra các DN sản xuất muối i-ốt, không kiểm tra các DN sản xuất thực phẩm có sử dụng muối i-ốt. "Công văn 6134 không nhắc gì đến Công văn 1216 nhưng có thể ngầm hiểu là Bộ Y tế đã bãi bỏ những quy định không phù hợp, gây rắc rối cho DN sản xuất thực phẩm có sử dụng muối i-ốt. Chúng tôi sẽ làm việc với Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM để xin xác nhận chính thức về nội dung Công văn 6134, nếu Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM chấp nhận thì đây sẽ là tin mừng đối với DN không chỉ ở TP HCM mà các địa phương khác" - bà Chi nói.
Bộ Y tế: "Hợp lý"
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết chương trình phòng chống rối loạn thiếu i-ốt từ năm 1994 đến 2005 đã làm giảm tỉ lệ bệnh bướu cổ ở trẻ em (8-10 tuổi) nhờ tăng hàm lượng i-ốt trong cơ thể người Việt Nam. Tuy nhiên, đến năm 2015, sau khi việc sử dụng muối i-ốt chỉ mang tính tự nguyện thì tỉ lệ trẻ em bị bướu cổ tăng lên 9,8%. Đây là vấn đề sức khỏe cộng đồng và cần can thiệp về chính sách theo khuyến cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF). Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 09 ngày 28-1-2016 và có hiệu lực từ ngày 15-3-2017, trong đó quy định "muối ăn dùng trong chế biến thực phẩm, muối ăn thông thường phải được tăng cường i-ốt, đồng thời quy định thực phẩm bắt buộc phải tăng cường vi chất i-ốt".
Theo ông Quang, về việc i-ốt có mất đi trong chế biến, làm biến đổi màu sắc, có gây cản trở trong hoạt động thương mại hay không..., Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới, UNICEF cùng các chuyên gia đã cung cấp các bằng chứng trong nước và thế giới một cách khách quan cho thấy không có ảnh hưởng.
NG.DUNG
Đừng áp dụng cứng nhắc
PGS-TS Trần Quang Trung - nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam - cho rằng do i-ốt dễ ôxy hóa và biến chất trong quá trình chế biến, ảnh hưởng đến màu sắc, mùi vị, cảm quan của sản phẩm nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, i-ốt rất dễ bay hơi, trong khi sản phẩm chỉ cho một lượng nhỏ, có thể tại thời điểm sản xuất thì có i-ốt nhưng đến khi kiểm nghiệm, chất này lại bốc hơi gần hết, không thể hiện trong kết quả kiểm nghiệm. Lúc này, DN bị cho rằng lừa đảo người tiêu dùng, vi phạm quy định. Do đó, cần có danh mục những sản phẩm nào cần thiết bổ sung i-ốt, sản phẩm nào không cần. Không thể cứng nhắc sản phẩm nào dùng muối là phải dùng muối i-ốt. Chỉ nên quy định sử dụng muối i-ốt cho các DN chế biến muối, sản xuất gia vị, hạt nêm.
"Theo tôi, cần có nghiên cứu, đánh giá khu vực nào thiếu i-ốt để tăng cường sản phẩm bổ sung i-ốt. Không phải người tiêu dùng nào cũng bị bướu cổ do thiếu i-ốt. Quy định phải dùng muối i-ốt vô tình tạo nên hàm lượng i-ốt cao trong thành phẩm mà thừa i-ốt thì nguy hiểm hơn thiếu" - ông Trung nhấn mạnh.
Bình luận (0)