Sáng 10-11, khách hàng đi siêu thị MM Mega Market An Phú (TP Thủ Đức, TP HCM) tỏ ra khá tò mò, thích thú với khu vực trưng bày và bán các sản vật trong "Tuần hàng OCOP - Sản vật Việt Nam Phát triển và Hội nhập". Nhiều người tranh thủ mua vài sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") được mang từ các địa phương trong cả nước.
Đưa hàng vào các kênh bán lẻ hiện đại
"Tuần hàng OCOP - Sản vật Việt Nam phát triển và hội nhập" là chương trình do Sở Công Thương TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng phối hợp với MM Mega Market Việt Nam tổ chức kéo dài từ ngày 10 đến 13-11.
Trong chương trình này, 3 địa phương cùng MM Mega Market tổ chức 150 gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá hoàn toàn miễn phí cho các doanh nghiệp (DN), HTX, cơ sở sản xuất, nông trại… đạt chứng nhận OCOP trên cả nước.
Có gian hàng trưng bày tại MM Mega Market An Phú, chị Nguyễn Thị Hồng Quyên, Giám đốc Công ty TNHH Cô Ba Chuyên, cho biết đang tái khởi động kế hoạch đưa bưởi Tân Triều nổi tiếng của huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai vào kênh phân phối hiện đại để tăng uy tín thương hiệu lẫn độ phủ thị trường cho sản phẩm.
"Trước đây, khi chưa có chứng nhận OCOP, chúng tôi đã chào hàng vào một số hệ thống siêu thị nhưng chưa thể đàm phán hợp đồng vì không đủ nguồn lực tài chính đáp ứng yêu cầu về công nợ, tỉ lệ chiết khấu… Từ khi lấy chứng nhận, chúng tôi được nhiều địa phương tạo điều kiện tham gia các chương trình kết nối cung cầu, các hội chợ đặc sản vùng miền để quảng bá sản phẩm và tiếp cận nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng. Nhờ đó, công ty có thêm nhiều cơ hội hợp tác" - chị Hồng Quyên cho hay.
Cũng mong muốn tìm đầu ra ổn định với giá cả hợp lý cho trái cam organic thương hiệu Ba Tình, chị Trần Thị Huyền, đại diện nông trại Ba Tình (Cà Mau), cho biết đang bán hàng cho một số siêu thị và đại lý lẫn khách hàng trực tiếp.
"Nông trại có 8 ha cam, 10 ha xoài vừa đạt chứng nhận organic Việt Nam trong năm 2022. Chứng nhận này giúp chúng tôi tự tin giới thiệu sản phẩm đến các hệ thống phân phối hiện đại, tìm thêm đầu mối tiêu thụ chuyên nghiệp vào dịp cuối năm" - chị Huyền bộc bạch.
Cô Nguyễn Ánh Nguyệt, chủ cơ sở tôm khô Phương Nguyệt (Bạc Liêu) chuyên sản xuất tôm khô từ nguồn tôm tự nhiên, cho biết do chưa xây dựng được hệ thống phân phối riêng nên đến nay, mảng bán lẻ trực tiếp chỉ chiếm 3%-4% tổng doanh thu của cơ sở. "Nếu tìm được đại lý bán hàng hoặc bán được vào siêu thị, thương hiệu của chúng tôi sẽ được khách hàng biết đến nhiều hơn, lợi nhuận bán lẻ cũng tốt hơn" - cô Nguyệt bày tỏ.
Nhiều doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất mong muốn tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP
Mở thêm đầu ra
Thực tế vài năm trở lại đây, với chủ trương phát triển kinh tế nông thôn trọng điểm, các tỉnh, thành đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng, phát triển, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Các hệ thống phân phối hiện đại cũng tích cực tham gia hỗ trợ tư vấn các chủ thể OCOP nâng cao tính chuyên nghiệp, cải tiến chất lượng sản phẩm, bao bì mẫu mã... và đưa sản phẩm OCOP vào kênh bán lẻ hiện đại.
Các địa phương còn đẩy mạnh phân phối sản phẩm OCOP qua kênh thương mại điện tử. Ông Nguyễn Thanh Thống, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông số MekgExpo (tỉnh Cần Thơ), cho biết công ty vừa đưa vào vận hành sàn thương mại điện tử mekongexpo.vn dành riêng cho sản phẩm OCOP. Hiện đã có trên 200 mặt hàng nông sản chế biến đạt chuẩn OCOP của Cần Thơ, khu vực ĐBSCL và cả các tỉnh, thành khác.
"Nhiệm vụ chính của sàn là tư vấn, giúp các DN, HTX, cơ sở sản xuất OCOP đưa sản phẩm lên kênh bán hàng trực tuyến. Trong tuần sau, công ty sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cần Thơ tập huấn cho khoảng 300 DN có sản phẩm OCOP với hơn 4.000 sản phẩm đưa sản phẩm lên sàn" - ông Thống cho biết.
Theo ông Thống, hiện các tỉnh ĐBSCL đều có sàn thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, các sàn này chưa năng động trong việc sử dụng các công cụ marketing online để nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần mở rộng đầu ra cho sản phẩm OCOP của địa phương mình và cả khu vực.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết để tạo sức lan tỏa trong nhận thức của cộng đồng về chất lượng, đa dạng của các sản phẩm OCOP và sự đồng hành của các hệ thống phân phối trên địa bàn, Sở Công Thương đã đề nghị các hệ thống phân phối trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP, trái cây, nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, làng nghề của TP HCM và các tỉnh, thành vào hệ thống phân phối.
Đồng thời, tăng cường tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ, tuần lễ hàng OCOP tại các siêu thị; tạo điều kiện để các sản phẩm OCOP, trái cây, nông sản của TP HCM và các tỉnh, thành khu vực miền Nam được trưng bày tại vị trí thuận lợi trong hệ thống phân phối để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, lựa chọn, tiêu thụ sản phẩm.
Cũng theo ông Minh Tú, ngày 17-11 sắp tới, TP HCM sẽ phối hợp với các tỉnh, thành tổ chức Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa và giới thiệu hàng hóa đặc sản các địa phương đến người dân, DN thành phố. Các sản phẩm của địa phương tham gia trưng bày, giới thiệu tại hội nghị này đều đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 5 sao.
Hạ giá thành để tăng sức cạnh tranh
Với vai trò là nhà phân phối các sản phẩm OCOP, ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc marketing MM Mega Market, thông tin: "Theo thống kê của chúng tôi, sản phẩm OCOP đang tiêu thụ tốt tại những siêu thị có phân khúc khách hàng khá trở lên, còn ở những siêu thị có phân khúc khách hàng bình dân thì nhận diện "sản phẩm OCOP" không hấp dẫn bằng chính sách giá tốt.
Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của nhà nước, địa phương, sở - ngành chức năng và các DN phân phối trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP lẫn hỗ trợ đầu ra, giúp tăng quy mô sản xuất, hạ giá thành. Có như thế mới giúp được sản phẩm OCOP có thể trụ vững và tăng sức cạnh tranh trên thị trường".
Bình luận (0)