Theo số liệu của Bộ Tư pháp, cả nước có trên 1 triệu văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có đến vài ngàn văn bản vi phạm pháp luật. Không chỉ các bộ, ngành mà cấp phường, xã cũng có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sự phức tạp này dẫn đến hệ quả là thủ tục đầu tư, những quy định mà doanh nghiệp (DN) được phép và không được phép làm ở mỗi địa phương mỗi khác...
Nhất bên trọng, nhất bên khinh
Tại một hội thảo ở Hà Nội về phát triển kinh tế tư nhân mới đây, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, thẳng thắn chỉ rõ luật ở Việt Nam không nhiều nhưng thông tư, nghị định thì vô số. Vì được xây dựng dựa trên ý chí của một bộ hoặc một nhóm người nên các văn bản dưới luật có thể “sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng”! Giữa một rừng văn bản liên tục được ban hành, sửa đổi, chồng chéo hoặc chỏi nhau như vậy, DN tuân thủ chỗ này sẽ vi phạm chỗ khác.
Giám đốc một DN quảng cáo uy tín tại TP HCM cho biết ông sợ nhất là sự thiếu nhất quán trong hành xử của chính quyền địa phương. Luật Quảng cáo ban hành ngày 21-6-2012 nêu rõ các địa phương phải quy hoạch quảng cáo ngoài trời và theo đó, các công ty quảng cáo chỉ gửi hồ sơ lên sở văn hóa để duyệt nội dung. Luật là vậy nhưng nhiều địa phương không quy hoạch, dẫn đến việc cấp phép bị rối tung.
Hệ quả là hiện nay, DN được hay không được phép đặt bảng quảng cáo ngoài trời, nhất là ở những khu vực “vàng”, không theo quy chuẩn nào mà chủ yếu dựa vào khả năng, mối quan hệ. “Như vậy, DN làm dịch vụ quảng cáo gặp rất nhiều phiền hà, mệt mỏi, vừa phải giải thích cho khách hàng vừa phải chiều theo sự thích hay không thích của cá nhân hoặc một nhóm người chứ không phải từ chính sách chung” - ông bức xúc.
Việc thi hành Luật Công chứng (ban hành ngày 20-6-2014) cũng phát sinh nhiều rối rắm, gây không ít phiền hà cho các tổ chức, DN mà lý do chính là do cơ quan chức năng làm việc cứng nhắc. Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK N.P.T - kể DN của ông xây dựng các tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMB, cần công chứng những chứng nhận này để cung cấp cho khách hàng. Nhân viên công ty mang các giấy chứng nhận đó đi công chứng thì phòng công chứng không nhận với lý do các tiêu chuẩn nước ngoài thiếu con dấu.
Sau đó, phòng công chứng chuyển hồ sơ qua phòng tư pháp, phòng tư pháp lại chuyển về lãnh sự quán của nước cấp chứng nhận. Lãnh sự quán phải làm một số thủ tục xác nhận thì mới công chứng được. “Các tiêu chuẩn quốc tế ISO, HACCP, GMB áp dụng theo quy chuẩn chung và vì lý do này mà chúng tôi bị hành, tốn thời gian “chạy” lòng vòng” - ông Vũ nói.
Phải biết... quan hệ
Giám đốc một DN đóng trên địa bàn quận 5, TP HCM cho rằng chính sách “sáng đúng, chiều sai” ám ảnh DN một thì những người đại diện thực thi pháp luật lại làm khổ họ gấp 10. Trong khi các nước phát triển xem DN là đối tượng cần phục vụ, hỗ trợ tối đa để thực thi đúng pháp luật thì tại Việt Nam, không ít cán bộ, công chức coi DN là đối tượng cần kiểm soát, chế tài. “DN không biết có sống được bằng năng lực, tài năng của mình không nếu như thiếu mối quan hệ. Chỉ những người có nhiều mối quan hệ, giỏi “lách” mới phát triển được” - vị này bộc bạch.
Giám đốc một DN chế biến thực phẩm đóng tại huyện Bình Chánh, TP HCM cũng thừa nhận từ khi thiết lập được mối quan hệ với chính quyền địa phương và một số cơ quan chức năng, DN của ông thuận lợi hẳn.
“Trước đây, khi mới về Bình Chánh làm ăn, tôi bị phạt hơn 8 triệu đồng tiền thuế vì những lý do không đâu. Tôi muốn làm cho ra lẽ thì được động viên là nên đóng phạt, nếu không sẽ bị “soi” tiếp, có khi còn bị phạt nhiều hơn. Mấu chốt chính là tôi về địa bàn mà không “quan hệ” với cán bộ thuế phụ trách khu vực nên bị phạt “nhắc nhở”. Sau này, khi đã tạo dựng được mối quan hệ tốt thì mọi việc rất suôn sẻ, không ai gây phiền hà, khó dễ gì” - ông nhớ lại.
Theo vị giám đốc này, giới doanh nhân bây giờ không thể chỉ chăm chăm làm ăn mà còn phải khéo léo tạo quan hệ, nếu không thì khó bề thuận lợi.
Vận động từ thiện kiểu… “khủng bố”
Nhiều chủ DN còn bị bao vây bởi các “phong trào” vận động đóng góp từ thiện, ủng hộ quỹ, mua quà tặng từ thiện, mua sách kỷ niệm của các ngành và cả vận động chào mời quảng cáo, tài trợ, tham gia giải thưởng từ các báo, tạp chí...
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Lửa Việt, ông ngán nhất là những lời chào mời đóng góp để tham gia giải thưởng hoặc trao kỷ niệm chương, trao danh hiệu này nọ; chưa kể hàng loạt chương trình từ thiện mượn danh bộ, ngành, đoàn thể cứ tới tấp “khủng bố”. “Giám đốc DN nhà nước còn lấy lý do xin ý kiến cấp trên để từ chối khéo chứ chúng tôi thì rất khó vì ngại mếch lòng” - ông bày tỏ.
“Hành” đến thế là cùng!
Đại diện Công ty TNHH Dây sợi Á Châu cho biết dù DN xuất khẩu mặt hàng sợi đi các nước rất nhiều, trong thời gian dài nhưng mỗi lần xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi mẫu AANZ đều gặp khó khăn và rất khổ sở. Đơn cử, trên biểu mẫu hóa đơn thương mại của công ty (do DN tự trình bày), phần chữ ký nằm phía bên trái nhưng khi nộp lên cơ quan xin cấp C/O của Bộ Công Thương thì bộ phận tiếp nhận lại nói “không được ký bên trái mà phải ký... bên phải”! Chưa hết, khi nộp hồ sơ, người tiếp nhận nói chưa đúng quy định và hướng dẫn DN về điều chỉnh nhưng hôm sau, một cán bộ khác tiếp nhận hồ sơ lại bác vì cho rằng không đúng. Hai người cùng một đơn vị hướng dẫn chỏi nhau khiến hồ sơ xin cấp C/O mất 10 ngày, thay vì chỉ 2 ngày.
“Chúng tôi chỉ mong lãnh đạo Bộ Công Thương xem lại để DN bớt khó khăn và tiết kiệm nguồn lực trong quá trình làm chứng từ” - vị đại diện này mong mỏi.
T.Phương
Kỳ tới: Gỡ khó cho doanh nhân
Bình luận (0)