Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2018, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh với 4,2 triệu lượt, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu khả quan của ngành du lịch, sau khi Việt Nam đã đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế đến vào năm 2017, tăng 29,1% so với cùng kỳ. Mục tiêu của Việt Nam trong năm nay là đón từ 15-17 triệu lượt khách quốc tế và ngành du lịch đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc xúc tiến hình thành Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch để tăng nguồn lực cho hoạt động quảng bá.
Du khách nước ngoài dạo phố cổ Hội An (Quảng Nam) bằng xe đạp Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa có đề án trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch. Nhìn nhận Việt Nam đang rất hạn chế về quảng bá, xúc tiến du lịch do thiếu cả nguồn lực, phương pháp và hiệu quả đem lại nhưng ông Tuấn cho biết vấn đề sẽ được giải quyết nếu Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch được triển khai.
Theo đó, nguồn hình thành quỹ sẽ do ngân sách nhà nước cấp trong 3 năm đầu, mỗi năm 100 tỉ đồng. Việc cấp vốn được thực hiện sau khi Thủ tướng quyết định thành lập, phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ. Hằng năm, ngân sách nhà nước bổ sung kinh phí cho quỹ bằng 10% tổng thu phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài; 5% phí tham quan, du lịch và các nguồn đóng góp hợp pháp khác của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân…
"Mỗi năm, ngân sách cho hoạt động quảng bá, xúc tiến sẽ có khoảng 400-500 tỉ đồng là rất lớn, gấp 10 lần ngân sách hiện nay. Nếu có quỹ này, cùng với việc chúng tôi sẽ cải thiện cách thức tiếp cận, tổ chức quảng bá sẽ góp phần tạo đột phá cho hoạt động xúc tiến du lịch" - ông Tuấn nói.
Thực tế, hiện Việt Nam dành quá ít cho ngân sách quảng bá, tiếp thị (khoảng 2 triệu USD) so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia. Dù khách quốc tế đến Việt Nam liên tục tăng mạnh trong những năm qua nhưng con số này vẫn khá khiêm tốn nếu so với những điểm đến khác trong khu vực. Vấn đề chủ chốt trong việc tiếp thị Việt Nam thành một điểm đến du lịch hấp dẫn chính là các nguồn lực được phân bổ cho những cơ quan phụ trách quảng bá du lịch. Do đó, việc phải có Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch là bước tiến quan trọng và cần thiết.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, khi đã có quỹ du lịch dành cho xúc tiến quảng bá, phải có kế hoạch tổng thể và "người chỉ huy" chung cho ngành du lịch để giải bài toán về cách thức thực hiện, phân bổ ngân sách cho phù hợp. Đồng thời, cần nhanh chóng thành lập các cơ quan xúc tiến du lịch tại nước ngoài, nhất là các thị trường trọng điểm để thực hiện chương trình xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam. Đây cũng là nơi để du khách có thể nhận được sự hỗ trợ trước và sau khi đến Việt Nam du lịch.
"Cần hướng công tác xúc tiến vào các thị trường mang lại giá trị tiềm năng, nghiên cứu xem thị trường nào là hấp dẫn, khả năng khách lưu trú cao để tập trung quảng bá và xúc tiến mạnh. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia nhằm tập trung được nguồn lực đẩy mạnh quảng bá, định hướng trong năm nay và tập trung khai thác văn hóa ẩm thực, phát triển thành thương hiệu du lịch Việt Nam" - ông Kỳ nói.
Ngoài ra, một trong những vấn đề được doanh nghiệp du lịch quan tâm sau khi Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được thành lập là làm sao tạo nguồn kinh phí tài trợ, cách thức quản lý nguồn quỹ và quỹ sẽ được dùng cho những vấn đề ưu tiên nào nhằm thúc đẩy ngành du lịch phát triển? Chẳng hạn, làm sao cung cấp thêm nhiều nguồn lực để tiếp thị Việt Nam như một điểm du lịch "phải đến" đối với du khách quốc tế…
Bình luận (0)