Ngày 31-3, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về thực hiện cách ly toàn xã hội từ 0 giờ ngày 1-4, khá đông người đã chen chúc ở các siêu thị, chợ để mua thực phẩm.
Hàng hóa dồi dào, không tăng giá
Tại siêu thị Big C (Hà Nội), người dân chủ yếu mua các mặt hàng như gạo, đồ hộp, thực phẩm tươi (thịt heo, thịt gà, hải sản đông lạnh, rau xanh), giấy vệ sinh, bánh mì… Các siêu thị Vinmart và hệ thống Vinmart+ cũng ghi nhận hoạt động mua sắm sôi động hơn từ trưa 31-3.
Tình trạng trên cũng diễn ra tại một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm lớn ở TP HCM.
Đại diện hệ thống siêu thị Big C tại Hà Nội cho hay đã tăng lượng hàng dự trữ lên gấp nhiều lần, đặc biệt thực phẩm tươi sống tăng lên 300%. Big C cũng mở cửa sớm và đóng cửa muộn hơn để phục vụ người dân và cam kết không tăng giá. Ngoài ra, để bảo đảm công tác phòng chống dịch, Big C đã đánh dấu vị trí để khách đến mua hàng giữ khoảng cách an toàn khi xếp hàng thanh toán.
Lường trước khả năng khách hàng ùn ùn đi mua sắm, các hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Big C, Vinmart, Vinmart+, Lotte Mart, Emart, Aeon, MM Mega Market… lẫn các cửa hàng Bách Hóa Xanh, Co.op Food tại TP HCM đã chủ động phối hợp với nhà cung cấp dự trữ, bổ sung hàng lên kệ từ trưa 31-3 cũng như đặt thêm hàng loạt mặt hàng thiết yếu. Ngoài việc liên tục "châm" hàng lên quầy kệ, một số siêu thị phát loa thông báo để trấn an rằng từ ngày 1-4, siêu thị, cửa hàng vẫn mở cửa hoạt động bình thường.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho biết hệ thống đã dự trữ lượng hàng rất dồi dào, bao gồm gạo, mì tôm, đồ hộp, nước tinh khiết, trứng gia cầm, thịt gia súc, giấy vệ sinh… "Người dân có thể dùng 3-6 tháng cũng không hết. Bà con yên tâm, không cần tích trữ hàng hóa" - ông Đức cam kết.
Hệ thống MM Mega Market cũng tập trung các mặt hàng thiết yếu với tổng giá trị hàng hóa dự trữ hơn 1.300 tỉ đồng… Một số hệ thống bán lẻ khác cũng dự trữ hàng trăm tỉ đồng hàng hóa.
Hàng hóa đầy ắp tại Co.opmart Phú Lâm (quận 6, TP HCM) vào chiều 31-3. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tăng mua hàng online
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết TP đã đưa ra các kịch bản cụ thể để cung ứng hàng hóa phù hợp với diễn biến thực tế, chia làm 5 cấp độ. "Tâm lý của người dân chúng tôi hiểu được nhưng tôi bảo đảm lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp luôn đủ cung ứng cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày. Vì vậy, người dân không nên lo lắng, tích trữ nhiều" - bà Lan khẳng định.
Tương tự, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, khuyến cáo người dân không nên mua tích trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm. Đề nghị người dân hạn chế đến các điểm bán tập trung để giảm rủi ro lây nhiễm dịch Covid-19 theo tinh thần khuyến cáo của Bộ Y tế và tích cực mua hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đánh giá các địa phương đã chủ động lên phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời, đáp ứng nhu cầu của người dân, theo từng cấp độ của dịch bệnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu sở Công Thương các địa phương báo cáo tình hình cung cầu và hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, phương án vận chuyển khi có yêu cầu. Ngoài ra, bộ đã chỉ đạo tất cả hệ thống phân phối luôn sẵn sàng bảo đảm nguồn cung, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trên phạm vi cả nước.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Trần Duy Đông khẳng định Bộ Công Thương đã yêu cầu các sở phải đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối nhu yếu phẩm được phép tiếp tục hoạt động; tổ chức các điểm bán hàng lưu động, dã chiến để phục vụ người dân trong các khu vực bị cách ly (nếu có).
Bình luận (0)