Theo quy hoạch phát triển ngành thương mại TP HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP sẽ phát triển thương mại, đưa sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm đến với người tiêu dùng, qua đó thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa TP với các tỉnh, thành; hướng đến vai trò là trung tâm mua sắm - thương mại quốc tế ở Đông Nam Á. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngành công thương TP đã bắt đầu bằng việc triển khai công tác sơ chế hàng hóa nông sản các tỉnh, thành đang phân phối tại 3 chợ đầu mối. Tỉnh Lâm Đồng - địa phương cung ứng số lượng lớn nông sản cho người tiêu dùng TP HCM - được chọn hợp tác trước tiên, tiếp đến sẽ là các địa phương khác.
Dây chuyền đóng gói rau tự động ở HTX Anh Đào (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)
Ba chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn tiếp nhận khoảng 9.205 tấn hàng hóa và thải ra môi trường 240 tấn rác mỗi ngày đêm, trong đó ước tính lượng rác từ các hoạt động sơ chế nông sản tại chợ chiếm khoảng gần 90%. Trung bình mỗi ngày 3 chợ trên tốn gần 67 triệu đồng (tương đương hơn 2 tỉ đồng/tháng) để xử lý hết lượng rác thải này. Sơ chế nông sản tại nguồn hiệu quả không chỉ tiết kiệm được chi phí xử lý rác, giảm thiểu tác động môi trường (do phải tiêu độc khử trùng mặt bằng chợ đầu mối thường xuyên) mà còn mang lại nhiều lợi ích do tận dụng lượng rác thải từ hoạt động sơ chế làm phân xanh cũng như tiết kiệm chi phí vận chuyển, giảm tỉ lệ hao hụt, cải thiện giá trị nông sản... Theo Sở Công Thương TP HCM, nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm của TP tăng đều hằng năm, thay vì bằng mọi cách mở rộng diện tích gieo trồng hoặc bắt đất làm việc không ngừng nghỉ, việc đầu tư công nghệ sau thu hoạch và sơ chế nông sản tại nguồn trước tiên sẽ giúp các nhà cung cấp giảm chi phí, giảm hao hụt (hiện tỉ lệ hao hụt sau thu hoạch hiện lên đến 30%), tăng thời gian bảo quản, vừa tối đa hóa lợi nhuận vừa bảo vệ môi trường. TP HCM thì giải quyết được bài toán rác thải và cải thiện môi trường hoạt động ở các chợ đầu mối, từng bước tiến tới quản lý, truy xuất nguồn gốc rau củ quả.
Mới đây, tại hội thảo chuyên đề về giải pháp triển khai sơ chế tại nguồn mặt hàng rau củ quả phân phối trên địa bàn TP HCM diễn ra tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), thương nhân, ban quản lý chợ đầu mối cùng chính quyền 2 địa phương thống nhất cần thiết thực hiện việc sơ chế nông sản tại nguồn vì lợi ích các bên. Tuy nhiên, cần thống nhất kế hoạch, lộ trình, tiêu chuẩn cụ thể để các hộ nông dân, doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, liên kết trong thu hoạch, bảo quản, sơ chế nông sản đáp ứng yêu cầu. Ông Bùi Thế, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, cho biết việc triển khai sơ chế tại nguồn bước đầu sẽ gặp khó khăn do hệ thống các trung tâm sau thu hoạch chưa thể đáp ứng ngay được việc sơ chế, chế biến, phân loại, đóng gói lượng lớn nông sản trong thời gian ngắn. Mặc dù vậy, UBND tỉnh này sẵn sàng hợp tác với TP HCM để làm sạch nông sản trước khi đưa vào TP HCM tiêu thụ.
Được biết, việc sơ chế tại nguồn đã thành công đối với 2 mặt hàng củ cải trắng và củ cải đỏ. Đến nay, toàn bộ củ cải trắng và đỏ đưa về chợ đầu mối đều đã rửa sạch đất cát. Sắp tới, yêu cầu sơ chế sẽ áp dụng với các mặt hàng bắp sú, cải thảo... "Trước mắt, chỉ cần sơ chế đóng gói như quy chuẩn hàng vào siêu thị. Cần tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn nông dân, HTX để tiến tới 100% nông sản phải được sơ chế đóng gói, có bao bì nhãn mác. Ban giám đốc các chợ đầu mối ở TP HCM cần hỗ trợ tuyên truyền cho các thương nhân thu mua, tiêu thụ nông sản đã qua sơ chế" - bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, nói.
Bình luận (0)