Gặp chúng tôi một chiều cuối tuần giữa tháng 5, anh Lê Trọng Kha, Giám đốc Công ty TNHH LeKha Distributor Company, cho biết vừa mang một số sản phẩm làng nghề sang giới thiệu cho đối tác và người dân Nhật. Một chuyến đi tương tự sang Malaysia đang được lên kế hoạch nhằm hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp (start-up) Việt Nam tiếp cận thị trường nước ngoài.
Đồng hành cùng start-up trẻ
Trong cộng đồng khởi nghiệp mảng nông nghiệp, nông thôn, cái tên Lê Trọng Kha đã khá quen thuộc với nhiều người vì những chia sẻ thiết thực liên quan đến tổ chức sản xuất, tối ưu chi phí, bao bì nhãn mác, làm thương hiệu, ký hợp đồng đến duy trì chất lượng, vấn đề hậu mãi.
Sinh năm 1982 ở Tiền Giang, sở hữu 3 bằng đại học chuyên ngành xây dựng, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, Lê Trọng Kha từng có 10 năm làm trong lĩnh vực xây dựng. Vốn đam mê kinh doanh, nhìn thấy được tiềm năng thị trường thực phẩm sạch, từ năm 2014, anh đã ngược xuôi cả nước tìm kiếm nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng và các loại đặc sản cung cấp cho thị trường TP HCM. Năm 2016, LeKha Mart chính thức ra đời, định vị phân khúc khách hàng thu nhập khá trở lên.
Anh Lê Trọng Kha (bên trái) trong một lần hỗ trợ giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp ở Quảng Ngãi. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đến nay, LeKha Mart cung cấp hơn 500 sản phẩm của khoảng gần 100 nhà cung cấp trên cả nước cho thị trường TP HCM và 42 tỉnh, thành khác. "LeKha Mart không chỉ là nơi bán hàng uy tín, chất lượng cho khách hàng mà còn giúp các start-up phát triển sản phẩm bền vững, mở rộng quy mô. Đối với anh, các giấy tờ, chứng nhận tiêu chuẩn sản xuất cho sản phẩm là cần thiết nhưng chưa đủ để hợp tác lâu dài. Start-up phải nói thật, làm thật và chịu trách nhiệm đến cùng về chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng.
Anh Kha kể từ kỹ sư xây dựng bước sang lĩnh vực mới gắn liền với nông nghiệp, nông sản nên thời gian đầu, anh gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm, kiểm soát chất lượng hàng hóa, tổ chức kinh doanh lẫn giao tiếp với khách hàng. Anh mày mò tự nghiên cứu, tự học, tự trải nghiệm và trả giá rất nhiều cho những sai lầm của bản thân trong mọi khía cạnh khi khởi sự kinh doanh. "Khi đủ tự tin với vốn kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được, tôi muốn làm gì đó để cống hiến cho xã hội và quyết định chia sẻ hoàn toàn miễn phí cho cộng đồng start-up trẻ" - anh Lê Trọng Kha bày tỏ.
Tập hợp sức mạnh start-up Việt
Tháng 3-2023, anh Kha mang 3 sản phẩm là nước mắm, các loại hạt mix, các loại trà của 3 thương hiệu start-up sang Nhật giới thiệu cho một số nhà phân phối và người tiêu dùng Nhật. Trong đó, có nước mắm của làng nghề nước mắm xã Đức Lợi (Mộ Đức, Quảng Ngãi). Trước đó, ông chủ LeKha Mart đã kết nối thành công một số hộ sản xuất nước mắm ở đây với các hộ sản xuất muối ở làng muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi).
Trong vai của một người làm kinh doanh kiêm hoạt động cộng đồng, gần 1 năm qua, anh Lê Trọng Kha đã đi qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và một số tỉnh ở miền Trung, miền Bắc. Đến đâu, anh cũng nhờ chính quyền địa phương hoặc các hội, nhóm khởi nghiệp hỗ trợ địa điểm để trò chuyện, chia sẻ với các start-up. Cũng trong gần 1 năm qua, nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản làng nghề Việt Nam theo chân anh sang Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Singapore, Đài Loan - Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Một số sản phẩm đã bước đầu nhận được đơn hàng xuất khẩu, dù số lượng còn khiêm tốn.
Dự án chạy trơn tru, số start-up có nhu cầu tư vấn, hỗ trợ càng lúc càng tăng. "Qua hướng dẫn, một số hộ nông dân mới vỡ ra câu chuyện cần phải thay đổi cách thức sản xuất, làm thương hiệu sản phẩm, thay đổi bao bì nhãn mác… để tồn tại. Tôi cũng hướng dẫn họ cách làm bao bì nhãn mác, hỗ trợ xúc tiến thương mại, đại diện họ mang hàng ra nước ngoài giới thiệu, tìm khách hàng..." - anh Kha chia sẻ. Tất cả hoạt động hỗ trợ đều miễn phí cho bà con. Riêng với các chuyến đi nước ngoài thì anh chịu 50% chi phí chuyến đi, các bạn start-up góp 50%. Nhiều thương hiệu đã được kết nối hỗ trợ đầu ra, đơn cử như cà phê sinh thái vườn rừng Mạnh Đường Farm (Đắk Lắk); trà trái mãng cầu xiêm Vĩnh Phát của Công ty TNHH TRAVIPHA (Tiền Giang); trà sen Tháp Mười; Táo bom Ninh Thuận; Nano Curcumin Bắc Hà (Bắc Kạn)... Cơ sở sản xuất nước mắm Đức Hải (Mộ Đức, Quảng Ngãi)…
Từ những chuyến đi và kinh nghiệm tham gia hàng loạt hội chợ, hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, Lê Trọng Kha nhận ra thị trường còn rất nhiều tiềm năng. Với kinh nghiệm và các mối quan hệ hiện có, bản thân anh có thể làm tốt công tác thu mua, phân phối, xuất khẩu hàng Việt, thu về tiền tỉ. Tuy nhiên, anh hướng đến giá trị lớn hơn: kết nối, tập hợp, phát triển thành một hệ sinh thái khởi nghiệp để cùng nhau phát triển thị trường, phát triển sản phẩm. Anh quan niệm để làm ra được sản phẩm chất lượng và được đón nhận, mỗi start-up cần rất nhiều nguồn lực từ vốn, con người, tư duy cải tiến liên tục, tư duy hợp tác bền vững, khởi nghiệp tinh gọn... Sẽ đi nhanh hơn nếu các start-up cùng hợp tác, cùng phát triển bền vững.
Bình luận (0)