Chiều 12-1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) họp trực tuyến về thúc đẩy xuất khẩu nông sản tươi bằng đường biển giữa bối cảnh xuất khẩu đường bộ sang Trung Quốc đang bị ách tắc.
Ngại đường biển vì chi phí cao
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết hiện một số cửa khẩu phía Bắc đã cho thông quan hàng hóa trở lại. Tuy vậy, doanh nghiệp (DN) vẫn chưa thể yên tâm vì chỉ cần một lô hàng bị phía Trung Quốc phát hiện có virus SARS-CoV-2 là sẽ dừng thông quan tối thiểu 7 ngày để khử khuẩn. Do đó, việc đa dạng hóa các phương thức vận chuyển là cần thiết để hạn chế rủi ro không chỉ trước mắt mà còn lâu dài cho hoạt động xuất khẩu nông sản.
Để xuất khẩu bền vững, cần giảm xuất khẩu tiểu ngạch, tăng thị phần vận chuyển đường biển
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang thông tin hiện xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường bộ chiếm 70%, đường biển chiếm 30% và phục vụ cho 2 phân khúc thị trường khác nhau nên việc chuyển đổi đường vận tải sẽ có nhiều khó khăn.
"Quy định về nhập khẩu giữa cửa khẩu đường bộ và đường biển giống nhau nhưng việc thực hiện trên thực tế có nhiều khác nhau. Chi phí vận chuyển đường bộ rẻ hơn, chủ hàng quen mối và lãi nhiều hơn khiến việc vận chuyển lâu nay tập trung vào đường bộ. Dịch Covid-19 chỉ mới phát sinh 2 năm qua nhưng tình trạng ùn tắc ở cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc thì hầu như năm nào cũng diễn ra, cần tìm hiểu nguyên nhân thật sự để có giải pháp căn cơ" - Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nêu vấn đề.
Đại diện Cục Hàng hải - Bộ GTVT nêu thực trạng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc phải dùng container lạnh trong khi hàng nhập khẩu thì không nên hãng tàu phải chở container rỗng về Việt Nam, khiến DN xuất khẩu phải gánh chi phí vận chuyển tăng. Bộ GTVT và Cục Hàng hải đã làm việc với các hãng tàu, khuyến khích hãng tàu tăng tần suất tàu vào cảng. Đồng thời, làm việc với một số cảng để có cơ chế ưu tiên cho hàng nông sản Việt Nam.
Cần lộ trình dài hạn
Ông Văn Nhật Tùng, đại diện hãng tàu CMA, cho biết trước nay, sản phẩm chuối tươi được xuất khẩu rất nhiều qua đường biển, còn thanh long chỉ mới chuyển sang gần đây khi đường bộ bị ách tắc. Hãng tàu này có thể tăng công suất chở hàng song mức độ tăng có giới hạn vì liên quan đến chỗ trên tàu, ổ cắm điện… "Để các hãng tàu có thể tăng công suất vận chuyển cần phải có lộ trình dài hạn, trong đó khách hàng phải cam kết về sản lượng để hãng tàu chuẩn bị hạ tầng" - ông Tùng bày tỏ.
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam, đề xuất các DN kết nối, gom lượng hàng đủ lớn để có thể thuê tàu riêng chở thẳng đến Trung Quốc. Ngoài ra, trong bối cảnh cước tàu biển tăng như hiện nay, có thể thuê máy bay để chở hàng khi cước vận chuyển bằng đường hàng không và đường biển không còn chênh lệch quá lớn như trước.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải, cho hay nhiều năm qua, Bộ Công Thương đã khuyến cáo DN chuyển đổi xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Mới đây, Bộ NN-PTNT và Bộ GTVT cũng đã lên tiếng về việc này, hy vọng sẽ có tác động lớn để thay đổi tư duy.
"Việc chuyển đổi này sẽ kéo theo DN phải thay đổi bạn hàng, do vậy, sắp tới, các hoạt động xúc tiến thương mại cần đẩy mạnh hơn nữa để tránh thương nhân quay lại cách làm ăn cũ" - ông Trần Thanh Hải chỉ rõ.
Cần khống chế giá trần
Tại cuộc họp, rất nhiều DN xuất khẩu nông sản bức xúc về việc cước tàu biển tăng phi mã, gấp 5-10 lần so với trước khi xuất hiện dịch Covid-19, khiến DN phải nợ đơn hàng vì không gánh nổi chi phí. Các DN đồng loạt đặt câu hỏi: "Liệu các hãng tàu có lợi dụng tình hình để tăng giá quá mức?" và kiến nghị cần kiểm soát giá trần để việc tăng giá cước có điểm dừng, chấm dứt việc tăng phi mã kéo dài như hiện nay.
Bình luận (0)