Tập đoàn FLC vừa công bố bổ sung 51 nghị quyết HĐQT về giao dịch với các bên liên quan sau khi bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt tổng cộng 370 triệu đồng vì những vi phạm liên quan việc công bố thông tin, phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như công bố bổ sung thông tin và cải chính những thông tin đã công bố sai.
Trong số các tài liệu công bố bổ sung này, nhiều tài liệu liên quan đến nợ, tài sản thế chấp, gán nợ, số lần bị phạt, nợ vay… của FLC.
Tòa tháp văn phòng 265 Cầu Giấy, TP Hà Nội
Trong đó, đáng chú ý là nghị quyết HĐQT ban hành ngày 9-11-2020 về việc sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của FLC và Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Phát triển bất động sản FLCHomes (công ty con của FLC) để thay thế nghĩa vụ trả nợ của tập đoàn này, FLC Homes, Công ty CP Xây dựng FLC Faros ( ROS), Công ty CP Đầu tư - Khoáng sản FLC Stone (AMD) và Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Cụ thể, tòa nhà tại 265 Cầu Giấy, TP Hà Nội - nơi FLC, Bamboo Airways đặt trụ sở - đã được sử dụng để cấn trừ toàn bộ nghĩa vụ trả nợ - bao gồm dư nợ gốc, lãi, dư nợ quá hạn (nếu có) - của FLC, FLC Faros, FLC Homes, Bamboo Airways tại OCB. Tòa nhà này do FLC xây dựng từ năm 2015, tổng vốn đầu tư 5.200 tỉ đồng và đưa vào sử dụng từ giữa năm 2019; gồm 38 tầng nổi, 4 tầng hầm, diện tích sử dụng hơn 100.000 m2.
Sau khi "gán nợ", FLC thuê lại một phần diện tích của tòa nhà để phục vụ hoạt động kinh doanh của tập đoàn và các bên thứ ba do tập đoàn này chỉ định.
Ngoài ra, FLC Homes còn gán nợ cho OCB các quyền sử dụng thửa đất khu 2, khu 3A + 3B + 3C tại 265 Cầu Giấy. Trong đó, khu 2 có diện tích 1.160 m2 để xây dựng tháp văn phòng cao 38 tầng nổi và 4 tầng hầm; khu 3A + 3B + 3C có diện tích gần 2.300 m2 để xây khu thương mại cao 5 tầng.
Tại đại hội cổ đông của OCB mới đây, lãnh đạo ngân hàng này cho biết tổng dự nợ của FLC tại OCB khoảng 1.500 tỉ đồng. Các khoản nợ của FLC đều được thanh toán đúng hạn và hiện không có nợ xấu.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 của FLC cho thấy dư nợ của tập đoàn nhiều nhất ở Sacombank, BIDV, trái phiếu NCB, trái phiếu OCB, NCB, Agrinbnak, trái phiếu MBS…
Riêng Bamboo Airways hiện không còn là công ty con của FLC nên số liệu tài chính hợp nhất không hiển thị.
Bình luận (0)