xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thêm động lực hồi phục kinh tế

NGUYỄN HẢI - THÙY DƯƠNG

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực không chỉ đem lại cơ hội mở rộng xuất khẩu bền vững mà còn được kỳ vọng trở thành nhân tố tích cực góp sức vào tiến trình hồi phục kinh tế các nước, trong đó có Việt Nam

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1-1, là thỏa thuận thương mại tự do (FTA) lớn nhất cho đến nay với quy mô thị trường khoảng 30% dân số thế giới và khoảng 30% GDP toàn cầu. Hiệp định gồm 15 thành viên, bao gồm 10 nước ASEAN và các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand.

Hiệu ứng tốt về tâm lý

Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sản phẩm nông - lâm - thủy sản được cho là sẽ hưởng lợi lớn từ "siêu" hiệp định này. Công ty TNHH Koyu & Unitek vừa đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thịt gà tại tỉnh Đồng Nai đáp ứng khả năng xuất khẩu 400 tấn/tháng sang thị trường Nhật. Trong khi đó, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam đầu tư tổ hợp nhà máy trị giá khoảng 250 triệu USD tại tỉnh Bình Phước với công suất chế biến 100 triệu con gà/năm để xuất khẩu sang hàng loạt thị trường như: Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Lào, Campuchia, Myanmar, Hàn Quốc, Philippines...

Đại diện các DN này nhìn nhận RCEP có ý nghĩa lớn trong việc tạo thuận lợi cho họ tăng tỉ trọng xuất khẩu sang các thị trường đã có mối quan hệ làm ăn, đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu và tăng lợi thế cạnh tranh. "Nhật Bản là thị trường khó tính, đòi hỏi thủ tục gắt gao, chặt chẽ với mức thuế suất khá cao. RCEP sẽ giúp chúng tôi tháo gỡ khó khăn, xuất khẩu hàng hóa thuận lợi hơn" - đại diện một DN nói.

Trong ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhận xét RCEP chủ yếu tạo hiệu ứng tốt về tâm lý cho DN xuất khẩu khi các hoạt động xuất nhập khẩu nội khối dễ dàng hơn; khách hàng, cơ quan chức năng thuận lợi hơn trong công việc và nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hơn. Đặc biệt, cơ hội xuất khẩu gỗ sang thị trường Trung Quốc sẽ lớn hơn rất nhiều bởi trước khi RCEP có hiệu lực, Trung Quốc duy trì khá nhiều loại thuế với sản phẩm gỗ từ Việt Nam.

Tương tự, rau củ, trái cây có thêm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Nhật, Úc. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết trước đây, Trung Quốc chỉ cho phép nhập 9 mặt hàng trái cây Việt; còn Nhật và Úc chỉ nhập 4 mặt hàng trái cây từ Việt Nam. Khi RCEP có hiệu lực, số lượng mặt hàng trái cây tươi xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng sẽ tăng lên. "Đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu rau quả chế biến hiện chiếm hơn 30% tổng lượng rau quả xuất khẩu. Triển vọng xuất khẩu mặt hàng này sẽ tốt hơn nữa khi mức thuế được giảm theo cam kết trong RCEP" - ông Nguyên nói thêm.

Ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, nhận định với những tiềm năng RCEP mang lại, ngành điều Việt Nam sẽ có thêm động lực để tập trung đầu tư công nghệ, chế biến chuyên sâu, tạo sản phẩm giá trị cao, giúp hạn chế xuất khẩu điều nguyên liệu với giá trị thấp. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhìn nhận RCEP giúp thủ tục hải quan thuận lợi hơn, DN có thể rút ngắn thời gian thông quan, giảm lãng phí chi phí cơ hội.

Thêm động lực hồi phục kinh tế - Ảnh 1.

Cơ hội xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc sẽ tăng lên khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện có hiệu lực. Ảnh: NGỌC TRINH

Góp phần hồi phục kinh tế

RCEP có hiệu lực trong bối cảnh các nền kinh tế trên thế giới đang nỗ lực hồi phục từ trong và sau dịch Covid-19 nên được kỳ vọng trở thành nhân tố tích cực góp sức vào tiến trình này.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, ASEAN đã xác định 2 trọng tâm chính gồm: thúc đẩy để có sáng kiến bỏ rào cản thương mại nội khối và giúp các nước vượt qua khó khăn của đại dịch; đưa RCEP vào thực thi. Việc hiệp định hoàn thành quá trình phê chuẩn và đưa vào thực thi từ đầu năm 2022 - thời điểm kinh tế thế giới có khả năng phục hồi - nằm trong dự tính của ASEAN. Vì vậy, các nước nội khối đều đặt nhiều kỳ vọng vào "siêu" hiệp định.

"RCEP không phải là một FTA mới toàn bộ nhưng lại có ý nghĩa trong mục tiêu đa phương hóa các mối quan hệ hiện có, thiết lập quan hệ chính thức để tạo ra luật chơi, khuôn khổ chung. Từ đó, chúng ta hy vọng sẽ tạo được môi trường ổn định, dễ dự báo hơn để DN chuyển dần từ xuất khẩu không chính thức sang hệ thống chính thức cao hơn" - đại diện Bộ Công Thương nhận định.

Cũng theo Bộ Công Thương, việc thực hiện RCEP còn tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp, góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ rõ việc chủ động cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng để thực thi các FTA, trong đó có RCEP, sẽ đem lại giá trị cho nền kinh tế Việt Nam cao hơn so với các lợi ích mở cửa thị trường trực tiếp của các nước, giúp Việt Nam có cơ hội trở thành điểm đến đáng tin cậy của nhà đầu tư quốc tế về lâu dài. Đồng thời, điều này cũng giúp tăng khả năng cạnh tranh của DN sản xuất trong nước, tạo đà để tham gia sâu và ổn định hơn vào các chuỗi giá trị.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, RCEP là dấu mốc rất quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam khi nước ta đã chuyển từ vị thế phải đi vận động để được tham gia các FTA thành vai trò tham gia thiết lập các định chế. Việt Nam đã là một trong những cường quốc về xuất khẩu và giờ lại trở thành một trong những người ban hành "luật chơi" trong kinh tế toàn cầu. Nhờ vậy, chúng ta đàm phán được những điều khoản thuận lợi, hài hòa nhất có thể, giúp DN xuất khẩu tận dụng được nhiều lợi ích, ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế trong nước.

Cẩn trọng nguy cơ tăng nhập siêu

Bộ Công Thương chỉ rõ bên cạnh những cơ hội, các nước tham gia RCEP là những thị trường truyền thống của Việt Nam với tỉ lệ nhập siêu lớn. Khi mở cửa thị trường rộng hơn, lượng nhập siêu có thể gia tăng và đem lại rủi ro nhất định trong việc điều hành kinh tế vĩ mô. "Chúng ta có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng ở thị trường các nước trong khu vực. Đây là những thị trường mà từ trước đến nay khả năng cạnh tranh của Việt Nam có những giới hạn nhất định. Do vậy, chúng ta phải nâng cao năng lực cạnh tranh để vượt qua được khó khăn này" - đại diện Bộ Công Thương lưu ý và cho biết bộ đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng ban hành chương trình hành động để kịp thời hỗ trợ DN tận dụng tốt lợi ích từ hiệp định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo