Theo TS Lê Trường Giang, chuỗi cung ứng thực phẩm của Việt Nam vận hành trên nền sản xuất nhỏ lẻ với nhiều khâu trung gian tác động lên thực phẩm, mỗi khâu đều có khả năng gây mất an toàn.
TP HCM hiện chỉ chủ động sản xuất được 20%-30% thực phẩm, còn lại lệ thuộc vào các tỉnh và nguồn nhập khẩu nên khó kiểm soát từ gốc. TS Giang cho rằng đã đến lúc đòi hỏi toàn bộ thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng; qua thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện vi phạm có thể xử lý tiêu hủy. Từ đó, buộc người kinh doanh phải thu mua từ nơi có đầy đủ pháp lý.
Kiểm soát nguồn gốc thực phẩm được xem là biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm tốt cho người tiêu dùng Ảnh: Ngọc Ánh
Nhằm quản lý nông sản từ gốc, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, kiến nghị nông dân khi sản xuất để bán phải đăng ký sản phẩm mình trồng, đăng ký vật tư sử dụng (phân bón, hóa chất...) với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp. Khi xuất ra khỏi tỉnh - thành, sản phẩm phải có phiếu kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm và nên có thương hiệu.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM, nêu một nghịch lý là các doanh nghiệp (DN) thực phẩm lớn có hệ thống kiểm soát chất lượng hiện đại, có thương hiệu thì thường xuyên bị kiểm tra, mỗi năm đến 5-6 đoàn. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ có nguy cơ mất an toàn thực phẩm lại ít bị kiểm tra.
Cùng ngày, tại hội thảo "Nâng cao tiêu chuẩn chất lượng cho nông sản xuất khẩu Việt Nam" tổ chức ở Hà Nội, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng nông sản, thực phẩm Việt rất được yêu thích tại nhiều thị trường trên thế giới nhưng sức tiêu thụ còn hạn chế vì thiếu tuân thủ chất lượng và xây dựng thương hiệu.
Theo bà Hạnh, thay vì tìm hiểu thị hiếu thị trường, người tiêu dùng, hệ thống pháp luật và quy định của các nước nhập khẩu, DN "có gì xuất nấy" nên hàng Việt lệch pha so với nhu cầu. Ví dụ, ở các nước quen với chai "nước mắm cầm tay" loại nhỏ nhưng nước mắm Việt Nam xuất khẩu sang chủ yếu là chai to, không phù hợp thị hiếu.
Bà Hạnh cho biết bắt đầu từ năm 2017, các tiêu chuẩn an toàn đã được siết chặt hơn với việc áp dụng Đạo luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm năm 2011 của Mỹ. Do đó, các DN phải hết sức lưu ý đáp ứng các yêu cầu mới về tiêu chuẩn để nông sản, thực phẩm Việt được xuất khẩu sang các thị trường lớn. Vấn đề này rất quan trọng bởi gần đây, nông sản, thực phẩm Trung Quốc bị ảnh hưởng do người tiêu dùng thế giới quan ngại về nạn thực phẩm bẩn, độc hại từ quốc gia này. Do đó, tại nhiều hội chợ triển lãm quốc tế gần đây, các gian hàng của Trung Quốc rất vắng khách. Đây là bài học cho Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Bình luận (0)