Dù tăng chi phí nhưng nhiều nhà sản xuất thực phẩm vẫn chủ động bỏ kinh phí để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm để xây dựng thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh.
Nhiều nơi chỉ để đối phó
Theo báo cáo 4 tháng triển khai đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo của Sở Công Thương TP HCM, 297.331 con đã được đeo vòng nhận diện khi đưa vào cơ sở giết mổ nhưng chỉ có 150.387 (51%) con heo mảnh được kích hoạt khi xuất khỏi đây. Như vậy, 49% con còn lại không được tiếp tục cập nhật thông tin truy xuất vào vòng nhận diện.
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là việc cần làm để nâng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm Ảnh: Tấn Thạnh
Đại diện Chi cục Thú y TP HCM thừa nhận nhiều trường hợp đeo vòng nhận diện chỉ mang tính đối phó, không có thông tin nguồn gốc do đeo vòng cho heo là thương lái, không phải người chăn nuôi.
Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết thương lái trừ chi phí đeo vòng nhận diện từ 10.000-15.000 đồng/con, gồm tiền vòng và công đeo, khiến người nuôi thêm khó khăn trong bối cảnh giá heo xuống quá thấp. Do đó, nhiều ý kiến đề xuất giãn lộ trình thực hiện chương trình.
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP HCM - đơn vị cung cấp kỹ thuật cho đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, nhìn nhận kết quả của chương trình rất đáng ghi nhận. "Những tồn tại của ngành thịt heo như bơm nước, tiêm thuốc an thần, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng đã được hạn chế" - ông Trung nói.
Đối với nhóm rau củ quả, 2 HTX tham gia thí điểm truy xuất nguồn gốc là Phú Lộc (huyện Củ Chi) và Phước An (huyện Bình Chánh) cùng cho rằng kinh doanh hiệu quả hơn sau khi tham gia chương trình này. Thế nhưng, tại cuộc họp gần đây, nhiều HTX nông nghiệp được gợi ý tham gia chương trình đều tỏ ra ngần ngại. Ngay 2 HTX đang thực hiện chương trình thí điểm cũng đề nghị tiếp tục được hỗ trợ về kỹ thuật, cán bộ giám sát, hỗ trợ giá (hiện tại 500 đồng/kg - PV). "Nếu cắt ngay, việc truy xuất nguồn gốc sẽ khó được duy trì" - lãnh đạo một HTX bộc bạch.
Xu hướng tất yếu
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), nhận xét so với thời gian đầu triển khai, lượng người dùng điện thoại thông minh "soi" tem truy xuất nguồn gốc có giảm. Tuy nhiên, không có nghĩa là người tiêu dùng thờ ơ mà họ đã có sự tin tưởng vào thương hiệu sau khi đã kiểm tra. "Dù người tiêu dùng không soi, tem truy xuất nguồn gốc vẫn được dán lên sản phẩm. Sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc sẽ có sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đây là xu thế tất yếu của ngành thực phẩm nên dù việc truy xuất nguồn gốc có làm tăng chi phí nhưng là khoản chi hợp lý. Sắp tới, Vissan sẽ chủ động triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc riêng và chặt chẽ hơn chương trình hiện tại. Theo đó, việc truy xuất nguồn gốc heo sẽ áp dụng từ chăn nuôi cho đến sản phẩm cuối cùng" - ông An cho hay.
Ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, đồng thời là chủ một trang trại nuôi gà công nghệ cao - cũng thừa nhận đang phối hợp với các đối tác trong chuỗi cung ứng thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. "Chúng tôi chủ động làm để khẳng định thương hiệu, chứng minh mình làm ăn nghiêm túc. Đây là cách tự bảo vệ mình trong bối cảnh thị trường vàng thau lẫn lộn" - ông Quyết nhấn mạnh.
Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, cho biết định hướng sắp tới của TP là nhân rộng việc dán tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Đối tượng tham gia là các tổ chức, cá nhân có quy trình kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… từ sản xuất đến sơ chế, đóng gói, phân phối ra thị trường. Trong đó, ưu tiên cho các tổ chức, cá nhân thực hiện bao tiêu sản phẩm cho nông dân, có mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi. Hình thức hỗ trợ gồm kỹ thuật, quảng bá, kết nối tiêu thụ và một phần kinh phí đầu tư ban đầu và chỉ áp dụng với tổ hợp tác, HTX.
Hỗ trợ nông dân thích ứng công nghệ mới
Nhằm hỗ trợ nông dân đáp ứng yêu cầu thị trường, TP HCM đã quyết định hỗ trợ 50% chi phí vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc cho heo, nông dân tham gia các tổ hợp tác và HTX chăn nuôi sẽ được giảm 100%.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giải pháp và Dịch vụ truy xuất nguồn gốc (Traceverified), cho rằng nông dân cần được hỗ trợ để thay đổi tư duy sản xuất, thích ứng với tình hình cạnh tranh mới. Công ty cung cấp dịch vụ có các ứng dụng phù hợp với từng giai đoạn để nông dân làm quen việc truy xuất nguồn gốc, giúp họ thực hiện thao tác đơn giản, phù hợp với thực tế sản xuất.
Bình luận (0)