Ngày 3-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức.
Tại hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, các hợp tác song phương, đa phương để duy trì, mở rộng và tìm kiếm thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các ngành, lĩnh vực có lợi thế và thế giới có nhu cầu.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Bên cạnh đó, tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN.
Bộ Công Thương sẽ triển khai các giải pháp đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.
Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại nhằm khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân trong nước còn nhiều tiềm năng.
Đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung về điện, xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chú trọng mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi, đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng. Khẩn trương đàm phán, ký kết FTA với Israel. Tận dụng tốt cơ hội Trung Quốc mở cửa sau khi kiểm soát được dịch bệnh.
Ngoài ra, trong năm 2023, Bộ Công Thương cần đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam.
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng cần chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn. Kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân trong nước còn nhiều tiềm năng.
Trong bối cảnh còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới diễn biến khó lường, Thủ tướng giao Bộ Công Thương làm tốt hơn nữa công tác thị trường, bao gồm cả dự báo, cân đối cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, theo dõi sát diễn biến để điều hành phù hợp, hiệu quả, không để đứt gãy, bảo đảm nguồn cung. Tạo thuận lợi hóa thương mại, phối hợp với các bộ, ngành giảm chi phí dịch vụ logistics để nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề liên quan đến điện, một trong những lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Công Thương. Theo Thủ tướng, nguồn điện phải sử dụng tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, trong đó có tiềm năng điện gió, điện mặt trời; truyền tải điện phải tránh tình trạng xây dựng nguồn ồ ạt nhưng không có tải.
Về giá điện, Thủ tướng nhấn mạnh giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, nếu giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phải suy nghĩ thấu đáo vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hoà, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, cần bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu, bảo đảm không bị thiếu hụt xăng dầu trong mọi tình huống. Thủ tướng giao Bộ Công Thương sớm nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu với tinh thần bớt khâu trung gian, giảm thủ tục trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, tăng cường kiểm tra, giám sát.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thời gian qua Bộ đã chú trọng công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu được quan tâm. Hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thời gian qua đã làm tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin về chính sách, nhu cầu thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.
Trong năm 2023, Bộ Công Thương sẽ tập trung gia tăng năng lực sản xuất mới, đẩy mạnh tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp và chủ động tạo nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ phát triển sản xuất bền vững.
Mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu; đẩy mạnh sức mua trong nước. Tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Ngày 2-2, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1-2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời báo chí về việc xem xét lộ trình điều chỉnh giá điện. Theo đó, việc điều chỉnh giá điện, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện nay được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện điều chỉnh giảm.
Hiện, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng phương án giá bán điện bình quân năm 2023 theo đúng quy trình tại Quyết định số 24. Trên cơ sở kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022, kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2023 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, EVN ước kết quả sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 và tính toán giá bán điện bình quân.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN phối hợp với các cơ quan liên quan, trong đó có Tổng cục Thống kê để đánh giá kỹ các tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô và các nhóm khách hàng sử dụng điện để đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023 và mức độ điều chỉnh phù hợp, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Trên cơ sở báo cáo của EVN về đề xuất điều chỉnh phương án điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, rà soát đề xuất của EVN. "Việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh sẽ được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải phù hợp theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ"- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương về việc xử lý khoản lỗ của EVN khoảng 31.000 tỉ đồng năm 2022, hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp các Bộ ngành, cơ quan liên quan rà soát đề xuất các giải pháp ngoài phương án điều chỉnh giá điện.
Bình luận (0)