Thứ nhất, tại sao hoạt động truyền thông về hội nhập kinh tế quốc tế chưa hiệu quả, nhận thức, hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp (DN), người dân và ngay cả trong các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn hạn chế? Phải làm gì để khắc phục được tình trạng này?
Thứ hai, tại sao việc tận dụng cơ hội từ các FTA chưa được như mong đợi? Do cơ chế chính sách chưa thông thoáng, còn tạo ra những rào cản vô hình đối với DN hay một phần do chính DN đang còn thụ động, chưa thay đổi tư duy kinh doanh? Chính phủ, chính quyền các địa phương, các DN, người dân cần làm gì để tận dụng cơ hội tốt hơn?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói EVFTA không có chỗ cho doanh nghiệp thiếu kiên trì - Ảnh: PV
Thứ ba, làm cách nào để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các DN bởi đây là yếu tố sống còn trong kinh doanh?
Thứ tư, phải làm gì để phát triển kết cấu hạ tầng, vì đây là một yêu cầu hàng đầu để sản xuất kinh doanh có hiệu quả?
Thứ năm, yêu cầu về phát triển bền vững là nội dung quan trọng trong EVFTA có tiêu chuẩn cao. Chúng ta phải làm gì để tất cả người dân, DN và cơ quan quản lý quan tâm cùng hành động?
Thứ sáu, khi EVFTA có hiệu lực, nhiều sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh trên thị trường nội địa với các sản phẩm của EU. Trong khi đó, chúng ta không thể đóng cửa, dựng nên hàng rào bảo hộ mà phải thực hiện đúng cam kết, quản lý tốt thị trường, tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh. Chính phủ và DN cần phải làm gì cụ thể?
Để giải quyết các câu hỏi trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ được đặt ra từ Kế hoạch hành động của Chính phủ. Về phía DN, phải tự đổi mới, sáng tạo, kiên trì, nâng mình lên ngang tầm với tiêu chuẩn của thế giới. "Phải đặt lợi ích quốc gia lên cao nhất. Giai đoạn này cần cố gắng hơn nữa để không bị đứt gãy nền kinh tế" - Thủ tướng yêu cầu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết bộ này được Chính phủ giao làm cơ quan đầu mối điều phối việc triển khai Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA. Trên cơ sở 6 nội dung lớn mà Thủ tướng đã nêu, từ góc độ, chức năng quản lý của mình, Bộ Công Thương đã kiến nghị 6 giải pháp cụ thể.
Trong đó, đặc biệt là tích cực xóa bỏ những rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính, ban hành chính sách với phương châm tạo thuận lợi tối đa cho DN, minh bạch và bảo đảm công bằng, không có sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. "Điều quan trọng là cần thay đổi tư duy trong việc xây dựng chính sách từ cả ở cấp trung ương và địa phương, đó là lấy DN làm trọng tâm và lấy chuẩn mực quốc tế làm thước đo. Có như vậy, những chính sách được ban hành mới thực sự đi vào cuộc sống và giúp DN hoạt động sản xuất - kinh doanh được tốt hơn" - Bộ trưởng bày tỏ.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nói để chuẩn bị tốt cho bữa tiệc hội nhập, cần gia cố "chiếc kiềng 3 chân trong bếp lửa" là thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. "Về cải cách thể chế, thời gian qua, Chính phủ đã làm quyết liệt. Đề nghị làm tốt hơn nữa theo hướng sử dụng tiêu chuẩn cao trong hai hiệp định CPTPP và EVFTA để làm cơ sở cho cải cách" - ông Lộc nêu ý kiến.
Bình luận (0)