Tại triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2017 mới diễn ra giữa tháng 11, khách tham quan còn ngơ ngác vì nhãn hiệu thực phẩm Cầu Tre nổi tiếng lâu nay giờ có thêm chữ CJ phía trước.
Miếng bánh quá béo bở
Thực tế, Tập đoàn CJ của Hàn Quốc đã mua, chính thức đổi tên Công ty Cầu Tre thành CJ Cầu Tre từ tháng 5-2017. Nửa năm đã đủ để CJ "Hàn Quốc hóa" 1 thương hiệu nổi tiếng mấy mươi năm của Việt Nam cả "hồn lẫn xác". Nhiều thông tin cho rằng CJ vẫn ôm hy vọng mua lại cổ phần Vissan từ Masan và nhắm tới một số doanh nghiệp (DN) thực phẩm tiềm năng khác.
Ngành thực phẩm Việt với dư địa tăng trưởng lớn tạo ra sức hút với các nhà đầu tư ngoại muốn khai thác thị trường Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trước Cầu Tre, thị trường thực phẩm Việt chứng kiến Tập đoàn Daesang cũng của Hàn Quốc (chủ sở hữu thương hiệu Miwon) đã chi 32 triệu USD (khoảng 770 tỉ đồng) mua lại 100% cổ phần Công ty CP Thực phẩm Đức Việt (DN sản xuất xúc xích có tiếng của Việt Nam); Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) nắm hơn 44% cổ phần Bibica; Tập đoàn Mondelēz International (Mỹ) mua Kinh Đô với giá 370 triệu USD (gần 8.000 tỉ đồng) và đổi tên công ty thành Mondelēz Kinh Đô…
Ngoài ra, nhiều DN Singapore, Thái Lan, Malaysia… đang ráo riết lùng mua DN thực phẩm Việt. Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, nhiều DN chế biến thực phẩm trong nước gần đây đã bị các DN nước ngoài thâu tóm hoặc nắm cổ phần chi phối, xu hướng này sẽ còn tiếp diễn mạnh mẽ trong thời gian tới. Nhiều DN nhỏ và vừa cần vốn đầu tư đã bán cổ phần cho DN nước ngoài, một số DN lớn cũng đã rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài vì họ sẵn sàng trả giá tốt để thâu tóm hoặc nắm quyền chi phối.
Các chuyên gia kinh tế nhận định xu hướng mua bán, sáp nhập (M&A) đang nóng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có thực phẩm, đồ uống. Hãng nghiên cứu thị trường BMI Research đánh giá ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống của Việt Nam sẽ duy trì mức tăng trưởng kép hằng năm cho giai đoạn 2017-2019 là 10,9%, càng làm tăng động lực cho các nhà đầu tư. Ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn The Pathfinder, cho rằng M&A trong lĩnh vực thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh sôi động hơn các lĩnh vực khác do lĩnh vực này có sức hấp dẫn cao nhất, nếu có dòng tiền tốt, đầu tư khoảng 5 năm là đã có lãi. Ngoài các quỹ đầu tư tài chính, các tập đoàn, DN cùng ngành trên thế giới cũng có xu hướng mua DN Việt để tận dụng hệ thống phân phối có sẵn nhằm đưa sản phẩm của họ vào Việt Nam thay vì phải tự đầu tư xây dựng hệ thống phân phối.
Đừng sợ mất (?)
Nhiều người lo ngại ngành thực phẩm Việt sẽ mất dần các thương hiệu mạnh, mất thị trường. Thế nhưng, các chuyên gia kinh tế cho rằng trong kinh tế thị trường, việc DN nước ngoài thâu tóm DN nội là bình thường, quan trọng là làm sao để người tiêu dùng hưởng lợi nhiều nhất. Nên bỏ tư duy bán đi là mất hoặc thâu tóm sẽ giành thế độc quyền bởi nếu có môi trường tốt thì sẽ xuất nhiều công ty cạnh tranh và tạo nên nền kinh tế thị trường đa dạng.
Theo ông Trần Anh Tuấn, về bản chất, quan niệm chung trên thế giới cho rằng DN là tài sản để kinh doanh, nghĩa là doanh nhân gầy dựng lên DN để kiếm lời bằng chính việc kinh doanh đó hoặc bán đi khi thấy được giá. Tuy nhiên, ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng lại có quan niệm khác, muốn phát triển và làm chủ DN đó càng lâu càng tốt. Sự khác biệt đó dẫn đến nhiều ý kiến cho rằng nếu bị thâu tóm, mua lại sẽ làm mất DN Việt, thương hiệu Việt.
"Một số người tiếc nuối vì Bibica, Cầu Tre… bị thâu tóm nhưng cũng cần đặt ngược vấn đề là nếu không chọn con đường đó thì Bibica, Cầu Tre có phát triển tốt lên không hay ngày càng thụt lùi? Thế giới đang hướng đến việc không bảo vệ thương hiệu lớn mà tập trung hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Chính phủ Úc có chính sách kêu gọi đầu tư nước ngoài nhưng định hướng rõ ràng và ưu tiên cho DN nội địa trong một số hoạt động mà không vi phạm cam kết WTO. Chính phủ Việt Nam cũng có thể nghiên cứu đưa ra các chính sách như vậy" - ông Trần Anh Tuấn nói.
Ông Văn Đức Mười, nguyên Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, nguyên Tổng Giám đốc Vissan, cho rằng về lý thuyết, làn sóng M&A giúp DN Việt có nhiều cơ hội, nhiều điều kiện để cạnh tranh phát triển nhưng trong thực tế họ chỉ xây dựng được hệ thống phân phối, sản xuất nhỏ; nếu được giá sẽ bán kiếm lời nên không còn sức chiến đấu. Cuối cùng, nền sản xuất của DN Việt yếu ớt, thủ phận gia công. Nói cách khác, chưa cần ai bóp chết, nhiều DN Việt đã tự chết từ trong nhận thức.
Với những DN còn lại, theo ông Mười, bài toán tồn tại là cần DN dẫn đầu có vốn, có nhiệt huyết dẫn dắt để đối trọng trong cạnh tranh. Bên cạnh nỗ lực của DN, nhà nước phải có chiến lược rõ ràng để khuyến khích đầu tư và cần cân đối lại chính sách thu hút đầu tư nước ngoài để khuyến khích đầu tư trong nước. Hiện tại, chúng ta đang thiên về hướng ngoại, thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn là khuyến khích trong nước.
Bình luận (0)