Vài ngày sau khi Chính phủ chính thức công bố mở cửa hoàn toàn thị trường khách quốc tế sau 2 năm đình trệ vì dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch cấp tập làm việc với đối tác nước ngoài để sớm đón du khách. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết sự mở đường của Chính phủ và các bộ, ngành sẽ tạo điều kiện cho ngành du lịch thật sự trở lại mạnh mẽ.
Kiến nghị ưu đãi vốn, lãi suất
Theo ghi nhận, nhiều DN đang chuẩn bị về sản phẩm, dịch vụ, làm mới tour, tuyến; quảng bá, xúc tiến để sớm đón khách quốc tế trở lại.
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Golden Smile (Golden Smile Travel), cho biết một đoàn khảo sát gồm gần 60 DN ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Hà Nội vừa tham gia chương trình trải nghiệm giới thiệu tuyến điểm du lịch ở Đức Hòa - Bến Lức, tỉnh Long An. Đoàn gồm cả DN khai thác khách nội địa và quốc tế, cùng tìm hiểu những điểm đến mới lạ, hấp dẫn để có thể nghiên cứu, xây dựng lịch trình tour, tuyến đón khách trong thời gian tới.
Một đoàn khảo sát khác gồm các DN du lịch ở TP HCM và nhiều tỉnh Đông Nam Bộ cũng vừa tham quan, trải nghiệm những điểm đến tại Bạc Liêu, Sóc Trăng và Tiền Giang trong khuôn khổ hội nghị triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2022. Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, cho hay chuyến khảo sát giúp DN cập nhật tình hình thực tế, chất lượng dịch vụ du lịch ở điểm đến, chuẩn bị cho việc khai thác khách sắp tới.
Các doanh nghiệp khảo sát những điểm đến ở tỉnh Bạc Liêu, chuẩn bị cho giai đoạn bứt tốc đón khách du lịch nội địa và quốc tế trở lại
Để du lịch khôi phục nhanh nhất sau thời gian dài chịu tác động nặng nề của đại dịch, các DN cho rằng rất cần sự hỗ trợ nhằm tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, ưu đãi lãi suất. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều DN kiến nghị nhà nước tiếp tục cho phép DN ngành du lịch tiếp cận vốn vay ưu đãi, quỹ đất, ưu đãi về thuế để có nguồn lực phát triển. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐTV Lửa Việt Tours, kiến nghị giải pháp mạnh hơn là lùi thời gian đóng lãi suất ngân hàng và BHXH cho DN du lịch đến đầu năm 2023.
Tại đối thoại chuyên đề về "Mở cửa du lịch hậu Covid-19" do VnEconomy tổ chức ngày 20-3, câu chuyện nguồn vốn cho DN du lịch sớm hồi phục cũng được đề cập. Theo ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty TienPhong Travel, DN lữ hành vừa qua đã được hỗ trợ rút 80% tiền ký quỹ lữ hành quốc tế từ ngân hàng thương mại để có nguồn lực duy trì hoạt động. Tuy nhiên, với khoản tiền vài trăm triệu đồng ký quỹ thì rất khó thúc đẩy hoạt động kinh doanh, vì vậy đề xuất có thể tiếp cận được gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng.
Ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc kinh doanh Ambassador Cruise, cho rằng với những khoản đầu tư lớn, DN rất cần được tiếp vốn tín dụng. Vì thế, nếu thủ tục vay vốn đơn giản, nhanh chóng hơn sẽ giúp DN có thêm nguồn lực, thêm sản phẩm mới cho lộ trình phục hồi.
Có cơ chế ưu đãi, kêu gọi đầu tư vào du lịch
Liên quan chính sách tín dụng hỗ trợ các DN ngành du lịch trở lại, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều thông tư liên quan việc cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ các DN vay vốn mới trong bối cảnh phục hồi.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), Chính phủ đang triển khai gói phục hồi kinh tế - xã hội khoảng 350.000 tỉ đồng. Ngành ngân hàng cũng chuẩn bị các điều kiện, chính sách để làm sao hỗ trợ DN nói chung, trong đó có DN du lịch, trong thời gian tới có phương án sản xuất - kinh doanh hiệu quả, tiếp cận được vốn vay để phục hồi, phát triển.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết ngành du lịch TP HCM đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để đón khách nội địa và sẵn sàng cho việc đón du khách quốc tế trở lại ngay trong tháng 3-2022. Để hưởng ứng, thành phố đã chuẩn bị triển khai chương trình "TP HCM chào đón bạn" với 6 nhóm giải pháp trọng tâm.
"Kiến nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các địa phương tổ chức chương trình, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam và du lịch các địa phương đến thị trường quốc tế; phối hợp với địa phương xây dựng và tham mưu cho Chính phủ có các chính sách, cơ chế ưu đãi để phát triển du lịch và kêu gọi đầu tư để du lịch phát triển mạnh mẽ trở lại" - bà Hoa nhấn mạnh.
Bình luận (0)