Ngày 18-3, Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL và phát động "Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới" đã diễn ra tại Bạc Liêu.
Liên kết để có sản phẩm mới đặc sắc
Hội nghị do UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp với UBND TP HCM, các tỉnh, thành ĐBSCL và Tổng cục Du lịch tổ chức nhằm tiếp tục triển khai thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2020 - 2025.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, Tổ trưởng Tổ giúp việc Hội đồng Liên kết vùng - cho biết từ năm 2019, các chương trình liên kết du lịch TP HCM và những vùng trọng điểm trên cả nước đã được triển khai rộng rãi, hiệu quả và lan tỏa đến cộng đồng, doanh nghiệp (DN) du lịch. Trong đó, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP HCM và ĐBSCL luôn được đánh giá cao, là một trong những chương trình trọng điểm phát triển DN, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của TP HCM. Tuy nhiên, thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội và đời sống, trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng trực diện và toàn diện. Đây cũng là giai đoạn khó khăn của du lịch cả nước, TP HCM và cả vùng ĐBSCL.
Theo bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, để du lịch sớm hồi phục, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hợp tác giữa các tỉnh, thành trên tất cả nội dung đã thống nhất. Nhằm tăng tính hiệu quả của liên kết và thu hút được khách du lịch, trong năm 2022, TP HCM đề xuất cần tăng cường xây dựng các sản phẩm liên tuyến với 13 tỉnh, thành ĐBSCL trên các trục tour, tuyến mà các tỉnh, thành và DN thành phố đã khảo sát trong năm 2020.
Các sản phẩm liên tuyến cần phải mới hơn, đặc sắc hơn, hấp dẫn hơn và nhất là bảo đảm cho du khách an toàn với Covid-19; sản phẩm du lịch bằng đường thủy kết hợp phương tiện đường bộ; sản phẩm liên tuyến giới thiệu giá trị văn hóa, ẩm thực và trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng đặc trưng Nam Bộ là một lợi thế cần được nghiên cứu, phát huy để tạo tính cạnh tranh với các vùng khác...
Đại diện cho các tỉnh trong cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL, ông Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, nhận định hoạt động du lịch cần có thời gian để có thể khôi phục. Việc đưa du lịch trở lại là một nhiệm vụ quan trọng vì đây là ngành dịch vụ tổng hợp, có mối quan hệ gắn kết với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nên phát triển du lịch sẽ thúc đẩy chuỗi giá trị dịch vụ khác, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của địa phương. "Tiền Giang sẽ bảo đảm các điều kiện cho việc tái hoạt động tại điểm tham quan, dịch vụ lưu trú và lữ hành. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai các hoạt động hợp tác với TP HCM, nơi cung cấp thị trường khách du lịch chính cho cả vùng ĐBSCL; nghiên cứu, kết nối DN trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành khác để có những gói sản phẩm kích cầu hấp dẫn về giá, đa dạng về chương trình, bảo đảm chất lượng" - ông Nguyễn Văn Mười nói.
Lãnh đạo TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL ký kết Quy chế phối hợp thực hiện Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch. Ảnh: QUANG LIÊM
Phát huy thế mạnh liên kết vùng
Ngay sau giai đoạn bình thường mới, các DN du lịch đã khai thác trở lại nhiều tour, tuyến giữa TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL. Như Lữ hành Saigontourist, một thành viên của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), đã hoàn tất xây dựng các sản phẩm du lịch ĐBSCL trên cơ sở khai thác đa dạng tài nguyên du lịch về văn hóa - lịch sử, di sản, thắng cảnh, con người; các điểm tham quan nổi bật, ẩm thực đặc trưng và các loại hình nghệ thuật đặc sắc của từng địa phương, phù hợp với thị trường khách du lịch nội địa theo xu hướng du lịch mới. Những sản phẩm này nhằm phát huy tối đa lợi thế về du lịch của khu vực ĐBSCL.
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group, nhấn mạnh sẽ tiếp tục đồng hành, triển khai hiệu quả chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch trong điều kiện mới; tăng cường khai thác, thu hút nguồn khách du lịch nội địa và các thị trường khách quốc tế đến với TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. "Việc liên kết xây dựng và cập nhật các bộ tiêu chí an toàn du lịch với Covid-19 để tạo sự thuận lợi, an toàn cho du khách trong các sản phẩm đến với khu vực ĐBSCL là cần thiết, vì du khách không chỉ đến một nơi mà còn đến nhiều địa phương khác nhau để trải nghiệm chương trình du lịch liên tuyến. Cần có sự liên kết chặt chẽ quy trình, quy định về du lịch, giao thông, y tế để tạo sự đồng bộ, cơ bản thống nhất trong việc đón, phục vụ và xử lý các trường hợp phát sinh ca mắc Covid-19 theo hướng thuận lợi, an toàn, an tâm cho du khách" - ông Võ Anh Tài góp ý.
Nhiều ý kiến DN khác cho rằng bên cạnh sự đồng bộ về chính sách phòng chống dịch, cần tăng cường kết nối về giao thông, cơ sở hạ tầng; tiếp tục quy hoạch và kết nối sản phẩm, hệ thống cung ứng dịch vụ du lịch. Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, nêu rõ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, vì vậy việc đứt gãy hệ thống cung ứng dịch vụ trong thời gian dịch ảnh hưởng lớn đến việc phục hồi của ngành. Hiện TP HCM đã hồi phục tương đối hệ thống cung ứng dịch vụ, tuy nhiên, ở một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, nhiều dịch vụ chưa phục hồi đầy đủ. Vì vậy, mỗi địa phương cần có thêm chính sách hỗ trợ để các DN trong chuỗi cung ứng dịch vụ nhanh chóng hoạt động trở lại. "Cần thành lập tổ công tác chung giữa các ban, ngành của TP HCM và các tỉnh, thành liên kết để giải quyết vấn đề chung còn vướng mắc nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo động lực cho ngành du lịch phát triển trở lại. Tại địa phương, đề xuất tiếp tục cho phép các DN trong ngành du lịch được tiếp cận vốn vay ưu đãi, quỹ đất, ưu đãi về thuế để có nguồn lực phát triển. Địa phương cần ban hành gói kích cầu về miễn, giảm vé điểm du lịch, tham quan để thu hút du khách" - ông Trần Đoàn Thế Duy đề xuất.
Tại hội nghị, Quy chế phối hợp thực hiện Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương đến năm 2025 đã được ký kết nhằm cụ thể hóa thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch, từ đó phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của vùng; nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch liên vùng.
"Theo lộ trình của Chính phủ, du lịch đã mở cửa hoàn toàn, không chỉ thị trường nội địa mà cả thị trường quốc tế. Đây là thời cơ vàng để du lịch vùng giữa TP HCM và ĐBSCL phục hồi và phát triển. Với sự gắn bó chặt chẽ, đồng bộ giữa các địa phương, ký kết quy chế phối hợp, sự chủ động, sáng tạo của cơ quan quản lý du lịch và DN, du lịch của vùng sẽ khởi sắc trở lại và phát triển mạnh mẽ" - bà Phan Thị Thắng nói.
. Ông PHẠM VĂN THIỀU, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu:
Thực hiện hiệu quả cơ chế liên kết vùng về du lịch
Vùng ĐBSCL, trong đó có tỉnh Bạc Liêu - với vị trí địa lý chiến lược quan trọng, có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút du khách trong và ngoài nước. Địa phương còn nhiều dư địa để liên kết với TP HCM, tạo ra không gian du lịch đặc sắc, đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường, thúc đẩy sự lan tỏa kinh tế, du lịch, liên vùng nếu có các cơ chế, chính sách phù hợp và nhận được sự đồng hành của các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025, đón hơn 7 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 10.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 7% trong tổng GRDP của tỉnh; sớm trở thành một trong những trung tâm du lịch ĐBSCL, đóng góp tích cực vào chuỗi giá trị dịch vụ du lịch của toàn vùng.
Để làm điều này, cần đồng thuận trong xây dựng cơ chế, chính sách; kiến nghị Chính phủ hoạch định những chính sách đặc thù để TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL thực hiện hiệu quả cơ chế liên kết vùng về phát triển du lịch. Tiếp tục hỗ trợ kêu gọi các DN, nhà đầu tư quan tâm đầu tư hạ tầng dịch vụ du lịch để tương xứng với tiềm năng, tài nguyên du lịch.
. Bà PHAN THỊ THẮNG, Phó Chủ tịch UBND TP HCM:
Tăng cường quảng bá thương hiệu du lịch vùng
Để tăng tính hiệu quả của liên kết với ĐBSCL và thu hút được khách du lịch, trong năm 2022, TP HCM đề xuất tăng cường công tác quảng bá thương hiệu du lịch vùng đến các thị trường để thu hút dòng khách từ các tỉnh, thành khác và du khách quốc tế. Các tỉnh, thành phối hợp xây dựng chương trình truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch chung; phối hợp tham gia hội chợ du lịch trong và ngoài nước để tiết kiệm chi phí, qua đó giới thiệu được sức hấp dẫn của sản phẩm vùng, cũng như cạnh tranh với sản phẩm của các nước trong khu vực.
UBND TP HCM sẽ chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ xây dựng website chung của vùng nhằm thực hiện công tác quảng bá thương hiệu vùng, quảng bá du lịch các địa phương trong cụm liên kết. Đồng thời, phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến, mời gọi đầu tư vào TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, cùng với 5 tỉnh Đông Nam Bộ để thu hút các nhà đầu tư lớn tham gia xây dựng hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch mang quy mô và đặc trưng của vùng.
Bình luận (0)